Nhà nghiêng, lún sụt rình rập đổ sập bất cứ lúc nào khiến chúng tôi lúc nào cũng lo âu, thấp thỏm cho tính mạng của chính, cư dân của nhà nghiêng giữa Thủ đô chia sẻ.
Không nằm trong danh sách 42 chung cư cũ tại Hà Nội đang trong mức “báo động” nhưng ai nấy trong khu tập thể B6 (Thành Công, Hà Nội) vẫn ngày ngày sống trong tình trạng lo âu, thấp thỏm bởi sự nghiêng lún, dột nát ở nơi họ đang sống.
“Ôi, may quá”, đó là câu nói đầu tiên bà Nguyễn Thị Hòa (Tổ trưởng tổ dân phố 19, Thành Công) dành cho chúng tôi khi chúng tôi giới thiệu là phóng viên tới ghi nhận đời sống người dân ở những khu tập thể đã xuống cấp.
Dùng tay không, bà Hòa vẫn có thể nhặt được những mảng vữa rơi ra từ hàng lang
Nói rồi, bà Hòa kể lại, khu tập thể này được xây dựng từ khoảng năm 1974 và sự xuống cấp nhìn thấy rõ từ khoảng năm 2010.
Ông Chung chồng tôi là người theo dõi chặt chẽ nhất sự lún của khu vực này bởi ông kê hòn gạch ngay dưới chân giường. Mỗi năm bị lún khoảng 2mm.
Khi tôi thay nước cho cá, nước cứ thế trôi vào bên trong hay đặt quả bóng ở dưới nền nhà, quả bóng tự lăn vào bên trong. Đó là những dấu hiệu dễ nhận biết nhất độ nghiêng của tòa nhà”, bà Hòa nói.
Khu tập thể B6 Thành Công đã có dấu hiệu xuống cấp
Nói rồi, bà Hòa dẫn chúng tôi tới những hộ gia đình mà căn hộ của họ vẫn còn “nguyên bản” từ mấy chục năm nay. Những vết hoen ố trên tường, những vết nứt hằn rõ dấu thời gian.
Ông T. (80 tuổi) cũng chỉ biết thở dài trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của khu tập thể B6 từ nhiều năm nay.
“Nhiều khi chúng tôi phải đội nón đi vệ sinh vì nhà dột hết rồi còn đâu. 80 tuổi rồi tôi chắc mình cũng chẳng được sống trong nhà mới".
Nhà chật chội nên những bình chứa nước phải đặt lên sân thượng, nguy hiểm từ đó cũng rình rập hàng ngày cùng với sự sụt lún khiến chúng tôi lúc nào cũng lo âu, thấp thỏm cho tính mạng của chính mình”, ông T. chia sẻ.
Trong nhà ẩm mốc, dột nát
Cũng theo bà Hòa, chính từ sự dột nát, nước chảy sai dòng mà dẫn tới chuyện xích mích, cãi nhau giữa người tầng trên với người tầng dưới.
Câu chuyện được kể lại rằng, vì nhà nghiêng nên nước ở phòng 411 chảy sang phòng 412 rồi thấm xuống phòng 312. Chủ nhân phòng 312 nghĩ phòng 412 đổ nước lênh láng làm chảy xuống phòng mình và gây ra chuyện cãi vã.
Cũng là câu chuyện dở khóc dở cười ở các khu chung cư xuống cấp, chúng tôi được nghe những tiếng “nấc lòng” của người dân đang sống trong khu tập thể A1 (Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) – khu tập thể được xây dựng từ năm 1984 theo kiểu lắp ghép tấm bê tong địa phương.
Khu tập thể A1 Khương Thượng cũng nằm trong diện nguy hiểm
Ông Nguyễn Đức Vượng – Tổ trưởng tổ dân phố số 15 phường Trung Tự, Đống Đa cho biết: từ 6 năm nay, tình trạng lún nhà, lở tường bắt đầu thấy rõ. Thêm vào đó, thời gian gần đây, gần khu vực A1 đang có công trình xây dựng nên nhiều đêm ông không ngủ được và thấy mình như đang ngồi trên thuyền bị sóng đánh dạt vào bờ.
Dây điện từ khi dân số của khu còn ít cho tới khi dân số tăng lên gấp đôi, gấp ba rồi gấp năm lần nhưng tiết diện dây vẫn không đổi, nguy cơ chập điện, quá tải luôn là nỗi lo của hàng chục hộ dân ở khu A1 Khương Thượng.
Ông Vượng chỉ từng vết nứt trên tường nhà
“Trước nhà tôi bị dột không dám nằm trong nhà. Tôi đi làm, trời mưa vẫn phải về để xem nhà cửa ra sao. 2 năm nay tổ trưởng tổ dân phố xin kinh phí sửa chữa nên tình trạng dột vào ngày mưa cũng đỡ hơn. Thêm vào đó, mùa hè lại liên tục trong tình trạng thiếu nước. Nhà nào cũng hàng chục cái xô, chậu để hứng nước mưa mùa mưa lũ, hứng nước tắm giặt vào mùa nóng.
Dân ở đây 1/4 họ bán để đi ở chỗ khác hoặc cho thuê. Còn chúng tôi chỉ làm công ăn lương, bộ đội về hưu nên bị “mắc” lại vì kinh tế không có.
Nếu sửa được dân chúng tôi cũng thích ở chỗ này vì đây là chỗ đắc địa”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Bảo (69 tuổi, người dân thuộc khu tập thể A1 Khương Thượng).
Và hơn hết, những người dân sống trong các khu tập thể ấy đều mong muốn được ở những ngôi nhà khang trang, chắc chắn và đảm bảo tính mạng.
Nguyễn Huệ