Mới đây, chính quyền thành phố Seoul đã áp dụng thêm nhiều biện pháp mới như tắt hết đèn trong các tòa nhà công sở, tự động tắt hết mạng máy tính trong công ty vào một giờ nhất định... để ngăn không cho nhân viên làm việc quá giờ nữa.
Theo biện pháp mới được áp dụng, bắt đầu từ tuần này, chính quyền Seoul sẽ tắt hết mọi nguồn điện năng ở chốn công sở vào lúc 20h00 mỗi ngày thứ Sáu hàng tuần để ngăn không cho nhân viên làm việc quá giờ vào ban đêm. Và bắt đầu từ tháng Năm tới, giờ tắt điện sẽ là 19h00.
Ngoài Nhật Bản thì người dân Hàn Quốc cũng có văn hóa làm việc tăng ca như một cách để thể hiện sự mẫn cán trong công việc. Nhân viên ở nước này thường đến sớm hơn giờ quy định vào buổi sáng và làm việc đến tận tối muộn. Chính vì truyền thống này mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ làm việc quá giờ.
Các ông chủ công ty ở Hàn Quốc thường ít khi cho nhân viên dưới quyền có thời gian nghỉ ngơi nhiều, ngay cả khi họ được phép nghỉ ngơi, Tiến sỹ Ijin Hong, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội, tại ĐH Yonsei, Seoul, nhận định.
Các nhân viên làm việc cho chính phủ càng đặc biệt tỏ ra chăm chỉ với công việc của mình. Ở Hàn Quốc, lực lượng nhân viên này thường có thời lượng làm việc trung bình mỗi năm nhiều hơn 1.000 giờ so với nhân viên ở các quốc gia phát triển, theo một nghiên cứu mà chính phủ Hàn Quốc công bố hồi tháng Một năm nay.
Trong thập kỷ 1980 khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, nền văn hóa làm việc "quá mức" đã hình thành tại Hàn Quốc, dẫn tới tỷ lệ sinh sụt giảm trầm trọng. Thời gian làm việc trung bình của người Hàn Quốc lên tới 68 giờ mỗi tuần. Bộ trưởng Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc gọi thời gian làm việc quá dài này là "vô nhân đạo", gây ra tình trạng già hóa dân số nhanh chóng tại quốc gia này.
Bởi vậy, bằng cách đưa ra biện pháp cắt điện vào mỗi tối thứ Sáu, chính quyền Seoul hy vọng rằng sẽ đưa ra một hình mẫu cho các công ty trong nước để họ thúc đẩy các biện pháp riêng nhằm cân bằng giữa công việc-cuộc sống của lực lượng lao động, ông Hojin Choi, người phát ngôn của chính quyền Seoul, cho hay.
Tuy nhiên, việc kêu gọi lực lượng nhân công vốn đã quen với việc làm tăng ca giảm bớt giờ làm là điều hết sức khó khăn. Chính quyền Seoul trước đây từng kêu gọi tắt đèn ở công sở vào lúc 18h00 mỗi thứ Sáu hàng tuần, nhưng hàng loạt công ty đã yêu cầu họ gỡ bỏ quy định này.
Việc tắt mạng lưới máy tính cơ quan, biện pháp mới nhất của chính quyền Seoul, hiện nay được cho là chưa từng có tiền lệ và thể hiện rõ quyết tâm của họ. Chính quyền thành phố này tuyên bố sẽ không chấp nhận việc các công ty từ chối áp dụng biện pháp này nữa.
Tiến sỹ Hong là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch này, nói rằng bà nhận thấy rõ hiệu quả mà nó sẽ mang lại. "Bước đi này thực sự là chưa từng có tiền lệ", bà Hong nói.
Thời gian gần đây, vấn đề làm việc quá giờ đã trở thành một vấn đề xã hội nóng bỏng ở Hàn Quốc. Năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in từng cam kết sẽ cắt giảm giờ làm việc, thậm chí đề ra thêm ngày nghỉ lễ cho lực lượng lao động trong nước.
Trước đó, trong tháng Hai vừa qua, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một đạo luật cắt giảm giờ làm việc tối đa hàng tuần từ 68 giờ xuống còn 52 giờ, áp dụng từ tháng Bảy tới đối với các doanh nghiệp lớn, và sau sẽ áp dụng đối với các công ty nhỏ hơn.
Theo luật mới được thông qua, thời gian làm việc hàng tuần tại Hàn Quốc kéo dài 40 giờ làm việc chính thức và tối đa 12 giờ tăng ca. Lao động dưới 18 tuổi chỉ được làm việc tối đa 35 giờ/tuần. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, các doanh nghiệp sẽ phải chi thêm 11 tỷ USD để duy trì mức sản lượng như trước đây.
Không giống như trong quá khứ, ngày nay người dân Hàn Quốc càng cảm nhận rõ rệt hơn các vấn đề nghiêm trọng mà làm việc quá giờ cho phép gây ra, bà Hong nhận định.
Tuy nhiên, việc cắt điện nơi công sở vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần có thể chỉ là động thái chỉ mang tính biểu tượng trừ khi các công ty ở Hàn Quốc thực sự mong muốn điều tốt nhất cho nhân viên của họ, và cắt giảm giờ làm việc. Tại thủ đô Seoul, phần lớn người dân đều tỏ ý ủng hộ chiến dịch của chính quyền, nhưng nhiều người lo ngại rằng họ sẽ không hoàn thành công việc kịp thời gian.