Tờ Der Spiegel của Đức mới đây đưa tin, số quân nhân Đức tìm cách từ bỏ nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang của nước này đã tăng gấp đôi sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cụ thể, từ tháng 1 đến ngày 2/6, Văn phòng Liên bang về Gia đình và Xã hội Dân sự Đức đã nhận được hơn 530 đơn xin rời khỏi quân đội, con số này gấp đôi so với năm ngoái. Số lượng đơn xin rút khỏi lực lượng vũ trang Đức năm 2021 là 209 người.
Hầu hết các binh sĩ muốn rời khỏi quân đội Đức cho biết “không muốn tham gia vào một cuộc xung đột quân sự” là lý do cho quyết định của họ, ám chỉ đến các hành động đối đầu trực tiếp có thể xảy ra với các lực lượng Nga hoặc việc triển khai trong các khu vực xung đột của các nước thành viên NATO. Đức đóng góp gần 14.000 quân cho Lực lượng ứng phó NATO, một đơn vị chung của các quốc gia thành viên.
Luật của Đức có một điều khoản qui định “không ai có thể bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trái với lương tâm của mình”.
Tiết lộ của tờ Der Spiegel được đưa ra khi Đức đang tranh luận về việc quân đội nước này thiếu khả năng sẵn sàng chiến đấu, thiếu nhân lực và thiết bị trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. Gần đây, Quốc hội Đức đã vội vàng thông qua kế hoạch đầu tư 100 tỷ euro của chính phủ để hiện đại hóa quân đội.
Trong khi đó, tờ TAZ đưa tin rằng xung đột Ukraine cũng đã làm dấy lên một cuộc tranh luận mới ở Đức về việc liệu các nhà chức trách có nên khôi phục chế độ quân dịch bắt buộc hay không.
Trước đó, người đứng đầu mới của Bộ Chỉ huy Tác chiến của quân đội Đức Bernd Schutt, tuyên bố rằng nguy cơ leo thang quân sự với Nga ở sườn Đông Bắc của NATO là rất cao. Do đó, theo ông Schutt, sự hiện diện của lực lượng liên minh trên bộ trong khu vực là rất quan trọng.