Sinh viên mùa giãn cách: Không lùi bước trước gian khó

Sinh viên mùa giãn cách: Không lùi bước trước gian khó

Không thể về quê, không kiếm được việc làm thêm, bị cô lập bởi quy định giãn cách xã hội trong những khu trọ và ký túc xá ở Hà Nội, sinh viên cũng là một đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Có lẽ họ không ngờ rằng, quãng đời sinh viên tươi đẹp lại có những lúc khó khăn đến vậy...

___________________________

Khó khăn chồng chất

Trần Thảo Nhi (19 tuổi, đến từ Chiêm Hoá, Tuyên Quang) đang phân vân chưa biết có nên gọi một suất cơm bình dân hay không. Bệnh đau dạ dày của Nhi vừa tái phát - hậu quả của việc ăn quá nhiều mì gói. Phần cơm 15.000 đồng từng là bữa chính, giờ đã trở thành “bữa cải thiện” với cô sinh viên nghèo sắp rỗng ví.

“Giá mà em vẫn còn được đi làm, thì không đến nỗi phải đắn đo thế này,” Nhi cười buồn.

Sinh viên mùa giãn cách: Không lùi bước trước gian khó ảnh 1
“Bữa cải thiện” giá chỉ 15.000 đồng của Nhi.

Hoàn cảnh của Nhi khá đặc biệt. Ông bà mất sớm, bố qua đời đột ngột ở Malaysia khi đang là lao động xuất khẩu (LĐXK), mẹ bỏ nhà đi không để lại đồng nào, gia đình 6 người giờ chỉ còn Nhi và anh trai.

Trước giãn cách xã hội, Nhi làm thêm tại một cửa hàng sữa với lương tháng 2,5 triệu đồng. Sau khi tự trả mọi chi phí ăn học, Nhi chỉ dành dụm được vài ba trăm nghìn mỗi tháng. Nay mất việc, Nhi đành phải dựa vào những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi ấy để sống. Đã lâu, Nhi không thể mua một chiếc áo, một món đồ mỹ phẩm, hay đơn giản là một chiếc kẹp tóc cho riêng mình.

Nhưng khó khăn vẫn chưa buông tha Nhi. Mới đây, khi anh trai gặp chuyện rủi ro khi đang làm LĐXK bên Malaysia, Nhi phải vét gần hết tiền tiết kiệm để giúp đỡ anh. Còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới khai giảng năm học mới, Nhi vẫn không biết làm sao để xoay sở được 5 triệu tiền học. Không thể tiếp tục đi học chính là nỗi sợ lớn nhất của cô sinh viên nghèo...

“Thế nên dù khó cỡ nào thì em cũng quyết tâm ở lại Hà Nội, để còn tìm việc làm...”

Xếp viên gạch cuối cùng lên xe rùa, Ly A Nhịa (21 tuổi) hối hả đạp xe về nhà khi trời đã sẩm tối. Không kịp tắm rửa, Nhịa tay trái cầm bát cơm, tay phải vội vàng mở laptop, đăng nhập vào Zoom vừa kịp giờ học online.

“Ở bản em không bắt được sóng điện thoại và mạng internet, nên đành phải ở lại Hà Nội để học online thôi ạ.”.

Khác Nhi, Nhịa đang “mắc kẹt” ở ngoại thành. Trước đó, khi đang thực hiện giãn cách tại ký túc xá Mễ Trì, Nhịa phải lên đường về quê vì nhận được hung tin: bà nội qua đời. Sau khi chịu tang bà, không thể vào lại nội thành Hà Nội nữa, Nhịa đành xin ở nhờ phòng trọ của một người anh tại huyện Gia Lâm.

Hằng ngày, Nhịa đi bốc gạch thuê từ 9-10 tiếng với tiền công 180.000đ/ngày. Những hôm không phải học online, Nhịa ăn vội bữa cơm rồi lại ngồi cả tối đánh máy thuê với thu nhập 13.000 đồng/giờ, có hôm tới tảng sáng mới xong.

Sinh viên mùa giãn cách: Không lùi bước trước gian khó ảnh 2

Ly A Nhịa và chiếc xe đạp cậu vẫn thường dùng để đi làm.

Nhịa vất vả như vậy vì tiền đã “bay hơi” gần hết từ đầu đợt giãn lần thứ tư. Khi còn ở nội thành, Nhịa phải xin làm chân trông xe trong ký túc xá, và vay tiền các bác bảo vệ để cầm cự. Giờ đây, tiền đi thực tập năm cuối chưa đóng, nợ cũng chưa trả được, tự lo thân mình còn nhọc, chứ đừng nói tới việc gửi tiền về cho gia đình - điều Nhịa vẫn làm đều đặn suốt 3 năm qua.

Sinh viên mùa giãn cách: Không lùi bước trước gian khó ảnh 3
Bữa tối chỉ có cơm trắng, mì tôm, rau và canh của A Nhịa.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của cậu sinh viên người Mông, Hội Sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - nơi Nhịa theo học đã đề nghị hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm và tiền mặt. Nhưng Nhịa từ chối.

“Vì em đang ở ngoại thành, không muốn các bạn phải vất vả đi đường xa…,” Nhịa cười.

Tuy nhiên, khó khăn hơn cả trong mùa giãn cách có lẽ là những sinh viên khuyết tật, đặc biệt là sinh viên khiếm thị.

Để đóng tiền học hè và tiền nhà tháng 8, hai sinh viên khiếm thị Hoàng Phú (25 tuổi) và Thanh Duy (23 tuổi) đã phải bán điện thoại của mình. Đóng tiền xong, hầu bao của Phú và Duy lại một lần nữa cạn kiệt. Để giữ liên lạc, hai người đành đi mượn bạn bè điện thoại “cục gạch” dùng tạm.

Năm ngoái, Phú và Duy mở một cơ sở tẩm quất người mù tại ngôi nhà họ đang thuê. Một tháng quán phục vụ trung bình 70 khách, sau khi trừ chi phí, họ tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu. Nhưng hơn một tháng nay, Phú và Duy không kiếm nổi đồng nào vì cơ sở bắt buộc phải đóng cửa. Suốt thời gian đó, mỗi ngày Phú và Duy chỉ dám ăn tiêu trong khoảng 50.000 đồng. Trụ được qua hai tuần giãn cách đầu tiên, họ hoàn toàn nhẵn túi. Hiện thực phẩm, nhu yếu phẩm được trường và tổ dân phố hỗ trợ là nguồn sống duy nhất của họ đến lúc này.

Sinh viên mùa giãn cách: Không lùi bước trước gian khó ảnh 4
Thanh Duy đang massage đầu cho khách khi cơ sở tẩm quất còn hoạt động.

“Mong là tháng tới bọn em được cho khất tiền nhà và tiền học, vì sắp cùng đường rồi ạ...” Phú và Duy buồn bã.

Là người khiếm thị, Phú và Duy không thể làm những công việc trực tuyến như bán hàng online, thiết kế đồ hoạ, sáng tạo nội dung… để kiếm thêm. Mới đây, Hà Nội lại thông báo tiếp tục giãn cách tới ngày 6/9, khiến Phú và Duy lâm vào bước vào đường cùng. Hai người đang tính tới việc bán nốt 2 chiếc laptop - đồ vật giá trị nhất của họ, nếu không xin khất được tiền nhà và tiền học...

Không chịu lùi bước

Khó khăn đủ đường, nhưng không ai nản chí. Dù chưa biết còn trụ được bao lâu, nhưng cả Nhi, Nhịa, Phú và Duy đều rất lạc quan khi nói về những kế hoạch tương lai của mình.

Tranh thủ thời gian giãn cách, Nhi chủ động tìm những việc làm liên quan đến chuyên ngành PR như sáng tạo nội dung, tiếp thị online, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu…, với quyết tâm trong vòng 1 tuần phải có công việc mới. Không chỉ vậy, Nhi còn đọc thêm tài liệu về báo chí, đặc biệt là báo hình. Chưa bao giờ Nhi thôi ước mơ trở thành biên tập viên tại Đài truyền hình Việt Nam. Với một người tự lập từ bé, đã trải qua nhiều sóng gió như Nhi, giãn cách xã hội chỉ là “chuyện nhỏ”.

“Khó, không có nghĩa là mình ngừng phát triển và cống hiến,” giọng Nhi chắc nịch.

Tuy đang không thể tự chủ được cuộc sống, nhưng Phú và Duy không hề bi quan. Theo họ, hoàn cảnh của những y, bác sĩ đang vất vả ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch, hay những người vô gia cư đang vất vưởng ngoài đường phố còn khó khăn hơn nhiều.

“Bọn em vẫn còn được ăn ngủ đều đặn, có chỗ ở đàng hoàng là may mắn lắm rồi!”, Phú cười tươi.

Mong ước của Phú và Duy rất giản dị, đó là cơ sở tẩm quất người mù của họ sớm được mở cửa trở lại. Bởi không chỉ để duy trì nguồn thu nhập, hai người còn muốn tạo thêm việc làm cho một số sinh viên khiếm thị khác trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Huyện Sông Mã (Sơn La) - quê của A Nhịa, có tới 16/18 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mỗi lần về quê, nhìn người dân phải mạo hiểm băng qua những cây cầu treo mong manh, rung bần bật mỗi khi gió thổi, hay cảnh hàng chục người lớn, nhỏ chen chúc nhau bắt sóng internet trên đỉnh núi, lòng Nhịa lại đau nhói. Là một trong số ít thanh niên ở huyện được học đại học, Nhịa quyết chí giúp người dân quê nhà có cuộc sống khấm khá hơn.

Vì vậy, ngoài thời gian làm và học online, Nhịa vùi đầu vào học thêm tiếng Anh, tiếng Trung và tìm hiểu cặn kẽ về văn hoá các dân tộc tại Sông Mã như Thái và Mông. Sau giãn cách, Nhịa sẽ thi lấy chứng chỉ nghiệp vụ du lịch - lữ hành với dự định mở công ty du lịch riêng. Nhịa tin rằng, mang du lịch về quê nhà là con đường ngắn nhất để giúp người dân thoát nghèo.

Sinh viên mùa giãn cách: Không lùi bước trước gian khó ảnh 5
Với Nhịa, giãn cách xã hội là cơ hội để cậu tự học ngoại ngữ và tìm hiểu về văn hoá của các dân tộc tại Sơn La.

Nhận xét về sự chủ động và lạc quan của sinh viên mùa giãn cách, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV cho biết, đó là những tinh thần cần được lan toả không chỉ tới sinh viên, mà còn tới toàn thể xã hội trong thời điểm khó khăn này.

“Chỉ có tư duy tích cực và sự chủ động mới có thể giúp sinh viên nói riêng và cộng đồng nói chung vượt qua đại dịch. Tôi tin rằng, với những tố chất trên, sinh viên sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội hậu COVID-19.”

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).