Chồng chéo, kém hiệu quả
Là người từng có thời gian dài tham gia vào quá trình xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng việc sáp nhập các bộ lại với nhau đã được đặt ra từ 20 năm trước. Theo đó, Hội nghị Trung ương 7 năm 1999, Đảng đã đặt ra vấn đề hợp nhất các bộ, ngành theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
“Nhưng rồi bao năm qua chúng ta cứ chậm trễ, thiếu quyết liệt dẫn đến không thực hiện được. Hậu quả là bộ máy hiện nay rất cồng kềnh, chồng chéo, tiêu tốn ngân sách mà hiệu quả, hiệu lực lại không cao”, ông Phúc nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng khẳng định việc có nhiều cơ quan quản lý không đồng nghĩa với chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt lên. “Các nước phát triển chỉ có 12- 15 bộ, ngành thôi mà sao quản lý tốt thế, kinh tế rất phát triển? Còn chúng ta có đến 22 bộ, ngành, rồi địa phương nào cũng đầy đủ ban bệ, nhưng người dân vẫn cứ kêu ca về chất lượng phục vụ, chưa kể đó còn là sự tốn kém về chi phí nuôi bộ máy”, ông Phúc nói.
Từ đó, ông Phúc cho rằng trong tình hình hiện nay việc cắt bớt, sáp nhập các sở lại với nhau là rất phù hợp, nhất là trong bối cảnh các cơ chế, chính sách về quản lý đang chuyển đổi chức năng từ quản lý trực tiếp sang gián tiếp, bằng chính sách, pháp luật, kiểm tra, giám sát.
“Quản lý nhà nước qua nhiều đầu mối rồi cứ “ôm việc” làm thay cho thị trường, cho người dân, doanh nghiệp thì khó phát triển được”, ông Phúc nói. Ông cũng khẳng định đến thời điểm này sáp nhập tuy muộn, nhưng không thể để chậm trễ thêm được nữa. Sau khi sáp nhập các sở xong thì cũng phải nghiên cứu, tính toán sáp nhập các bộ lại cho phù hợp.
Ủng hộ chủ trương sáp nhập các sở lại với nhau, nhưng ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, nếu các cơ quan Nhà nước vẫn cứ “ôm việc”, làm thay cho thị trường thì có sáp nhập cũng không tạo ra được nhiều hiệu quả.
Ông Phạm Sĩ Liêm dẫn chứng, ở nhiều nước trên thế giới, việc cấp chứng chỉ hành nghề là do các tổ chức, đoàn thể, hội nghề nghiệp cấp chứ không phải chính quyền. Nhưng ở ta chính quyền, sở ngành vẫn khư khư giữ quyền cấp nên sinh ra bộ máy chuyên phục vụ cho việc cấp đó.
“Giờ sáp nhập thì có bỏ đi những cái đó không. Nếu vẫn tư tưởng “ôm” việc, làm thay, không phân cấp mạnh thì sáp nhập sở, ngành lại có thể sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải trong giải quyết công việc”, ông Liêm nói.
Đề xuất làm thí điểm
Đề cập việc sáp nhập Sở KH&ĐT với Sở Tài chính, cũng như Sở Xây dựng với Sở Kế hoạch và Đầu tư (Hà Nội và TPHCM sáp nhập thêm Sở Quy hoạch và Kiến trúc), ông Thang Văn Phúc cho rằng hoàn toàn hợp lý. Bởi cơ quan quyết định đầu tư dự án thì phải biết mình trong tay có bao nhiêu tiền, chứ tiền không có trong tay mà cứ quyết thì sao chuẩn được.
“Chúng ta thấy rồi đấy, có rất nhiều dự án cứ quyết đầu tư nhưng rồi không có tiền nên để kéo dài lê thê, không hiệu quả, chậm tiến độ. Nay nhập vào chung một sở thì “tiền có đến đâu làm đến đây”, chứ không phải quyết dự án rồi mới đi hỏi nơi khác “có tiền không”, ông Phúc bình luận.
Về ý kiến cho rằng, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương lớn, công việc nặng nề nếu sáp nhập lại sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, không bảo đảm cho sự phát triển, ông Phúc cho rằng, đó chỉ là tư duy nặng về quản lý. Vì nặng quản lý nên lúc nào cũng muốn “ôm” rồi làm thay cho doanh nghiệp, người dân. Nếu sở chỉ làm chức năng xây dựng chính sách, kiểm tra, giám sát… theo hướng phục vụ, kiến tạo thì sẽ không có chuyện quá tải.
Cho rằng, đây là một vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều vấn đề, ông Phạm Sỹ Liêm kiến nghị Chính phủ cho thí điểm việc sáp nhập sở ở một vài địa phương trước. Sau một năm nếu thấy hiệu quả thì sửa đổi quy định để thực hiện trong cả nước. “Chúng ta đã có quá nhiều bài học về nhập vào tách ra rồi. Mà mỗi lần nhập vào tách ra như thế là rất tốn kém, làm xáo trộn nhiều hoạt động, mất rất nhiều thời gian mới ổn định lại. Do đó, thí điểm trước là hoàn toàn phù hợp”, ông Liêm kiến nghị.
“Các nước phát triển chỉ có 12-15 bộ, ngành thôi mà sao quản lý tốt thế, kinh tế rất phát triển? Còn chúng ta có đến 22 bộ, ngành, rồi địa phương nào cũng đầy đủ ban bệ, nhưng người dân vẫn cứ kêu ca về chất lượng phục vụ, chưa kể đó còn là sự tốn kém về chi phí nuôi bộ máy”, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.