Những cụ già thèm… nói chuyện

(Ngày Nay) - Bà Phạm Thị Cáy (xã Hồng Hà, Đan Phượng, HN) còn 4 năm nữa là tròn 100 tuổi. Cách đây 2 năm, bà bất ngờ bị tai biến ngồi một chỗ, cuộc sống hàng ngày trôi qua ngoài khung cửa sổ. Hễ có người trò chuyện là bà mừng lắm, bà thích nghe cháu trai, cháu gái kể chuyện “ngoài kia” và cũng thích kể cho các cháu nghe chuyện… “trong này”, lúc nào bà cũng thèm có khách đến chơi nhà.
Cảnh sinh hoạt bình yên trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng
Cảnh sinh hoạt bình yên trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Hai thế giới, một nỗi lòng

Bà Cáy là một nông dân nghèo ở ngoại thành Hà Nội, cả đời gắn với đồng ruộng, cây lúa, củ khoai. Giống như bao cụ già khác trong làng Bá xã Hồng Hà, khi tuổi già ập đến, các cụ đều ở nhà cùng con cháu, người khỏe thì thong thả đi ra ngoài gặp người này người kia, người yếu như bà đành ngồi một góc. Nhà bà neo người, đứa đi làm công ty, đứa kinh doanh buôn bán, hàng ngày bà chỉ biết làm bạn với tivi và khung cửa sổ nhỏ nhìn thẳng ra đường làng ngõ xóm. Thỉnh thoảng, bà Căn, bà Thái… là hàng xóm bên cạnh đến chơi, bà lại tươi tỉnh ra mặt.

Những cụ già thèm… nói chuyện ảnh 1Bà Cáy lúc nào cũng thèm có người đến trò chuyện...

Khác với bà Cáy, con cái bà In (thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, HN) đều có của ăn của để, có đứa sở hữu tiệm ảnh lớn nhất nhì trong vùng. Ai cũng bận rộn, ai cũng muốn mẹ già được chăm sóc cẩn thận nên họ gửi bà vào Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Khu đô thị Đô Nghĩa, Hà Đông, HN) đã vài tháng nay, một trung tâm dưỡng lão yên tĩnh nằm sâu trong khu đô thị Đô Nghĩa.

Nhịp sống thay đổi, lúc nào bà In cũng có bạn bè quây quần. Phòng bà ở nằm trên tầng 3 của trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Căn phòng sinh hoạt chung có đến 6 -7 cụ tầm tuổi bà, mỗi người một tính, mỗi người một thói quen, nhưng đều cởi mở, hòa đồng. Vào trung tâm dưỡng lão Diên Hồng được vài tháng nên bệnh thèm… người của bà In đã… khuây khỏa, nhưng lúc nào bà cũng thích nói chuyện. Hỏi bà thích cái gì nhất trong phòng ngủ, bà chỉ thẳng cái tivi: “Hễ bật lên là có người nói, vui lắm”.

Những lúc rảnh rỗi không xem tivi, bà In thích cùng các cụ bà trong phòng chơi tam cúc – đây là trò phổ biến và được ưa chuộng trong trung tâm dưỡng lão này. Bà với tay tôi mấy lần chỉ để nhắn nhủ: “Đưa ông bà cháu vào đây, vui lắm. Nói chuyện với bạn bè cùng thế hệ ở đây cũng bớt buồn”.

Có đến 30% người cao tuổi cho biết khi buồn không biết chia sẻ với ai, 11% bị người thân nói nặng lời, và 4% bị từ chối nói chuyện... 

Mỗi cụ đến đây có một hoàn cảnh khác nhau, nhẹ thì đãng trí nhưng vẫn đi lại được, nặng hơn là bị liệt nửa người, liệt giường, đa phần là do biến chứng của tai biến, huyết áp lên xuống... Bà Thịnh – bà cụ nằm giường đối diện bà In là trường hợp đặc biệt, không ở thường xuyên mà sáng đến tối về. Nhà bà ở gần trung tâm dưỡng lão, con cháu đưa đón bà đến ban ngày, còn tối bà lại về nhà sum họp bên gia đình. Dù chỉ đến ban ngày  nhưng ngày nào bà cũng nhất định phải đến, bất kể nắng hay mưa, để được chơi tam cúc, nói chuyện với các bà cùng phòng, hay đơn giản chỉ ngồi xem tivi.

Theo nhân viên điều dưỡng của trung tâm, mỗi buổi sớm, mọi người thức dậy rôm rả, người chải tóc, người uống sữa, người đi vệ sinh cá nhân… Giờ uống sữa, uống thuốc của từng người đều được điều dưỡng nhắc nhở bằng những tờ giấy note dán ở trên cánh tủ rất dễ nhìn, để ai đến phiên trực cũng có thể thực hiện: “bà Hòa ngày uống sữa 2 lần, 14h và 20h, pha 130ml nước + 4 thìa sữa”, “yến chưng ăn sáng vào thứ 2 + thứ 6”…

Các cụ được theo dõi tình trạng sức khỏe, tinh thần đều đặn đến gia đình. Dù tình trạng nặng nhẹ, dù chỉ là vết trầy xước hay những cơn đau đầu, sốt nhẹ, thậm trí màu nước tiểu hơi bất thường… của các cụ cũng được nhân viên chăm sóc để ý ghi nhận và thông báo đến gia đình.

Những cụ già thèm… nói chuyện ảnh 2Vào viện dưỡng lão, người cao tuổi được bầu bạn, được chăm sóc tận tình...

Những cụ già bị tai biến không thể tự chăm sóc bản thân đều được điều dưỡng trung tâm tận tình hỗ trợ. Khắp mấy tầng nhà, hàng chục phòng ngủ, chừng 70 cụ già sinh sống bên nhau tuổi xế chiều, họ ồn ào hỏi chuyện nhau, có cụ đãng tai, hét to như sợ người bạn già bên cạnh không nghe rõ. Một vài cụ già rời phòng riêng, chậm rãi bước ra phòng sinh hoạt chung. Hễ thấy ai lạ đi ngang qua các cụ cũng đưa mắt nhìn rồi bắt chuyện. Cứ ngồi xuống với các cụ là những câu chuyện không đầu, không cuối cứ nối dài cho đến khi tiếng chuông báo giờ cơm đến...

Những bà Cáy, bà In, bà Thịnh… tuy ở hai hoàn cảnh khác nhau, nhịp sinh hoạt khác nhau, nhưng cùng chung một điểm là đều cô đơn, khao khát được giao tiếp và nói chuyện. Càng tuổi cao, họ càng thèm… nhiều chuyện.

Không neo đơn vẫn cô đơn

Nói đến viện dưỡng lão người ta thường nghĩ đó là “lãnh địa” của những người già với những câu chuyện cũ kỹ muôn thủa. Nhưng giờ đã khác…

Viện dưỡng lão thời nay đã không đơn thuần là “ốc đảo” dành cho những người già neo đơn không nơi nương tựa, không còn người thân thích. Nó đã trở thành mô hình cần thiết của thời đại, của cuộc sống thành thị khi mà nhịp sống giữa các thế hệ hiện đại đang ngày càng xa rời, khác biệt nhau. Người có con cháu đề huề, kinh tế dư dả lại càng có điều kiện vào dưỡng lão. Thậm chí có người được cháu trai đưa đi đón về mỗi ngày bằng ô tô vì “bà thèm nói chuyện chứ không thích ở trong 4 bức tường”.

Vào đó, tất cả gần 70 cụ già cùng nhau ngồi dưới ánh nắng và hàn huyên chuyện trò, dưới vòm cây xanh mát… Ở trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, chi phí chăm sóc một cụ một tháng trung bình từ 6 triệu đồng trở lên, tùy mức độ minh mẫn và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Đây là mức đóng không nhỏ, thậm chí là quá sức với nhiều hộ dân ngoại thành. Vì thế, ở ngoại thành, đa phần các cụ già đã sang cái dốc bên kia cuộc đời đều tự thân tự lực.

Bà Cáy hiện vẫn ở cùng con cháu, thỉnh thoảng vẫn thấy cô đơn vô cùng, nhưng bà không vào viện dưỡng lão, vì nhớ con cháu, và cũng vì tiếc tiền của con cháu, “tự dưng đem cho cái viện dưỡng lão một khoản to thế xót lắm”.

Việt Nam đang nằm trong quá trình già hóa dân số và nằm trong top 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tính đến năm 2016, cả nước có trên 10 triệu người cao tuổi, trong đó có gần 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên.

Theo Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam gần đây, xu hướng con cái sống riêng sau khi lập gia đình ngày càng gia tăng. Từ 80% người cao tuổi sống với con cái (năm 1993) giảm xuống còn 57,2% (năm 2010). Không ít người cao tuổi sống cùng với con cháu những vẫn rơi vào cảnh cô đơn một mình. Có đến 30% người cao tuổi cho biết khi buồn không biết chia sẻ với ai, 11% bị người thân nói nặng lời, và 4% bị từ chối nói chuyện... Cô đơn là một trong những nguyên nhân khiến người già bị suy giảm hệ miễn dịch nhanh chóng.

Việc chăm sóc đời sống người cao tuổi như bà Cáy, bà In, bà Thịnh… hơn bao giờ hết là việc cần được quan tâm nhiều hơn để ứng phó với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở nước ta.

Sưởi ấm tình thân

Tuổi già, cái tuổi mà ai cũng đến lúc phải tới. Quy luật sinh lão bệnh tử chẳng ai có thể tránh khỏi. Người cao tuổi được ví như những ngọn nến sắp tàn, chuối chín cây, cần lắm sự dịu dàng yêu thương của gia đình để chống chọi với tất cả đau nhức, mệt mỏi, lo nghĩ… của tuổi già.

Gia đình nào có đủ điều kiện đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là điều tốt. Nó giúp các cụ được chăm sóc tận tình, chu đáo hơn, nhất là các cụ mang bệnh trong người, lúc nào cũng cần có điều dưỡng bên cạnh. Tư tưởng đưa người già vào viện dưỡng lão hưởng thụ tuổi già đã ngày càng được nhìn nhận thông thoáng hơn. Nhưng không vào viện dưỡng lão cũng chẳng sao, vì tình thân có thể xoa dịu tất cả.

Đảm bảo sức khỏe, đảm bảo một cuộc sống an toàn, thanh thản, vui vẻ cho người cao tuổi luôn là trách nhiệm của con cái, dù các cụ ở nhà hay gửi đến viện dưỡng lão. Dù có gửi các cụ vào viện dưỡng lão “5 sao”, “4 sao”, cơ sở hạ tầng hiện đại nhất nhì Hà Nội thì cũng không nên “khoán gọn” cho các điều dưỡng. Chẳng có gì thay thế được tình thân – một thứ tình cảm thiêng liêng có thể khiến tinh thần người cao tuổi vực dậy khi đau ốm.

Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.
Ảnh minh hoạ.
Tạo dấu ấn từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Ngày Nay) -  Là khu vực gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, vùng trung du và miền núi phía Bắc có liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc.
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
(Ngày Nay) - Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dự kiến sẽ tăng cường các giải pháp để chống thi thay, thi hộ như bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
(Ngày Nay) - Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sự "đảo chiều" trong quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ
(Ngày Nay) - Quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ đang trải qua một sự đảo chiều mạnh mẽ, chuyển từ hợp tác quân sự sang tập trung vào thương mại dầu mỏ và hàng hóa. Với kim ngạch thương mại tăng đột biến lên 65 tỷ USD vào năm 2023, Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga.