Những cô gái thích làm việc… khác người

(Ngày Nay) - HIV/AIDs, ma túy, chất gây nghiện… những thứ “nguy hiểm” ấy người ta thường tránh xa chứ chẳng ai muốn lại gần. Vậy mà, những cô gái tuổi đời còn rất trẻ lại muốn sán đến gần, “gõ cửa” làm quen, thậm chí kết thân với những đối tượng “đặc biệt” ấy. 
Từ trái qua phải: Thu Trang, Thanh Hiếu và Phương Thảo
Từ trái qua phải: Thu Trang, Thanh Hiếu và Phương Thảo

Đó là những cô gái làm công tác xã hội, chuyên tìm kiếm những gia đình yếu thế, những gia đình có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI).

Chất gây nghiện mang tên: Thử thách

Theo học ngành Công tác xã hội của Học viện Phụ nữ, Nguyễn Thu Trang (sinh năm 1996, người Hà Nội) may mắn được tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên của SCDI cách đây hơn 1 năm. Công việc chính của Trang là gặp gỡ, hỗ trợ những đứa trẻ trong các gia đình có người yếu thế. Đó có thể là những đứa trẻ vắng tình yêu thương của cha mẹ khi có cha nghiện nặng, mẹ nhiễm HIV; có đứa trẻ bị ảnh hưởng chất bạo lực từ người cha nghiện rượu suốt ngày chửi bới, mắng nhiếc… Thế giới của những đứa trẻ ấy, suy cho cùng đều rất giống nhau, đều nhuốm một màu đen bi kịch. Những tình nguyện viên trẻ tuổi như Trang, muốn bước vào thế giới ấy khó như lên giời!

Những cô gái thích làm việc… khác người ảnh 1Nguyễn Thu Trang 

Là sinh viên năm cuối, Thu Trang luôn tranh thủ những giờ không lên giảng đường để lân la đến những gia đình đó, trò chuyện càng nhiều càng tốt để hiểu hơn về gia cảnh, tính cách lũ trẻ. “Em luôn nghĩ giúp được gì cho xã hội thì làm, mình chẳng có gì ngoài kiến thức, lòng cảm thông và muốn chia sẻ. Ai cũng nói em có nền tảng học công tác xã hội thì được trang bị nhiều kiến thức, nhưng thực tế khác xa với sách vở, nhiều khi sách vở trở nên vô nghĩa, điều cần nhất là phải dấn thân, học hỏi, thậm chí chấp nhận sai lầm để sửa chữa” - Trang nói.

Công việc chính của Trang và các tình nguyện viên không phải là dạy học cho lũ trẻ. Mục tiêu lớn hơn là thông qua hoạt động dạy học để làm bạn với chúng, để chúng tin Trang, giãi bày, chia sẻ với Trang. Những tình nguyện viên như Trang phải phát hiện kịp thời những suy nghĩ tiêu cực trong lũ trẻ, hỗ trợ kịp thời để trẻ không đối mặt với nhiều nguy cơ như nghiện ngập, bi quan, hành động tiêu cực… mục tiêu nữa là kéo bố mẹ lại gần con cái, “vá víu” sao cho mái ấm ấy không “trống hoác” vì thiếu thốn tình cảm.

“Liên hệ với những gia đình có người yếu thế, dù mình nói ngọt thế nào về những chương trình hỗ trợ cho trẻ em, cho gia đình họ, cũng chỉ có non nửa gia đình gật đầu. Có những ngày liên tiếp gọi khàn cổ không có kết quả, họ cứ làm ngơ, họ cũng chẳng quan tâm đến con cái, em đã từng muốn bỏ. Nhưng rồi, càng khó em lại càng muốn vượt qua khó khăn. Thấy họ chưa hiểu được ý nghĩa những chương trình mình hỗ trợ, em càng muốn chứng minh là họ sai…” - Trang chia sẻ.

Khác với Thu Trang, Vũ Phương Thảo - quê Ninh Bình, sinh năm 1994, chẳng học qua trường lớp gì về công tác xã hội. Thảo tốt nghiệp Đại học Thương mại đã 1 năm nay. Ra trường, Trang làm tự do với công việc gia sư tiếng Anh. Thời gian còn lại, Trang làm tình nguyện viên cho SCDI. Tất cả vốn liếng mang ra thực hành của Thảo là kinh nghiệm và sự kiên nhẫn.

Những cô gái thích làm việc… khác người ảnh 2Vũ Phương Thảo

Phương Thảo đang giúp đỡ dạy học và làm thân với một học sinh nghèo tên H.A, đang tuổi dậy thì, nhà ở Bắc Từ Liêm. H.A thiếu mẹ, bố nghiện ngập và sử dụng ma túy triền miên, ông bà em bán hàng, tối ngày vắng nhà. Tất cả những gì H.A có là đống bài vở cần giải quyết mỗi tối và một khoảng trống mênh mông trong tâm hồn cô bé tuổi dậy thì bị gia đình… bỏ quên.

“Ngày đầu em đến, H.A không hợp tác. Em mang trong mình sự tự ti, mặc cảm và giấu giếm cả một trời suy nghĩ, ẩn ức trong lòng. Dù cố gắng thế nào, H.A cũng lầm lì, ít nói. Rất nhiều lần, dễ chừng cả chục lần, em đến nhà H.A và đi về không, đến - ngồi chờ một mình - lặng lẽ dắt xe về. Ông bà Hồng Anh cũng chịu thua, không biết tìm cháu ở đâu. Nhiều hôm chưa kịp ăn uống gì, đến lịch phải hỗ trợ, em bỏ ăn chạy đến nhà H.A cho kịp 8 giờ tối. Nhưng rồi bị bỏ rơi, đói và buồn, cảm giác hụt hẫng. 1-2 lần thì không sao, nhưng cả chục lần đi đi về về trong vô vọng, có lúc em đã nản” - Thảo nhớ lại. Nhiều lúc nằm nghĩ mình bỏ sức, tốn công nhiều mà không được đáp lại, thì cố gắng làm gì?

Nhưng có lẽ, những tình nguyện viên như Thảo và Trang, thử thách là chất gây nghiện khủng khiếp, càng gặp ca khó, Thảo càng ham. Thảo muốn tiếp cận bằng được nhân vật của mình để giúp đỡ, tìm hiểu và trao cho em ấy những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết. “Những đứa trẻ ấy, sống trong môi trường gia đình khuyết, bao giờ cũng tự ti và thu mình một góc. Nếu tình nguyện viên cũng bỏ mặc thì các em ấy sẽ thấy cả thế giới quay lưng lại với mình, cuộc sống lúc ấy sẽ ra sao?...”. Công tác xã hội không dành cho kẻ thiếu kiên nhẫn.

May mắn đôi khi ở phút chót, khi Thảo bắt đầu nản thì H.A bắt đầu hợp tác, biết lắng nghe, biết về đúng giờ để ngồi học cùng Thảo, biết chia sẻ những suy nghĩ thật thà của mình… Cứ thế, Thảo và H.A đồng hành bên nhau đã 1 năm nay…  

Làm việc tốt trong “bóng tối”

Điều khó khăn nhất trong công tác xã hội, tiếp cận những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt không chỉ là bị nhân vật từ chối, bất hợp tác, mà còn nhiều pha ly kì hơn hẳn. Với Vũ Thanh Hiếu (sinh năm 1995, người Hà Nội, tốt nghiệp khoa Công tác xã hội của trường Đại học Lao động xã hội), đó là làm việc tốt nhưng phải giấu người yêu, thậm chí người nhà vì quá nhiều nguy hiểm rình rập.

Hiếu đã chia tay người yêu 2 năm trước vì không có thời gian dành cho anh ấy, nhưng lý do “to đùng” hơn là Hiếu hay tiếp xúc với những đối tượng “nguy hiểm” mà theo người yêu: Hiếu không nên lại gần. “Trước đây, em có cơ hội đi làm từ thiện rất nhiều vì tham gia đội tình nguyện trong trường đại học. Hồi còn là sinh viên, em xung phong đi hỗ trợ các bác sĩ giao tiếp và chăm sóc người bệnh tại Viện huyết học Trung ương. Suốt ngày loay hoay trong khoa Thalassemia và Hemophilia, hầu hết đều là những nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo, người yêu em từng khuyên từ bỏ...” – Hiếu kể. Thậm chí, có lần, để không làm phật lòng người yêu, Thảo nói đi học cả ngày, nhưng con đường đi học lại dẫn thẳng đến cổng bệnh viện. Công việc từ thiện mà phải giấu giếm như mắc tội.

Những cô gái thích làm việc… khác người ảnh 3Vũ Thanh Hiếu

Với Thu Trang cũng vậy. Đi đâu, đến nhà ai, nhà đó hoàn cảnh như thế nào, Trang giấu tiệt, chỉ nói là Trang đi làm tình nguyện viên. “Bố mẹ mà biết em đến gia đình có người nhiễm H hay có ông bố bị ảo giác vì dùng ma túy chắc cấm cửa, mà em thì luôn muốn làm công tác xã hội” – Trang cười. Câu cửa miệng của Trang là “Con ra ngoài có chút việc!”. Mọi hành tung đi làm, hỗ trợ gia đình yếu thế đều “bí ẩn”, giữ kín.

Không chỉ giữ kín với mẹ, Trang còn phải vô cùng khéo léo giữ bí mật cho gia đình những người yếu thế: “Người nhiễm H mặc cảm, sợ giao tiếp xã hội, thường giữ bí mật với tất cả mọi người. Tình nguyện viên lại thường qua nhà nhiều lần đến mức hàng xóm nghi ngờ. Có người hỏi vì sao cháu đến nhiều thế? Sao gia đình này được hỗ trợ mà gia đình kia không? Ngay cả lũ trẻ - con của những người nhiễm H cũng không hay biết bố mẹ chúng nhiễm bệnh. Chúng luôn hỏi tình nguyện viên, vì sao chị lại hỗ trợ nhà em, vì sao lại đến nhà em?...” – Muôn vàn câu hỏi, muôn vàn tình huống xảy ra trong con đường “tác nghiệp” của những tình nguyện viên như Trang đòi hỏi Trang phải thật khéo léo trong ứng xử.

Vũ Phương Thảo thừa nhận: “Khó khăn và niềm vui đều tăng dần theo thời gian. Khó khăn ban đầu qua đi thì khó khăn khác lại kéo đến, chẳng bao giờ dễ dàng. Môi trường làm việc của chúng em cũng không hoàn toàn an toàn, nguy cơ không phải không có, lúc nào cũng phải giữ an toàn cho mình. Nhà có ông bố nghiện rượu bị ảo giác có thể “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” bất cứ lúc nào, ngay cả đứa trẻ trong gia đình nghiện rượu cũng mang trong mình chút bất cần, làm loạn. Nó kể rất hồn nhiên: Bố đánh em, có khi em là người cầm dao đáp trả…”.

Với những tình nguyện viên như Thảo, Trang và Hiếu, làm công tác xã hội không đơn giản. Nhưng sẽ là những niềm vui vô giá, những giọt nước mắt hạnh phúc khi đứa trẻ được mình hỗ trợ biết tốt – xấu, biết chia sẻ, bớt mặc cảm… là đủ cảm nhận hạnh phúc và thành quả lao động của mình được đền đáp.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.