Theo nhận định của Tiến sĩ Mohammed Al-Sulami, Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Iran (Rasanah) với mạng Tin tức Arập (Arab News) mới đây, sau chuyến thăm của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns tới Saudi Arabia trong tháng 4, người ta phải tự hỏi liệu Mỹ có nhận thấy sự biến động của tình hình Trung Đông hay không.
Trong chuyến thăm của mình, người đứng đầu CIA được cho là đã nói với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman rằng Mỹ cảm thấy “bị che mắt” trước việc Riyadh nối lại quan hệ với Iran và Syria - những đối thủ trong khu vực của Washington.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Mohammed Al-Sulami cho rằng các chính quyền kế tiếp của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã làm giảm uy tín của Mỹ ở Trung Đông vì họ thường xuyên cắt giảm nguồn lực và thay đổi chính sách đối với khu vực, đặc biệt là với Iran. Việc đang phải dành nguồn lực kinh tế cho cuộc xung đột ở Ukraine, thất bại trong giải quyết vấn đề Palestine, từng ủng hộ cái gọi là Mùa xuân Arập và sự phân cực chính trị trong nước tiếp tục làm giảm thêm uy tín của Mỹ đối với các nước trong khu vực.
Ngược lại, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào những quốc gia ở Trung Đông đã mở đường cho Bắc Kinh chuyển từ quyền lực mềm sang địa kinh tế và địa chính trị trong khu vực.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Trung Đông phải được hiểu thông qua lăng kính quan hệ đối tác kinh tế của Bắc Kinh với tất cả các nước trong khu vực. Cách tiếp cận kinh tế này rất khác với chính sách của Mỹ trong việc triển khai sức mạnh quân sự chống lại các đối thủ yếu trong khu vực, chẳng hạn như Taliban năm 2001 và chế độ Saddam Hussein năm 2003.
Như Robert F. Kennedy Jr., người đang chạy đua trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, giải thích trên Twitter: “Trung Quốc đã khéo léo thay thế Mỹ bằng sức mạnh kinh tế. Trong thập kỷ qua, Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD để ném bom đường sá, bến cảng, cầu cống và sân bay. Trung Quốc đã dành số tiền tương đương để xây dựng lại chúng”.
Ví dụ tại Saudi Arabia, bất chấp việc các công ty Mỹ hoạt động tích cực ở vương quốc này, khả năng huy động vốn quy mô lớn của các công ty Trung Quốc đang mang lại cho Bắc Kinh một lợi thế tiềm năng, đồng thời giúp phát triển hoạt động kinh doanh mới cho các công ty của họ vốn đang phải đối mặt với thị trường bão hòa ở trong nước.
Việc Trung Quốc dẫn đầu về phát triển công nghiệp carbon thấp và lĩnh vực công nghệ mới nổi cũng giúp nước này trở thành một đối tác quan trọng trong việc giúp Saudi Arabia đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng.
“Trung Quốc có thể giúp Saudi Arabia xây dựng năng lực phát triển công nghệ, sản xuất thiết bị chính ở trong nước", tổ chức tư vấn toàn cầu Kapsarc của Saudi Arabia cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Mô hình đó trái ngược với cách thức của phương Tây, vốn có xu hướng xoay quanh việc sử dụng đồng USD thu được dầu mỏ cho các hợp đồng dịch vụ và mua bán vũ khí hơn là xây dựng ngành công nghiệp địa phương. Hơn nữa, sáng kiến của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm mà trọng tâm công nghiệp của Washington đã chuyển hướng về trong nước, khi họ tìm cách xây dựng ngành công nghiệp ít carbon của riêng Mỹ thông qua các ưu đãi mới của chính phủ.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ chính thức hơn 70 năm trước. Quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ được chính quyền Biden giải thích là một động thái chính trị nhằm làm suy yếu cơ hội của Đảng Dân chủ so với Đảng Cộng hòa. Saudi Arabia đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc này và chỉ ra giá dầu ổn định ngay sau quyết định giảm sản lượng khai thác dầu.
Washington cũng cáo buộc Saudi Arabia đứng về phía Nga thông qua động thái của nước này vào thời điểm Mỹ và châu Âu đang cố gắng siết chặt nguồn thu của Moskva liên quan đến xung đột ở Ukraine. Nhà Trắng và các quan chức khác của Mỹ đe dọa sẽ xem xét lại mối quan hệ với Saudi Arabia, đi xa hơn là cảnh báo trừng phạt kinh tế và tài chính.
Ngoài ra, kể từ thời chính quyền Obama (2009-2017), những chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã gây ra sự nhầm lẫn giữa các đối tác khu vực của Washington. Việc thiếu sự hỗ trợ của Mỹ cho các đồng minh trong khu vực trong cái gọi là Mùa xuân Arập và ý tưởng nối lại quan hệ với Tehran vào thời điểm bất ổn xã hội trong khu vực đã thúc đẩy phần lớn các đồng minh vùng Vịnh tìm kiếm một chính sách đối ngoại mới dựa trên quyền tự chủ và đa dạng hóa.
Thất bại của phe tân bảo thủ trong việc thay đổi khu vực thông qua chiến tranh và cách tiếp cận của Đảng Dân chủ trong việc thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ trong khi không ưu tiên các đồng minh và đối tác trong khu vực cũng là những yếu tố đẩy nhanh sự suy giảm uy tín của Washington trong khu vực. Trước đó, chính sách khu vực của chính quyền Obama dựa trên quan điểm chỉ trích các quốc gia vùng Vịnh, cũng như các cuộc chiến khu vực dưới thời chính quyền George W. Bush đã dẫn đến suy giảm uy tín của Mỹ ở Trung Đông.
Kể từ khi chính quyền Obama xem xét điều chỉnh chính sách về Iran, đã không có bất kỳ sự đồng thuận nào giữa Washington và các đồng minh khu vực về các vấn đề Iran. Vì vậy, trong khu vực hiện nay có lo ngại rằng chính sách khu vực của Đảng Dân chủ sẽ có xu hướng muốn làm ngược lại những gì cựu Tổng thống Donald Trump đã làm. Do đó, bầu không khí tích cực trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ dưới thời chính quyền Trump trở nên lạnh nhạt và căng thẳng hơn vào thời kỳ đầu của chính quyền Biden.
Tiến sĩ Mohammed Al-Sulami kết luận, điều này củng cố nhận thức khu vực rằng chính sách Trung Đông của Mỹ đang bị chi phối bởi sự phân cực trong nước và vì vậy sẽ không có ưu tiên thực sự nào để giải quyết các vấn đề và mối quan tâm ở Trung Đông. Kết quả là, cách tiếp cận lấy Mỹ làm trung tâm này không còn được chú ý đối với các quốc gia trong khu vực.