Cụ thể, Nhà hát kịch Idecaf đã sắp kín lịch diễn trong 2 ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần với khung giờ từ 16 giờ đến 19 giờ 30 phút. Các suất diễn mang tính trào phúng tại đây như “Tấm Cám đại chiến”, “Một ngày làm vua”, “Vàng ơi là vàng”, “Bích Hoa - Cô là ai?”… luôn tạo được sức hút cho khán giả. Ngoài sự ủng hộ của khán giả trong nước, các khán giả nước ngoài cũng đến đây với mong muốn thưởng thức những vở diễn đặc biệt.
Bên cạnh những vở diễn “ăn khách”, mới đây, Nhà hát kịch Idecaf chính thức khởi công vở kịch lịch sử “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt”. Ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Nhà hát cho biết, vở diễn được thực hiện từ kịch bản của tác giả Phạm Văn Quý, từng được Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng vào năm 2008 với tên gọi “Tả quân Lê Văn Duyệt”. Vở diễn dự kiến ra mắt vào cuối tháng 3/2024 trong chương trình Sân khấu sử Việt mà Nhà hát đã ấp ủ lâu nay.
Sân khấu Thế Giới Trẻ cũng tạo được nhiều bất ngờ trong mùa kịch Tết năm nay. Theo đại diện Sân khấu Thế Giới Trẻ, dù đã hết Tết nhưng sân khấu vẫn nhận được sự ủng hộ từ lượng khán giả từ quê trở về Thành phố Hồ Chí Minh. Đơn vị vẫn tiếp tục duy trì lịch diễn vào 3 ngày cuối tuần với các vở “Hồn ma cô đào hát”, “Bóng đàn ông”, “Mỹ vị nam vương”... Hiện, lượng vé bán ra tại các suất diễn của sân khấu vẫn ổn định. Những vở mới được khán giả ủng hộ nhiệt tình, còn những vở cũ đạt từ 70% lượng vé trở lên.
Nối tiếp đà thắng lợi của kịch thiếu nhi, sau dịp Tết, Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ của Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Uyên tiếp tục sắp lịch các vở thiếu nhi “Thế giới đồ chơi” và “Câu chuyện cậu bé rồng” đều đặn vào 2 ngày cuối tuần.
Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Uyên cho biết, Nhà hát đang nỗ lực tìm thêm những kịch bản mới mang tính giáo dục, gần gũi với khán giả nhí; đồng thời đẩy mạnh tương tác, nhằm tăng cơ hội cho các em thiếu nhi giải trí, trực tiếp giao lưu, trả lời câu hỏi và nhận quà khi đến xem kịch.
Tập trung hướng đến đối tượng khán giả thiếu nhi cũng là hướng đi của nhiều sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2024. Nếu trước đây, các chương trình cho thiếu nhi chủ yếu là “Ngày xửa ngày xưa” do Nhà hát kịch Idecaf thực hiện, thì nay mảng kịch thiếu nhi đã trở nên vô cùng đa dạng.
Tuy mới ra mắt vào đầu năm 2024 nhưng Sân khấu Ban Mai, sân khấu đa trải nghiệm dành cho thiếu nhi của đạo diễn Bảo Chu cũng nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Theo đạo diễn Bảo Chu, sân khấu đón lượng lớn khán giả từ mùng 4 đến mùng 9 Tết. Mỗi ngày, số vé bán ra đều tăng cao, đạt khoảng 90% ở mỗi suất diễn.
Dự kiến, sân khấu sẽ đầu tư dàn dựng thêm nhiều vở kịch thiếu nhi đa sắc màu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí của khán giả nhỏ tuổi.
Tương tự, “Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê” của Nhà hát Thanh Niên là một trong những vở kịch tạo được sức hút lớn cho khán giả thiếu nhi trong dịp Tết vừa qua. Với ý nghĩa giáo dục sâu sắc, vở diễn nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ các khán giả nhí. Khi đến xem kịch, các em được tương tác với các diễn viên, hòa mình vào cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê muốn khám phá thế giới thật bên ngoài. Vở kịch đang được diễn tại Nhà hát Thanh Niên vào 9 giờ 30 phút các ngày cuối tuần.
Nhiều đại diện các sân khấu, nhà hát nhận định, 2024 là một năm đáng nhớ khi các sân khấu cùng đón chung những tín hiệu vui.
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Uyên, một trong những điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt của sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh trong mùa Tết là sự phân chia thể loại kịch rõ nét ở mỗi sàn diễn. Mặc dù có thêm nhiều điểm diễn kéo theo thị phần khán giả cũng bị chia sẻ, nhưng đây lại là thách thức cho người làm sân khấu khi phải nỗ lực để thu hút khán giả. Điều này cũng đồng thời là niềm vui cho người yêu kịch khi có thêm lựa chọn đến với các sân khấu.
Là người có hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và là thầy của nhiều thế hệ nghệ sỹ nổi tiếng, đạo diễn của rất nhiều tác phẩm sân khấu đỉnh cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc cho rằng, năm 2024 hứa hẹn là năm đáng mừng cho ngành Sân khấu Thành phố khi sân khấu mới liên tục ra mắt, các vở diễn ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu giải trí đa dạng của công chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư sáng tác, biểu diễn các vở mới, những người nghệ sỹ cũng cần nghiêm túc đầu tư nâng cao trình độ, tìm hiểu xem khán giả cần gì; để từ đó cho ra đời các kịch bản, vở diễn bám sát được hơi thở của cuộc sống.