Sự hấp dẫn của “Tiếng Việt giàu đẹp”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” đến nay ra được 11 cuốn của nhiều tác giả là một nỗ lực của NXB Trẻ trong việc giữ gìn sự giàu và đẹp của tiếng Việt trong không gian phát triển văn hóa nói chung của người Việt xưa nay.
 Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp"
Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp"

Bộ sách sử dụng những ví dụ gần gũi trong kho tàng tiếng Việt xưa và cả ngôn ngữ hiện đại ngày nay từ nhiều nguồn: ca dao tục ngữ, báo chí, tác phẩm văn chương, lời bài hát, ngôn ngữ đời thường, và cả ngôn ngữ mạng; đến cả phương ngữ các vùng miền cũng là một nội dung quan trọng trong bộ sách này.

11 tựa sách với sự đóng góp của các tác giả là nhà nghiên cứu ngôn ngữ và những người có nghề nghiệp liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa và viết lách trong nước. Bộ sách góp phần lý giải nhiều điều thú vị về ngôn ngữ tiếng Việt phong phú ở các vùng miền trên Tổ quốc. Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” có thiết kế khổ sách gọn gàng, bìa mềm dễ cầm đọc, là bộ sách công cụ phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc khi cần tra cứu để hiểu và yêu hơn tiếng Việt.

GS.TS. Nguyễn Đức Dân, người tham gia đầu tiên và là tác giả của 4 tựa sách trong bộ sách này: “Nỗi oan thì, là, mà”, “Từ câu sai đến câu hay”, “Triết lý tiếng Việt”, “Muôn màu lập luận”. Ông vừa cùng với các tác giả: PGS. TS. Trần Thị Ngọc Lang (tác giả tựa sách Tiếng Việt Phương Nam), PGS.TS. Trịnh Sâm (tác giả Đi tìm bản sắc tiếng Việt), nhà báo Dương Thành Truyền (tác giả Tình ca tiếng nước ta), nhà thơ Lê Minh Quốc (tác giả Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm) có buổi giao lưu với độc giả tại Đường sách TP.HCM.

Sự hấp dẫn của “Tiếng Việt giàu đẹp” ảnh 1

GS.TS. Nguyễn Đức Dân tác giả “Từ câu sai đến câu hay” in đến 9 lần

Buổi giao lưu này được tổ chức để chào đón hai tựa sách mới vừa ấn hành của nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà báo Dương Thành Truyền, trong đó cuốn “Tình ca tiếng nước ta” đã được tái bản chỉ sau 4 tháng phát hành. Đồng thời còn khẳng định bạn đọc luôn quan tâm đến tiếng Việt. Cụ thể, trong những năm qua đa số các tựa sách đều tái bản, trong đó có tựa đã in lần thứ 9. Bộ sách không chỉ được dùng để tham khảo trong nhà trường, cho người làm việc sáng tạo, mà còn hữu dụng với những người làm truyền thông, sáng tạo nội dung trong thời đại hiện nay.

Vì sao một bộ sách nặng về học thuật, nghiên cứu, tưởng rằng khô khan, khó đọc như “Tiếng Việt giàu đẹp” lại có thể tái bản nhiều lần như vậy? Phải chăng bản thân các tác giả đã tiếp cận và khai thác chủ đề khoa học nhưng hấp dẫn, thiết thực, gần gũi với bạn đọc?!

Chẳng hạn tác phẩm “Từ câu sai đến câu hay” in đến 9 lần của GS.TS. Nguyễn Đức Dân là một minh chứng. Sách bàn về việc sử dụng tiếng Việt, những lỗi cơ bản và mức độ sai khi viết câu: sai kiến thức, sai ngữ pháp, sai chính tả… Từ những ví dụ cụ thể trên báo đài, các tác phẩm văn học, kho tàng ca dao tục ngữ, thành ngữ Việt Nam, tác giả hướng bạn đọc đến cách tiếp cận vấn đề, nhận ra những lỗi câu, đánh giá mức độ sai và tìm cách chỉnh sửa cho phù hợp. Bước đầu chính là sửa câu sai thành câu đúng. Cao hơn nữa là từ câu đúng chỉnh làm sao để được một câu hay. Những cái sai và cái hay được bàn đến rất phổ biến trong báo chí và đời sống, nhưng ít ai nhận ra vì đôi khi có những lỗi cố hữu trong cách sử dụng từ ngữ mà hiện nay hầu như không ai nhận ra nữa, đó là do hiện tượng “để lâu câu sai hóa… đúng”. “Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”, dạng câu nửa chừng được nhắc đến trong câu trên gọi là câu mơ hồ, câu mơ hồ cũng được xem là một vũ khí lợi hại trong ngoại giao… Cùng rất nhiều vấn đề thú vị và bổ ích khác nữa.

Sự hấp dẫn của “Tiếng Việt giàu đẹp” ảnh 2

Từ phải qua: Nhà thơ Lê Minh Quốc, PGS. TS. Trần Thị Ngọc Lang, GS.TS. Nguyễn Đức Dân, PGS. TS. Trịnh Sâm và Nhà báo Dương Thành Truyền giao lưu với bạn đọc “Tiếng Việt giàu đẹp”

Ngôn ngữ của một quốc gia, một dân tộc được sử dụng hàng ngày còn được gọi là sinh ngữ vì chứa đựng trong đó cuộc sống. Tác phẩm “Cuộc sống ở trong ngôn ngữ” của giáo sư, nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ (1922-1999) tập hợp những bài viết bàn về tiếng Việt. Cố giáo sư Hoàng Tuệ đã nêu lên những cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Ngoài ra, sách còn có một loạt bài viết nêu lên những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu… đối với nền ngôn ngữ học nước nhà. Gần hơn, có phong cách ngôn ngữ Hồ Chủ tịch, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng những quan tâm trăn trở, làm sao để giữ gìn, phát triển tiếng nói dân tộc… Với ngòi bút tài hoa, kiến thức uyên thâm, tác giả diễn giải những vấn đề phức tạp một cách đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, khiến cho những kiến thức đó không hề khô khan như bản chất của Ngôn ngữ học. Những bài viết trong sách vô cùng thú vị và bổ ích cho những ai đang tìm hiểu, học tập và nghiên cứu tiếng Việt.

TIN LIÊN QUAN
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
(Ngày Nay) - Từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 8 triệu thuê bao lên thiết bị 4G trên cả nước. Hiện tại, trên toàn mạng Viettel còn khoảng 500.000 thuê bao sử dụng máy 2G. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10 – thời điểm tắt sóng 2G.
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
(Ngày Nay) -  Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ngày 26/9 đã tổ chức lễ công bố báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024.
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
(Ngày Nay) -  Ngân hàng trực tuyến Starling Bank của Anh vừa cho biết hàng triệu người có thể bị lừa bởi những kẻ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sao chép giọng nói. Ngân hàng này cảnh báo rằng chỉ cần 3 giây âm thanh từ một video đăng trên mạng xã hội, kẻ gian có thể dùng AI để tạo ra bản sao giọng nói của nạn nhân. Sau đó, chúng tiếp cận bạn bè và người thân của họ để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền bằng giọng nói đã được sao chép.