Số lượng trẻ em Nhật Bản giảm liên tiếp trong 37 năm

(Ngày Nay) - Số lượng trẻ em được sinh ra ở đất nước Mặt trời mọc đã giảm liên tiếp trong 37 năm vừa qua, một tín hiệu đáng ngại cho thấy các nỗ lực chống lại tình trạng già hóa dân số của chính phủ nước này đang thất bại.
Nhật Bản đối mặt với tình trạng già hóa dân số hết sức nghiêm trọng. (Getty)
Nhật Bản đối mặt với tình trạng già hóa dân số hết sức nghiêm trọng. (Getty)

Tính đến ngày 1/4/2018, có 15,53 triệu trẻ em dưới 14 tuổi ở Nhật Bản, tức giảm 170.000 so với năm trước. Đây là mức giảm liên tiếp trong nhiều năm liền, tính từ năm 1981 đến nay, theo dữ liệu được Bộ Các vấn đề trong nước và Truyền thông Nhật Bản công bố mới đây.

Bộ phận trẻ em lớn nhất ở Nhật Bản cũng là bộ phận ở lứa tuổi lớn, 3,26 triệu trẻ em ở độ tuổi 12-14. Điều này cho thấy xu hướng giảm số lượng trẻ em ở nước này chưa thể chấm dứt trong một sớm một chiều.

Dù cho chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã ra sức khuyến khích người dân trong nước sinh thêm con, nhưng chỉ có duy nhất thành phố thủ đô Tokyo là chứng kiến số lượng trẻ em tăng so với năm ngoái.

Tổng dân số nước Nhật hiện đang ở mức 126 triệu người. Trẻ em chỉ chiếm khoảng 12,3% trong số đó - trong khi ở Mỹ là 18,9%, ở Trung Quốc là 16,8% và ở Ấn Độ là 30,8%.

Theo hãng tin Japan Times, chính phủ Nhật từ lâu đã nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh nở - tức số lượng trẻ em trung bình mà mỗi người phụ nữ ở nước này sinh hạ trong suốt cuộc đời - từ 1,45 trong năm 2015 lên 1,8 vào thời điểm cuối năm 2025, thông qua nhiều phương thức khuyến khích như tiền mặt và nhiều hình thức khác.

Nhật Bản vốn đã hứng chịu tình trạng tỷ lệ sinh đẻ thấp trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng không giống như ở nhiều quốc gia công nghiệp khác thường có xu hướng người dân sinh ít con gây ra tình trạng này, Nhật Bản không thể làm tăng tỷ lệ sinh nở bằng cách tiếp nhận người nhập cư.

Nhật Bản là nước đứng đầu thế giới về số lượng phụ nữ phải điều trị hiếm muộn, và cũng là nước có tỉ lệ thụ thai thành công thấp nhất ở các trường hợp điều trị này. Lý do được hiểu khá đơn giản là phụ nữ Nhật Bản quyết định có con ở độ tuổi quá cao, hoặc kết hôn quá muộn.

Thậm chí vào năm 2016, một thống kê cho thấy hơn 50% số người dưới 34 tuổi ở Nhật vẫn chưa hề quan hệ tình dục lần nào.

Nhưng khi các nỗ lực cứu vãn dành cho phụ nữ Nhật hiếm muộn được đưa ra lại vấp phải rào cản về truyền thống và pháp lý. Các luồng ý kiến chống đối chỉ trích cách thụ tinh giữa tinh trùng của người cha với trứng của một người hiến tặng xa lạ, cho rằng điều này dẫn tới vấn đề đạo đức và mối quan hệ của đứa trẻ với cha mẹ và người hiến tặng. Trong khi đó, luật pháp Nhật Bản còn khiếm khuyết trong trường hợp này.

Một phán quyết của Tòa án tối cao Nhật năm 2007 tuyên bố rằng một người phụ nữ hạ sinh đứa trẻ sẽ là người mẹ hợp pháp của đứa trẻ ấy. Nhưng Luật dân sự không nói rõ tình trạng pháp lý của người mẹ nếu đứa trẻ ấy sinh ra bằng trứng của người hiến tặng.

Đến năm 2060, dân số Nhật Bản dự kiến sẽ giảm xuống còn 86,74 triệu người từ con số 126,26 triệu người ở thời điểm hiện tại, theo con số ước tính mà Bộ Y tế nước này công bố mới đây.

Khi có ít lực lượng lao động hơn để đóng thuế, số tiền mà cộng đồng dành cho nhóm người về hưu hay để chi cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của Nhật Bản.

Theo dữ liệu mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, trong năm 2013, người nước ngoài chỉ chiếm khoảng 1,3% dân số Nhật Bản, con số quá khiêm tốn nếu so với 7% ở nước Mỹ, hay 16,1% ở Estonia.

Tình trạng thiếu nguồn nhân lực cũng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Nhật, chủ yếu do bất bình đẳng giới, OECD cảnh báo mới đây. Trong khi tỷ lệ bé trai/bé gái ở nước này tương đồng với phần lớn các quốc gia công nghiệp phát triển, thì chênh lệch tiền lương giữa hai giới ở nước này lên tới 25% - đứng thứ ba trong tất cả các nước thành viên của OECD. Phụ nữ ở Nhật thường không được khuyến khích gia nhập lực lượng lao động xuất phát từ nhiều nguyên nhân gồm: Bị phân biệt đối xử, phải chăm lo cho con cái, hoặc bị quấy rối tình dục.

"Trong khi dân số già của Nhật được dự đoán sẽ sớm bằng 3/4 số người đang ở độ tuổi lao động ở nước này vào năm 2050, nước này đã nỗ lực hết sức để tránh tình trạng thiếu nhân lực" - báo cáo của OECD nêu rõ - "Cần có biện pháp tạo môi trường làm việc tốt hơn cho giới trẻ, thu hút thêm nhân lực nước ngoài và thu hẹp bất bình đẳng giới để khuyến khích phụ nữ lao động".

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?