Sứ mệnh răn đe Nga-Trung-Triều của máy bay ném bom Mỹ

(Ngày Nay) - Mỹ liên tục triển khai máy bay ném bom chiến lược ở châu Âu và châu Á, nhằm răn đe đối thủ và cho các đồng minh thấy cam kết của mình.
Máy bay ném bom B-1 của Mỹ cùng 4 tiêm kích bay trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Máy bay ném bom B-1 của Mỹ cùng 4 tiêm kích bay trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Trong hai tháng qua, Mỹ đã triển khai máy bay ném bom B-1 ba lần ở châu Âu và châu Á. NBC đánh giá động thái này là một phần trong nhiệm vụ chiến lược, nhằm gửi thông điệp tới Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Mỗi chiếc B-1 được trang bị khoảng 20 tên lửa hành trình phi hạt nhân với đầu đạn xuyên boongke có độ chính xác cao.

Nhiệm vụ mới nhất diễn ra đêm 12/9 trên bán đảo Triều Tiên, khi hai oanh tạc cơ B-1 bay cách khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ vài mét, cùng với tiêm kích F-16 của Mỹ và F-15 của Hàn Quốc. Mỹ thể hiện rõ ràng rằng việc triển khai liên quan đến vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, diễn ra 4 ngày trước.

Đây là một trong ba nhiệm vụ Mỹ tiến hành vào các tuần gần đây nhằm răn đe, nhưng các đối thủ có thể cho rằng đó là hành động khiêu khích.

Hôm 13/9, một máy bay ném bom B-1 từ căn cứ không quân Dyess ở Texas hạ cánh tại căn cứ không quân Ostrava ở Cộng hòa Séc, thuộc chương trình triển khai một nhóm máy bay ném bom phi hạt nhân sang châu Âu cho cuộc tập trận Strike Ample. Hai tuần trước, một máy bay B-52 Mỹ cũng được điều đến Ostrava.

Kristensen nói rằng trong khi Mỹ từng triển khai một máy bay B-1 tới Cộng hòa Séc "trong một nhiệm vụ thiện chí", lần này có sự khác biệt. "Đó là một trong số các máy bay ném bom được triển khai để tham gia cuộc tập trận của NATO", ông nói. NBC nhận xét động thái này nhiều khả năng thu hút sự chú ý của Nga.

Trước đó, vào đầu mùa hè, một chiếc B-1 và một máy bay ném bom tàng hình B-2 được điều tới căn cứ không quân Andersen ở Guam, nơi máy bay B-52 vẫn đang hoạt động. Động thái đánh dấu lần đầu tiên cả ba máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đồng thời được triển khai tới khu vực châu Á.

Sau đó, ngày 17/8, Mỹ đã triển khai ba loại máy bay ném bom vào một nhiệm vụ trên Biển Đông, nơi Trung Quốc có những hành động hung hăng để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.

Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nước này hôm 12/9 tập trận quân sự tại kênh Bashi, nằm giữa đảo cực bắc của Philippines Luzon và Đài Loan. Bộ này cho biết "tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay cảnh báo sớm và tiếp liệu trên không" đã bay qua kênh này.

Thực tế, theo một quan chức không quân Mỹ, đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử khi Mỹ, Trung Quốc và Nga đều sử dụng máy bay ném bom tầm xa trong các nhiệm vụ tác chiến thông thường và răn đe. Nga nhiều lần đánh bom các mục tiêu ở Syria bằng oanh tạc cơ. Trung Quốc thường xuyên bay tuần tra ở Biển Đông để phô diễn sức mạnh quân sự.

Mối đe dọa

Các máy bay B-1 được điều đến bán đảo Triều Tiên thuộc phi đội ném bom 34, đồn trú tại Guam (lãnh thổ hải đảo của Mỹ ở tây Thái Bình Dương, cách bán đảo Triều Tiên khoảng 3.000 km) đã thả 2.000 bom thông minh trong suốt hơn 630 nhiệm vụ tại Syria, Iraq và Afghanistan tháng 1-7/2015.

"Máy bay ném bom nhìn chung rất phù hợp với không gian lớn và thách thức của Thái Bình Dương. Các máy bay ném bom B-1 đặc biệt thích hợp cho khu vực này", Seth Spanier, chỉ huy phi đội B-1 tại Guam, cho biết.

"Với khả năng mang nhiều vũ khí và tấn công vượt trội, B-1 sẽ cung cấp cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ và các đồng minh cùng đối tác trong khu vực một nền tảng phô diễn sức mạnh chiến lược đáng tin cậy", ông nói.

Việc Mỹ sử dụng máy bay đồn trú tại Guam để truyền thông điệp trên bán đảo Triều Tiên không phải là mới. Sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng một, một máy bay B-52 đặt tại Guam đã thực hiện chuyến bay.

"Họ rất chú ý đến động thái đó", phóng viên Will Ripley của CNN khi đó có mặt ở Bình Nhưỡngnói. "Rất nhiều chỉ huy quân sự của Triều Tiên cho rằng máy bay ném bom Mỹ là mối đe dọa lớn, do nó từng tàn phá nghiêm trọng Bình Nhưỡng trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), khi phần lớn thành phố bị san bằng", Ripley nói .

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.