Gần 8 tháng qua, dịch bệnh COVID-19 reo rắc nỗi sợ hãi ra toàn thế giới, với hàng chục triệu người nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn sinh mạng đã ra đi. Đến nay dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn ở nhiều quốc gia và Việt Nam cũng đang trải qua giai đoạn dịch bệnh COVID-19 ở một số tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là ở miền Trung.
Những gì xảy ra tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, bất cứ đâu, địa điểm nào cũng có thể là nơi xuất hiện các ca bệnh. Hậu quả cực kỳ nặng nề nếu dịch bệnh “tấn công” những địa điểm xung yếu như bệnh viện, bởi đây là nơi có rất nhiều bệnh nhân với nhiều bệnh lý nền, bệnh nặng, lại mắc thêm COVID-19, khiến việc chữa trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc phải tới bệnh viện hay các nơi tập trung đông người là việc “không thể đừng” với nhiều người. Vậy làm sao để bảo vệ bản thân khi bị ốm mà phải đến bệnh viện hay phải tới những địa điểm đông người?
Đi tìm cách thức ứng phó với COVID-19
Khi tới những địa điểm công cộng, ngoài việc đeo khẩu trang, khai báo y tế, sát khuẩn tay, thực hiện nghiêm việc giãn cách, người dân cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng vệ sinh cá nhân để phòng bệnh. Ngoài những biện pháp thông thường trên, nhiều quốc gia và tổ chức, hiệp hội y khoa còn đưa thêm khuyến nghị liên quan đến đảm bảo vệ sinh mũi họng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus do tải lượng virus tập trung nhiều ở vùng này. Có một số nghiên cứu chỉ ra vệ sinh mũi họng bằng dung dịch PVP-I có thể giúp làm giảm hàm lượng virus SARS-CoV-2 ở khoang miệng và cổ họng trong một thời gian ngắn, nhưng đây không phải là cách điều trị COVID-19 hoặc bảo vệ con người khỏi bị nhiễm virus.
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hướng dẫn, trong đó khuyến cáo người dân cân nhắc việc đến phòng khám nha khoa chăm sóc sức khỏe răng miệng thời điểm này. Bởi các thủ thuật nha khoa thông thường đòi hỏi nhân viên y tế tiếp xúc gần khoang miệng của bệnh nhân nhất, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nếu người dân bắt buộc phải điều trị bệnh răng miệng, nhân viên y tế cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh, trang bị quần áo bảo hộ theo tiêu chuẩn, găng tay, tấm che mặt, kính bảo hộ, khẩu trang y tế. Đặc biệt, nhân viên y tế phải yêu cầu bệnh nhân súc miệng bằng hydrogen peroxide 1% hoặc povidone iodine (PVP-I) 0,2% trong 20 giây vì đây là phương pháp có thể làm giảmtại lượng vi sinh vật trong miệng người bệnh, trong đó có virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 hiện nay.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trong phòng thí nghiệm, tại Trường Đại học Y khoa Duke-NUS, Singapore, công bố trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm và các phương pháp điều trị ngày 8/7/2020 cho thấy, PVP-I dưới dạng dung dịch sử dụng trên da, làm nước súc miệng ở nồng độ 1% và nước xịt họng nồng độ 0.45%có tác dụng trong giảm tải lượng virus SARS-CoV-2 trong một thời gian ngắn
Trước đó, một nghiên cứu tương tự cũng được tiến hành tại Trung tâm nghiên cứu Bệnh nhiệt đới và giáo dục (TUDREC) của Đại học Malaya, Malaysia và cho kết quả giống như nghiên cứu tại Singapore. Nghiên cứu này cũng được đăng tải trên Tạp chí Nha khoa Anh (BDJ) xuất bản vào ngày 26/6/2020.
Tất cả nghiên cứu và khuyến cáo trên cho thấy, tải lượng virus cao được phát hiện trong khoang miệng và cổ họng của một số bệnh nhân COVID-19, là nguồn lây bệnh cho người khác. Do đó, việc sử dụng các loại nước súc miệng chứa Povidone Iodine có hiệu quả chống lại SARS-Cov-2 có thể giúp giảm tải lượng virus. Điều này đặc biệt hữu ích trong những trường hợp như trước khi điều trị nha khoa hoặc trong quá trình chăm sóc y tế cho bệnh nhân COVID-19.
Dùng nước súc họng PVP-I thế nào?
Các nhà khoa học nhấn mạnh, súc miệng họng bằng nước súc họng chứa PVP-I không thể ức chế việc sản xuất virus trong tế bào, nhưng có thể làm giảm tải lượng virus một thời gian ngắn trong khoang miệng và cổ họng, nơi có khả năng lây nhiễm lớn nhất, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác và phát tán ra môi trường xung quanh. Với những phát hiện này, súc họng chứa PVP-I được xem như một trong những biện pháp hỗ trợ bảo vệ cá nhân, đặc biệt là nhân viên y tế trong những tình huống chăm sóc sức khỏe cụ thể cho người bệnh. Ví dụ như theo khuyến cáo của WHO, nhân viên y tế cần yêu cầu người bệnh súc miệng bằng PVP-I trước khi chăm sóc sức khỏe răng miệng (trong trường hợp bất khả kháng).
Khi súc họng cần lưu ý:
- Khi súc họng phải súc sâu trong họng, chứ không đơn thuần là súc miệng. Ngậm một ngụm dung dịch súc họng (10-20ml), khoảng 30 giây, súc đều và nhổ đi, tuyệt đối không được nuốt.
- Không nên ngậm nước súc họng vào rồi nhổ ra ngay, nên cố gắng ngậm lâu tối đa, súc vài lần, mỗi lần vài ba ngụm không chỉ có tác dụng làm sạch họng mà đảm bảo tác dụng sát khuẩn tốt.
- Với người khỏe mạnh dùng dự phòng, súc họng trong ít nhất 30 giây, lặp lại 4 lần/ngày nếu cần. Khi bị tổn thương, cần súc miệng hoặc họng trong 2 phút, dùng 4 lần trong ngày, đặc biệt sau khi ăn, theo chỉ định của bác sĩ.
- Nên súc họng trước khi đi ra ngoài, và ngay khi từ ngoài về nhà (hay ngay khi tiếp súc gần với người khác).
- Trong vùng có dịch thì súc định kỳ theo thời gian tác dụng của mỗi loại dung dịch.