“Người ta làm được, mình cũng làm được”
“Sổ đỏ quý lắm, nhưng ít người được giữ trong tay, gửi hết ngân hàng” - ông Ng.Thủy (thôn Trung, phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chép miệng thở dài. Không có trình độ cao, thậm chí thiếu kiến thức kỹ thuật nhưng có đến 60% người dân làng Đăm, Tây Tựu từng liều lĩnh thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng để đầu tư trồng hoa ly với mong mỏi thoát nghèo, làm giàu.
Nhà ông Thủy có hơn 5.000m2 đất trồng hoa ly, ấy là cộng cả đất ở làng Đăm và đất thuê xa tít mãi tận mấy xã huyện Đan Phượng vì “đất Tây Tựu bạc màu, không hợp với loại hoa “đỏng đảnh” này”.
Đất làng quê rộng rãi, nhà cửa ông bà để lại cho gia đình ông có tổng cộng ba sổ đỏ. Cách đây 4 năm, tôi liều mình thế chấp cả ba để đầu tư bài bản cho hoa ly. “Trước kia hoa ly là loại hoa sang, ít nhà trồng, nhưng rồi chỉ bán mỗi đợt Tết mà nhà nọ lãi cao, nhà kia thành tỷ phú, vợ chồng tôi đứng ngồi không yên. Nhìn mấy bãi hoa cúc trong vườn nở quanh năm nhưng không được bao, tôi nóng ruột lắm. Người ta làm được thì mình cũng làm được, sợ gì!” - ông Thủy kể.
Nhà nhà trồng hoa ly nuôi mộng làm giàu. (Ảnh minh họa) |
Muốn 5.000m2 hoa ly sinh trưởng đúng thời gian và ra hoa đẹp, vợ chồng ông “đổ” ngót nghét 1 tỷ đồng để thuê mảnh đất màu mỡ, thuê nhân công có trình độ kỹ thuật chăm sóc. Tiền công thuê 10 người trồng hoa đã lấy của ông 40-50 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể tiền đầu tư mua củ giống, làm nhà lưới tránh thiên tai, mưa bão…
Ai ngờ năm ấy, ông mua phải củ giống hoa ly “rởm” xuất xứ Trung Quốc, 5.000m2 hoa ly không trổ hoa kịp vụ giáp Tết, vườn nở “bung bét” trước Tết cả tháng giời, vườn thì bặt không một bông, xanh rì toàn lá. Vợ ông xót của hoảng hốt vì sợ mất sổ đỏ, ngã bệnh ốm sốt cả tháng ròng. Một mình ông không ăn, không ngủ, nghĩ cách “cứu hoa” để lấy lại sổ đỏ. Ông hì hụi bán hoa trước Tết với giá bèo bọt thảm hại: 12 nghìn đồng/cành hoa 5 tai, nhiều gia đình hàng xóm thậm chí còn rao bán 70 - 80 nghìn đồng/chục cành để mong gỡ gạc vốn đầu tư ban đầu.
“Mức giá ấy chẳng khác gì đem cho không, quá rẻ so với giá ngày thường 35-40 nghìn đồng/cành. Ở làng Tây Tựu, nhà ít thì 3-4 sào, nhà nhiều lên tới vài hecta, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, thậm chí tỷ đồng” – ông Hưng, một nông dân trồng hoa ly làng Đăm nhớ lại.
“Sau vụ ấy, người tôi gầy xọp, tóc trắng kín đầu. Cả tháng giời ăn ngủ tại vườn hoa, trở về thằng cháu đích tôn khóc lóc không nhận ra. Vợ tôi cũng suy sụp vì thấy hai vợ chồng nóng vội cầm sổ đỏ làm ăn. Năm ấy, cả nhà mất trắng hàng trăm triệu, tết buồn như đưa đám”.
Năm sau ông Thủy chạy đôn chạy đáo gửi tiền cho một mối lái khác lấy giống hoa “xịn”, hi vọng củ giống sẽ cho một mùa hoa nở đúng thời hạn. Nhưng trớ trêu, mua được củ giống xịn thì thời tiết phản người dân. Hai năm nay, năm nào trước Tết cũng nắng mưa thất thường, hoa ly nở sớm rụng đầy vườn… “Bao năm gán sổ đỏ ở ngân hàng, tôi nghĩ ngoài sổ đỏ, vợ chồng chẳng còn gì. Không liều kiếm tiền rút sổ đỏ về thì sẽ ra sao?”. Giờ ngoài hoa ly, hoa cúc, ông trồng “thập cẩm” cả hoa phăng, violet, đồng tiền… Còn sổ đỏ ông vẫn nhờ ngân hàng… giữ hộ với lãi suất 7%/năm.
Vay tiền, trả đất
Số ông Thủy vẫn là may vì sổ đỏ có hi vọng lấy lại. Còn như bà Lan, phía thôn Thượng, Tây Tựu, bà cũng thế chấp 2 sổ đỏ, lấy tiền thuê 2 mẫu đất ở Hạ Mỗ-Đan Phượng, thuê nhân công… nhưng bà không có cơ hội nhìn thấy sổ đỏ. Bốn năm trước, khi người dân trong làng ồ ạt thế chấp sổ đỏ, bà không thế chấp sổ cho ngân hàng mà “cống” cho những kẻ cho vay nặng lãi. “Vay nóng với số tiền lớn, lại không rườm rà thủ tục, ai chẳng ham…”.
Bà kể: “Chồng đau ốm sức yếu, hai con trai ít học làm phụ xây trong nội thành, nhà có mảnh đất con con trong ngõ, chẳng đầu tư làm lớn được. Tôi không còn cách nào khác phải thế chấp căn nhà cho vay nặng lãi lấy hơn 700 triệu, lãi suất 18%/tháng, trả theo ngày”.
Có tiền trong tay, ông bà thuê đất trồng hoa. Làm không xuể, bà thuê thêm 2 người trong làng hỗ trợ. Nhìn vườn hoa ngày một xanh tốt, bà đã từng nghĩ cuộc đời sắp “nở hoa”. “Vợ chồng tôi lúc nào cũng muốn mua thêm mảnh đất nho nhỏ, xây nhà cho thằng cu lớn, rồi sửa nhà cũ cho thằng cu bé. Chúng nó đều đến tuổi dựng vợ gả chồng, chui ra chui vào căn nhà nhỏ chật chội sao được” – bà Lan bảo.
Vài năm gần đây, hoa ly thường nở sớm trước Tết cả tháng khiến người dân mất ăn mất ngủ |
Nhưng cứ hết vụ này đến vụ khác hoa ly mất mùa, hoa nở sớm trước cả tháng Tết. Ông bà mang những đồng tiền cuối cùng trong nhà ra đầu tư làm kho lạnh để “hãm” hoa, chờ đến Tết nâng giá. “Năm ấy, có nhiều hộ dân mua phải củ giống “rởm” như tôi, thất thu, phía bán củ giống hỗ trợ mỗi gia đình 30% số tiền mua giống ban đầu nhưng chẳng thấm tháp gì… Giống hoa ly Trung Quốc giá rẻ, chỉ từ 7.000-10.000 đồng/củ. Nhiều gia đình mua toàn bộ củ giống Trung Quốc cho 5 sào đất bằng số tiền thế chấp sổ đỏ. May rủi án ngữ cả đầu vào lẫn đầu ra”.
Thời gian đầu, vẫn bán được hoa nở sớm, bà trả lãi đều đặn. Sau một thời gian, hoa mất mùa, tiền thuê đất thuê người làm đè nặng, bà không có khả năng trả nợ, chủ nợ dọa tịch thu nhà và đất. Ông bà đã có lúc phải trốn nợ, chạy về quê ngoại tận Nghệ An dù đó là thời điểm sắp Tết, mùa bán hoa sắp “gõ cửa”. Đứng trước nguy cơ mất nhà, nhiều người giục bà đi kiện, nhưng bà lau nước mắt bảo: “phân xử theo đúng luật tôi vẫn có khả năng thua vì bên cho vay nặng lãi ranh ma, nhiều chiêu thức lắm…”.
“Chúng đòi qua điện thoại, đòi tận nhà, thậm chí cả ngoài ngõ, đầu chợ…”. Căn nhà nhỏ tuềnh toàng của bà Lan chỉ treo vài bộ áo quần ố màu, sờn cũ, chủ yếu là nông cụ, giá trị nhất là con bò – nhưng gầy quá bán chẳng được bao nhiêu. Chắc có lẽ ông bà phải bán bò để cấn nợ, chứ sổ đỏ - tài sản quý giá nhất trong nhà – không còn hi vọng trở về.
Vũng lầy ít chữ
Nhiều nông dân ngoại thành thú thật, ai cũng ít nhất một lần “cắm” sổ đỏ cho ngân hàng vì ai cũng khát vốn.
Trong số hàng ngàn hộ dân “bạo gan” cầm sổ đỏ vay vốn để chuyển lúa sang màu, chuyển từ trồng trọt sang chăn nuôi, không ít người dư vốn chuộc được sổ, không ít người phá sản, mặc cho sổ đỏ nằm vô thời hạn ở ngân hàng... Cũng có gia đình chỉ dám vay ‘thẽ thọt” 30-40 triệu đồng mà làm mãi, trả mãi không hết. Vì đâu?
Khi hàng nghìn mét vuông đất trồng hoa ly thất thu vì củ giống “đểu”, bà Lan, ông Thủy và những ai “nếm quả đắng” chỉ biết khóc ròng. “Biết kêu ai khi mình ham rẻ. Kiến thức không có, đối với loài hoa mới như hoa ly, đâu phải ai cũng biết phải chọn củ giống ra sao, kỹ thuật trồng thế nào. Kêu ai khi trung tâm khuyến nông mở lớp dạy trồng hoa thì mình không quan tâm… Cứ ai bán củ giống rẻ thì mình mua. Thiếu hiểu biết thì đành chịu…” – ông Thủy xót xa.
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức - Viện Ngân hàng, tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) từng nói, một trong những điều đáng trách lẫn đáng thương của người nông dân là thiếu hiểu biết, ít học nhưng không chịu học hỏi, tìm hiểu. “Cho dù luật pháp có quy định chặt chẽ đến đâu thì cũng không thể chặn hết tín dụng nặng lãi nếu không có sự nhận thức đầy đủ của người dân. Đến khi nào người dân nhận thức được đúng “lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn”, không chạy theo những món lợi trước mắt, không chấp nhận giao dịch ngầm, giao dịch “quen biết” thì cho vay nặng lãi sẽ không có cơ hội.
Một điểm nữa, theo nhiều chuyên gia, nếu có bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), nông dân sẽ có “điểm tựa” an tâm sản xuất mà không sợ rủi ro. Thế nhưng, suốt từ năm 2011, khi Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 315/2011/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, đến nay, BHNN vẫn chưa đủ sức hút, nông dân không tha thiết, doanh nghiệp bảo hiểm cũng chẳng mặn mà. Thống kê của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến giữa năm 2016, cả nước có hơn 300.000 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN, quá ít so với tổng số hàng chục triệu hộ nông dân cả nước.
Một thực tế là thủ tục làm BHNN rườm rà, thực tế hơn là người dân ít chữ, không hiểu, không được tuyên truyền đầy đủ. Một đại diện Sở Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, với một quốc gia sản xuất nông nghiệp, việc tham gia BHNN có ý nghĩa rất lớn, nhằm giảm thiệt hại, rủi ro cho nông dân. Tham gia BHNN còn giúp nông dân hình thành thói quen, tư duy sản xuất khoa học theo quy trình, quy chuẩn quốc tế… Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tiếp cận BH, đồng thời giải quyết những bất cập về phí bảo hiểm, thủ tục xác minh... để giúp nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, tránh kiểu bấp bênh, bất ổn như hiện nay”.