Dù kinh tế ngày càng khó khăn, Bình Nhưỡng vẫn đang dồn nhiều nguồn lực vào phát triển chương trình hạt nhân như một cách để đối phó với Mỹ và các nước họ coi là thù địch.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết GDP của Triều Tiên năm 2014 đạt khoảng 33,95 nghìn tỷ KPW (28,5 tỷ USD). Đến tháng 7 vừa qua, BOK cập nhật cho thấy GDP Triều Tiên năm 2015 giảm 1,1% so với năm 2014. Thu nhập đầu người là 1,39 triệu won/năm (khoảng 1.223 USD), bằng 4,5% so với Hàn Quốc, theo Bloomberg.
Tiền được sử dụng nhiều nhất vào phát triển năng lực răn đe của Triều Tiên, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un quyết tâm dồn nguồn lực cho các vụ thử nghiệm hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo. Trong cuộc thử nghiệm lần ba vào năm 2013, Yonhap cho biết Triều Tiên tốn khoảng 1,5 tỷ USD cho sự kiện này.
Cơn địa chấn hơn 5 độ Richter gây ra từ việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần 5 hồi tuần qua. Ảnh:Reuters |
Trong khi đó, báo Chosun Ilbo dẫn các nguồn tin tình báo cho rằng, Bình Nhưỡng đã chi từ 2,8 - 3,2 tỷ USD cho tổng thể chương trình hạt nhân, bao gồm các chi phí vận chuyển và hậu cần, xây dựng các nhà máy làm giàu uranium... Khoản tiền này đủ để cứu đói cho người dân trong 3 năm, mua được khoảng 10 triệu tấn lúa.
Để có tiền cho chương trình hạt nhân và vũ khí, Triều Tiên tận dụng các nguồn mang lại thu nhập chính cho nước này như bán vũ khí trái phép, giao thương với Trung Quốc, nguồn tiền từ khu công nghiệp chung Kaesong, và xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Bán vũ khí với các nước Thế giới Thứ 3
Những khách hàng thường xuyên của Triều Tiên là các quốc gia đang phát triển ở Trung Đông và châu Phi. Trước đây, những mặt hàng chủ yếu là các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Giới quan sát cảnh báo, Triều Tiên thậm chí có thể đã bán công nghệ và bom cho những tổ chức khủng bố.
Từ thập niên 1980, Triều Tiên trở thành bạn hàng thường xuyên để cung cấp vũ khí cho Iran. Doanh số tăng đáng kể trong cuộc chiến Iran - Iraq, ước tính Bình Nhưỡng đã kiếm được 4 tỷ USD giai đoạn này.
Trong năm 2001, Triều Tiên còn thu về được 556 triệu USD từ bán tên lửa. Dù làm ăn chính với Iran, Bình Nhưỡng được cho là muốn tìm cách bán hàng cho cựu lãnh đạo Saddam Hussein của Iraq.
Mối quan hệ với Iran nâng cấp thành hợp tác quân sự, bao gồm đồng phát triển và chuyển giao công nghệ hạt nhân. Sau đó, Triều Tiên mở rộng quan hệ sang cả Syria, cung cấp cho Syria một lò phản ứng hạt nhân (sau này bị Israel dội bom).
Cuối năm 2012, hải quan cảng Busan, Hàn Quốc chặn một chuyến tàu Triều Tiên chở hơn 400 xylanh than chì có thể dùng trong sản xuất tên lửa đạn đạo dự định chuyển tới Syria.
Năm 2009, Thái Lan chặn một máy bay từ Bình Nhưỡng chở 35 tấn vũ khí thông thường, bao gồm các tên lửa đất đối không, và hướng đến Iran - bạn hàng lớn của Triều Tiên.
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc mua bán trở nên khó khăn từ sau khi quốc tế áp đặt cấm vận ngặt nghèo lên Triều Tiên. Mặt khác, vũ khí do Triều Tiên sản xuất không còn được ưa chuộng nhiều do sử dụng công nghệ lạc hậu từ thời Liên Xô.
Mỹ phải thiết kế lại mẫu tiền 100 USD để ngăn chặn tiền giả từ Triều Tiên. Ảnh:AP |
Buôn bán với Trung Quốc
Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, che chở cho nước này về mặt ngoại giao, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, giao dịch với Trung Quốc chiếm hơn 74% thương mại của Triều Tiên trong năm 2014.
Các mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc chủ yếu là than đá, khoáng sản, quần áo, vải vóc và các mặt hàng thực phẩm. Đổi lại, Triều Tiên nhập khẩu về xăng dầu, thép, máy móc, ôtô và hàng điện tử.
Thời gian gần đây, sau mỗi lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa, Bắc Kinh cùng với thế giới lên án cách việc làm này, nhưng vẫn lưỡng lự không ủng hộ trừng phạt Triều Tiên mạnh tay. Nguyên nhân vì Trung Quốc lo sợ cấm vận ngặt nghèo có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Bình Nhưỡng, tạo ra dòng người tị nạn tràn qua biên giới nước này.
Khu công nghiệp chung Kaesong
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, khu Kaesong mang lại cho Triều Tiên 616 tỷ won (516 triệu USD) tiền mặt kể từ khi dự án hợp tác 2 miền này đi vào hoạt động hồi năm 2004. Hơn 120 công ty Hàn Quốc đã tuyển dụng khoảng 54.000 lao động Triều Tiên làm việc tại Kaesong, tiền lương khoảng 150 USD/tháng.
Bộ này tình nghi phần lớn nguồn tiền mà chính phủ Triều Tiên thu được từ các lao động nước này làm việc ở Kaesong là để chuyển vào kinh phí cho các dự án tên lửa và hạt nhân.
Ông Jeong Joon Hee, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói Bình Nhưỡng cố tình "cắt xén" thu nhập từ công dân của họ qua cách trả lương gián tiếp. Trong khi các công ty Hàn Quốc thanh toán tiền lương bằng USD, chính phủ Triều Tiên đã quy đổi sang won Triều Tiên và phát lại cho công nhân bằng nội tệ. Việc quy đổi cũng dựa trên tỷ giá mà Triều Tiên quy định.
Triều Tiên ngày càng muốn thu hút thêm nhiều khách du lịch. Ảnh:AFP |
Xuất khẩu lao động, phát triển du lịch
Từ giữa thập niên 2000, Triều Tiên tăng cường gửi công nhân ra nước ngoài làm việc nhằm thu về thêm nhiều ngoại tệ. Cơ quan Xúc tiến Thương mại & Đầu tư Hàn Quốc cho biết, khoảng 60.000 - 100.000 người Triều Tiên đang làm việc tại hơn 40 quốc gia. Họ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ phục vụ nhà hàng ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, cho đến công nhân xây dựng ở Nga và vùng Trung Đông...
Marzuki Darusman, chuyên gia Liên Hợp Quốc về nhân quyền của Triều Tiên, năm 2015 cho biết hơn 50.000 lao động Triều Tiên tại các nước hàng năm gửi về quê hương khoảng 1,2 - 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, người Triều Tiên thường không được những người chủ ở nước ngoài đối xử tử tế.
Những năm gần đây, chính quyền Triều Tiên tỏ ra muốn cởi mở hơn với thế giới qua việc phát triển du lịch. Họ thành lập một số khu vực đặc biệt để du khách tham quan, phát triển các khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.
AP dẫn lời một quan chức Triều Tiên cho biết, khoảng 100.000 du khách đã đến thăm nước này vào năm 2014, trong đó vài chục nghìn người là từ Trung Quốc. Số lượng khách du lịch được cho là vẫn tiếp tục tăng, dù Bình Nhưỡng cũng thỉnh thoảng bắt một số người nước ngoài vì cáo buộc họ có hành động "chống phá nhà nước".