Theo đó, facebook có nickname Bích Ngọc rao: "Bên mình cho đổi 1 triệu tiền thật lấy 5 triệu tiền giả. Tiền giả giống tiền thật 98% làm từ polymer, có hình chìm, chỉ khác chỗ là các tờ tiền giả cùng mệnh giá có số sêri giống nhau, nếu xài 1 tờ thì chắc chắn không phát hiện, đổ xăng, đi chợ, mua hàng tạp hóa đều ok hết, chỉ có ra ngân hàng đối chiếu số sêri mới bị phát hiện thôi…".
Một Facebook khác có tên Linh Tây cũng mời chào: "Mình còn ít tiền giả, anh em nhanh tay nhé. Được cái giống như thật, khác là trùng số sêri thôi, nếu tiêu từng tờ một thì không lo phát hiện. Anh em nào thích thì liên hệ mình nhé, 1 triệu tiền thật đổi được 5 triệu tiền giả, đặt cọc trước 1/3". Để tạo niềm tin, một số chủ nhân Facebook khác còn cho khách hàng số điện thoại liên hệ và cho biết nếu đổi nhiều sẽ được khuyến mãi, có người giao hàng tận nhà.
Trước những thông tin đăng tải trên, nhiều người khẳng định đây chỉ là chiêu thức lừa đảo qua Facebook của một số đối tượng để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, có nhiều người nhẹ dạ cả tin đã dính vào những bẫy chiêu trò của những đối tượng xấu.
Rao bán tiền giả công khai trên Facebook.
Để làm rõ vấn đề pháp lý của vụ việc PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thanh Tùng – Văn phòng luật sư Phạm Hoàng – Đoàn luật sư TP. Hà Nội. Nhận định về vụ việc luật sư Phạm Thanh Tùng cho biết: “Để xác định trách nhiệm pháp lý của các đối tượng rao bán tiền giả trên mạng xã hội thì cần phải điều tra xem có việc mua bán tiền giả không hay người bán chỉ đưa thông tin sai sự thật nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Vụ việc cần các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra để có hướng xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp, thu giữ được các vật chứng là tiền giả và xác định có việc mua bán tiền giả thì các đối tượng trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo Điều 180 Bộ luật hình sự 1999. Tội này có khung hình phạt cao nhất tại khoản 3 là hai mươi năm tù, chung thân hoặc tử hình. Việc công khai mua bán tiền giả trên mạng xã hội thể hiện sự coi
thường pháp luật, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm những đối tượng trên để răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Theo luật sư Phạm Thanh Tùng thì nếu việc đổi tiền thật lấy tiền giả là không có thật, người đưa tin chỉ nhằm mục đích làm cho người khác tin tưởng đưa tiền thật cho mình rồi sau đó bỏ trốn, thì vụ việc có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự 1999.
Nhất Phiến