Sáp nhập hành chính phải đảm bảo hài hòa giữa việc gìn giữ văn hóa, lịch sử và bài toán phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Thông tin quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp quận duy nhất của Hà Nội thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2023 - 2025, theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
Sáp nhập hành chính phải đảm bảo hài hòa giữa việc gìn giữ văn hóa, lịch sử và bài toán phát triển

Việc sáp nhập đơn vị hành chính để phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và theo quy định của pháp luật là cần thiết, song cần cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa việc gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử và bài toán phát triển.

Cân nhắc các yếu tố lịch sử, văn hóa

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính tổ chức ngày 31/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, Hà Nội có một đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành hành chính, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận phải có diện tích tự nhiên từ 35km2 trở lên, dân số từ 150.000 người trở lên.

Trong khi đó, Hoàn Kiếm là quận có diện tích nhỏ nhất của thành phố Hà Nội, với diện tích tự nhiên 5,29km2 (thấp hơn gần 7 lần so với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận), dân số khoảng 156.000 người. Như vậy, quận Hoàn Kiếm của Hà Nội không đạt tiêu chuẩn về diện tích và nằm trong diện cần phải sáp nhập theo Nghị quyết số 1211.

Trao đổi với báo chí, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính là đúng đắn. Tuy nhiên, sáp nhập đơn vị hành chính nào cũng cần đánh giá và tính toán trên nhiều góc độ, trong đó cần cân nhắc đến yếu tố về những giá trị văn hóa lịch sử.

Theo các chuyên gia, xét về mặt văn hóa, lịch sử, Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô. Hoàn Kiếm còn là nơi lưu giữ 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng nổi tiếng như: quần thể di tích Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn - Đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Nhà Thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân... và đình thờ các ông tổ nghề như đình Lò Rèn, đình Hàng Giấy... Nơi đây là đầu mối giao lưu với “tứ trấn” và cũng là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà tên các phố hôm nay còn ghi đậm dấu ấn như Hàng Đào, Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Khay, Hàng Quạt, Hàng Da…

Các chuyên gia cho rằng, với những giá trị về lịch sử, văn hóa, nhất là dấu ấn Thăng Long - Hà Nội, nếu sáp nhập mất sẽ nhiều hơn được, do đó không thể sáp nhập quận chỉ vì một tiêu chí không đạt.

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nếu đối chiếu theo Nghị quyết của Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, quận Hoàn Kiếm không đủ diện tích (chỉ đạt khoảng 20% diện tích theo quy định của cấp quận huyện), việc cần sắp xếp lại là đương nhiên. Tuy nhiên, việc sắp xếp như thế nào cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, sau đó báo cáo qua hệ thống cơ quan nhà nước, qua Bộ Nội vụ, rồi mới trình lên Chính phủ, Quốc hội… Đó là một lộ trình rất dài.

Theo Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, việc sáp nhập một đơn vị hành chính không chỉ dựa trên yêu tố diện tích, dân số, mà còn dựa trên yếu tố lịch sử, văn hóa. Trong câu chuyện này, chúng ta hiểu rằng, việc sáp nhập được thực hiện theo quy định trong Nghị quyết của Quốc hội về các tiêu chí cấp quận huyện. Tuy nhiên, đây không phải là những tiêu chí cứng phải thực hiện. Quốc hội sẽ xem xét đề xuất của địa phương qua hệ thống quản lý của Chính phủ, cân nhắc một cách thấu đáo, xem sát nhập như thế nào để phát triển tốt hơn, chứ không phải sát nhập để có sự phát triển chồng chéo, hay đánh mất đi giá trị lịch sử, văn hóa.

Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội đang hướng đến việc quy hoạch thành phố văn hiến, văn minh và hiện đại. Như vậy, yếu tố văn hiến được đặt lên hàng đầu với tiêu chí Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trong đó, Hoàn Kiếm là một quận nội thành quan trọng nhất của Thủ đô Hà Nội, có bề dày văn hóa gắn với hồ Hoàn Kiếm, đây cũng là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa quan trọng. “Với tinh thần như vậy, chúng tôi cho rằng việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm là không nên, cần tính đến bài toán khác”, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn nêu ý kiến.

Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, ông Phan Đăng Sơn cho rằng, quy hoạch trước đây hay hiện nay của Hà Nội đều gắn kết với nền tảng văn hóa. Hoàn Kiếm là một quận có bề dày lịch sử, văn hóa, không nên để pha trộn với các quận khác.

Theo ông Phan Đăng Sơn, trường hợp này không nên sáp nhập mà nên điều chỉnh lại địa giới hành chính của các quận, làm sao cho đáp ứng được theo quy định của Quốc hội ở mức tối thiểu. Theo đó, mở rộng, điều chỉnh địa giới quận Hoàn Kiếm với các quận huyện xung quanh. Các quận huyện xung quanh có thêm điều chỉnh sang các quận, huyện lân cận… Ông Sơn cho rằng, giải “bài toán” theo hướng điều chỉnh địa giới là hài hòa hơn cả, vừa đáp ứng được yêu cầu về mặt tiêu chí theo Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời vẫn giữ nguyên tên gọi để tiếp tục có tên trong đội hình địa giới hành chính của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của Hà Nội.

Bỏ tên nào đều đáng tiếc

Nhà báo, Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến là một trong những tác giả nghiên cứu và viết nhiều về Hà Nội, trong đó có những cuốn khảo cứu “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”, “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”… Ông chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông đặc biệt gắn bó với mảnh đất này, yêu cả những cái hay và chưa hay, những cái “vuông tròn” của Hà Nội. Vì vậy, mỗi sự thay đổi lớn ở Hà Nội ông đều trăn trở.

Những ngày qua, dư luận quan tâm nhiều đến thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm do chưa đáp ứng được tiêu chí hành chính. Ông cũng có nhiều suy nghĩ.

Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, quận Hoàn Kiếm đặc biệt so với các quận, huyện ở các địa phương khác, bởi từ khi vua Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư về kinh thành Thăng Long, khu vực này đã trở thành khu vực thị dân, có người dân sinh sống, buôn bán làm nghề thủ công… Nghĩa là nơi đây là tiền thân của đô thị Hà Nội sau này. Đây là yếu tố chúng ta cần cân nhắc và lưu ý, đồng thời nên đưa vào trường hợp đặc biệt khi tính đến việc điều chỉnh. Bởi nếu chỉ quan niệm một cách máy móc theo quy định hành chính, sẽ dẫn đến xóa bỏ những địa danh lịch sử, đó là điều đáng tiếc.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ, đối với cá nhân ông, không riêng gì đối với Hoàn Kiếm, mà đối với các quận nội thành khác như: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa… việc sáp nhập hành chính và bỏ tên nào cũng đều đáng tiếc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định, chúng ta đều biết, nếu có sáp nhập và thay đổi, tuy đó chỉ là đổi một cái tên, còn các di tích văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc hoặc các truyền thuyết vẫn còn, không mất đi. Song, cái tên đó không chỉ để gọi, mà đó còn là địa danh gắn với những câu chuyện lịch sử văn hóa giàu ý nghĩa. Hoàn Kiếm là quận trung tâm, có quá nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử diễn ra ở đây. Cái tên Hoàn Kiếm đã trở thành cái tên quá thân thuộc với người dân thủ đô và cả nước.

Với nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, cái tên Hoàn Kiếm để lại trong ông nhiều dấu ấn đặc biệt, bởi ông đã gắn bó trong quá trình viết, khảo cứu về Hà Nội, với những câu chuyện lạ, độc đáo được ông ghi lại trong các cuốn sách của mình. Trong đó, có câu chuyện huyền tích đẹp về lịch sử vua Lê trả kiếm, để từ đó có tên hồ Hoàn Kiếm. Theo ông Tiến, huyền tích ấy không phải vùng đất nào cũng có. Việc lập quận Hoàn Kiếm sau này cũng từ ý nghĩa câu chuyện đó. Do đó, ông mong muốn rằng, không nên có sự thay đổi.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, câu chuyện quận Hoàn Kiếm chưa đáp ứng diện tích hoàn toàn có thể điều chỉnh được, hoặc có thể dựa trên yếu tố văn hóa, lịch sử để đưa vào trường hợp đặc biệt. Trong trường hợp bắt buộc phải đổi, ông Tiến cho rằng, nên trưng cầu dân ý một cách công khai, dựa vào kết quả trưng cầu dân ý để nghiên cứu thực hiện các bước tiếp theo.

Mới đây, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 được thông qua tại Phiên họp thứ 24, ngày 12/7/2023 đưa ra một số tiêu chí cụ thể về các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030, Hoàn Kiếm không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Tuy nhiên, Điều 3 của Nghị quyết số 35 cũng đưa ra các yếu tố đặc thù về các trường hợp không bắt buộc phải thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, đó là các địa phương có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; các địa phương có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Chắc chắn rằng, khi bàn đến câu chuyện sáp nhập địa giới hành chính, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý sẽ tính toán, cân nhắc đến các yếu tố đặc thù để có quyết định phù hợp.

Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.