Sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra 'bức tranh’ xã hội tích cực có trẻ em gái dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  ‘’Trong một kỷ nguyên của Internet và sự thừa mứa thông tin, làm thế nào để gây được sự chú ý từ cộng đồng cho vấn đề giáo dục trẻ em gái dân tộc thiểu số?’’ - đó là đề bài được đặt ra trong buổi tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” do UNESCO phối hợp cùng Tạp chí Ngày Nay tổ chức ngày 16/6.

Tọa đàm diễn ra hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam 21-6 như một lời khẳng định sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội, trong đó có việc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Hơn 50 nhà báo, chuyên gia truyền thông và nhà hoạt động xã hội vì cộng đồng dân tộc thiểu số đã tham dự tọa đàm. Tham dự tọa đàm có Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, Nhà báo Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay.

Sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra 'bức tranh’ xã hội tích cực có trẻ em gái dân tộc thiểu số ảnh 1

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng trong công cuộc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, báo chí có sức mạnh “không thể phủ nhận” trong việc tạo ra ảnh hưởng tới công chúng và kêu gọi hành động cần thiết.

“UNESCO tin tưởng báo chí trong việc khắc họa những hình ảnh đa chiều tích cực về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, đồng thời kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nền giáo dục công bằng, an toàn và không phân biệt đối xử cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái”, ông Manhart khẳng định.

Chủ trì tọa đàm, TS Phan Thị Thùy Trâm, Tổng Thư ký Hội Nữ Trí thức Việt Nam, cho biết con số 21 triệu trẻ em tại Việt Nam bị gián đoạn giáo dục do COVID-19 khiến dư luận phải nghiêm túc đặt câu hỏi và đi tìm giải pháp khắc phục, đặc biệt là giới truyền thông - báo chí.

Sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra 'bức tranh’ xã hội tích cực có trẻ em gái dân tộc thiểu số ảnh 2

TS Phan Thị Thùy Trâm, Tổng Thư ký Hội Nữ Trí thức Việt Nam.

Bà Phan Thị Thùy Trâm chia sẻ, một người bạn là tiến sĩ tại Mỹ và hiện đang điều hành Mạng lưới người khiếm thị Việt Nam, cho biết chỉ cần tìm từ khóa về giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số Việt Nam, kết quả hiện ra rất ít những bài báo viết về chủ đề này.

“Vấn đề đặt ra là, vậy mức độ quan tâm của báo chí đến trẻ em như thế nào, tại sao thông tin về trẻ em gái càng ít hơn, và trẻ em gái dân tộc thiểu số càng ít hơn nữa. Vì sao lại có điều này? Thị hiếu, độc giả báo chí là ai? Độc giả đọc tin tức trẻ em gái dân tộc thiểu số là ai, khi bố mẹ các em cũng ít có cơ hội tiếp cận chữ phổ thông”, TS Phan Thị Thùy Trâm đặt câu hỏi. “Chúng ta có thể không suy nghĩ về những điều to tát, nhưng những việc nhỏ như một người dân tìm thông tin trên Internet không thấy cái họ cần có khiến giới báo chí suy nghĩ không?”.

“Cần nhìn lại từ cách đặt đề bài”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm với tư cách diễn giả, nhà báo Đinh Đức Hoàng, Phó tổng giám Gốc Trung tâm Thông tin UNESCO, đã nêu ra những vấn đề mà báo chí Việt Nam còn vướng mắc khi tiếp cận và đặt vấn đề cho đề tài trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra 'bức tranh’ xã hội tích cực có trẻ em gái dân tộc thiểu số ảnh 3

Nhà báo Đinh Đức Hoàng, Phó tổng Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO trình bày tham luận.

Theo diễn giả, việc cá biệt hóa các tình huống, các nhân vật là một thói quen của báo chí. Điều đó làm cho tin tức trở nên hấp dẫn hơn, giúp tối đa hóa mức độ lan tỏa của bài viết. Nhưng điều này tạo ra hai hệ lụy: Đầu tiên, là độc giả sẽ tự dán nhãn nhân vật này là người Mông, hay Dao Đỏ hay người Nùng gì đó. Nó tạo ra một ấn tượng về việc bất khả can thiệp. Người Mông họ thế mà, bỏ học suốt. Thứ hai, là như trong câu chuyện của tôi, nó tạo ra một phong cách can thiệp theo tình huống.

"Trách nhiệm của báo chí, đó là phải xóa đi những sự cá biệt hóa và thực sự nêu ra các vấn đề có thể can thiệp một cách có hệ thống. Không còn cô bé người Mông thế này và cô bé người Nùng thế kia nữa. Viết như thế thì rất tiện: độc giả được thỏa mãn vì làm từ thiện tình huống, còn báo chí xong việc sớm.”

Nhà báo Đinh Đức Hoàng, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO

“Trách nhiệm của báo chí, có lẽ là đủ nhạy cảm để tránh đi sự cá biệt hóa này”, ông Đức Hoàng khẳng định. “Trách nhiệm của báo chí, đó là phải xóa đi những sự cá biệt hóa và thực sự nêu ra các vấn đề có thể can thiệp một cách có hệ thống. Không còn cô bé người Mông thế này và cô bé người Nùng thế kia nữa. Viết như thế thì rất tiện: độc giả được thỏa mãn vì làm từ thiện tình huống, còn báo chí xong việc sớm.”

Với đề tài trẻ em gái dân tộc thiểu số, nhà báo Đức Hoàng cho rằng báo chí có thể tiếp cận các nhân vật dưới tư cách các nhóm dân cư của những vùng miền núi khó khăn, chứ không phải dưới tư cách sắc tộc. Tức là ảnh hưởng của chính sách, môi trường kinh tế, lên cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái.

“Đằng sau số phận của nhiều con người đều là cách vận hành của một vùng đất; và đằng sau cách vận hành của một vùng đất, là cơ hội tìm thấy manh mối để cải thiện tình hình trên quy mô rộng”, ông Đức Hoàng chia sẻ. “Báo chí không nhất thiết phải là những người đưa ra lời giải trực tiếp. Nhưng ngay trong cách phản ánh khách quan, cũng có thể có những thứ trở thành đề bài – mà nếu được giải quyết sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực lên xã hội. Vấn đề, là việc ra đề bài chuẩn xác là một nhiệm vụ khó khăn ngang với lời giải, và nó sẽ cần đến nhiều công sức hơn là công việc đòi hỏi.”

‘’Tận dụng mọi nguồn lực của thời đại’’

Đến với buổi tọa đàm, đạo diễn - nhà báo Nguyễn Bông Mai đã chia sẻ những khám phá của mình về câu chuyện giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số thu thập được từ Hành trình 99 ngày xuyên Việt đến với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra 'bức tranh’ xã hội tích cực có trẻ em gái dân tộc thiểu số ảnh 4

Đạo diễn - nhà báo Bông Mai.

Trong chuyến hành trình tới miền Tây Bắc, diễn giả Bông Mai đã gặp một cô bé dân tộc Mông bế một em bé khoảng 5 - 6 tháng tuổi trên tay. Sau một lúc nói chuyện, cô bất ngờ khi biết cô bé đã nghỉ học từ năm lớp 7 để cưới chồng, và em bé trên tay là đứa con thứ hai. Cô cũng gặp một cô bé khác, bỏ học năm lớp 8 vì bố tự tử, không có ai phụ giúp mẹ nên bỏ học ở nhà lấy chồng, sinh con.

Có rất nhiều bé gái đã không có tương lai khi bỏ lại tuổi thơ phía sau những cánh cửa nhà chồng. Câu chuyện ấy bắt nguồn cả từ những thế hệ trước cũng đã rời ghế nhà trường từ khi còn nhỏ để lập gia đình, để làm nương rẫy cho đến tận hôm nay. Vì thế họ thấy con cái mình lấy chồng, sinh con sớm cũng giống như họ, là lẽ bình thường.

“Nhưng buồn hơn cả là việc rất nhiều bé gái tâm sự với tôi: ‘Con không thích đi học vì đi học không giúp được gì cho gia đình!’. Việc học và áp lực cơm áo gạo tiền đã vô tình trở thành vấn đề được tính toán nên và không nên”, diễn giả Bông Mai chia sẻ.

Theo nữ diễn giả, việc góp phần vào thay đổi nhận thức của đồng báo nói chung hay của trẻ em nói riêng về cuộc sống mới không phải chỉ đến từ những bài báo mà sự ảnh hưởng đầu tiên là những người đến từ vùng đồng bằng, vùng phát triển kinh tế.

Điều thứ hai chính là social – công cụ báo chí thời hiện đại. Hình ảnh những chiếc điện thoại thông minh đã không hề xa lạ tại các thôn bản vùng cao. Trẻ em nông thôn, miền núi ngày nay cũng như trẻ em thành thị ôm điện thoại, thiết bị điện tử mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra: Báo chí hôm nay có thể làm được gì trong việc thúc đẩy nhận thức về giá trị của bản thân, về tương lai của chính những đứa trẻ có đôi mắt long lanh mà tôi gặp nơi vùng cao?

“Tôi thấy tiếc vì những trang viết dài, đầy tâm huyết của rất nhiều nhà báo khó có thể đến tận tay hoặc nếu có đến thì không dễ dàng thôi thúc đồng bào thay đổi. Tôi mong muốn thấy những bài viết, tác phẩm báo chí social truyền đi thông điệp tích cực, vào nỗ lực xây dựng cuộc sống tương lai cho các em nhỏ ngay từ lúc này”, vị nữ diễn giả nói.

Kết thúc phần trình bày của mình, nhà báo Bông Mai đưa ra lời kêu gọi báo chí tận dụng khả năng lan tỏa nhanh chóng, mạnh mẽ của thời đại số để đưa đến những câu chuyện mang tính truyền cảm hứng, những thông điệp về cuộc sống tương lai được đến trường, được đi học mỗi ngày để chính các trẻ em gái mới là người quyết định cuộc sống của mình mà không phải sống một tương lai mù mịt.

Sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu tham dự cùng thảo luận về những hình ảnh khắc họa thường thấy ở báo chí khi đưa tin về người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời, đưa ra cách tiếp cận tích cực để xây dựng lối hành văn thể hiện sức mạnh của họ.

Tọa đàm cũng tập trung trả lời câu hỏi “Báo chí có thể làm gì hơn nữa bên cạnh việc phản ánh thông tin khách quan” để có thể khai thác những cách tiếp cận bền vững hơn giúp phát huy nội lực của trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Kết luận tọa đàm, ông Trần Văn Mạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay, cho biết thách thức đặt ra cho ngành báo chí hiện nay đó là phương thức để thu hút được sự chú ý của cộng đồng và kêu gọi các bên hành động nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra 'bức tranh’ xã hội tích cực có trẻ em gái dân tộc thiểu số ảnh 5

Ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam,
Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay.

Theo ông Trần Văn Mạnh, ngoài nỗ lực của chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính và liên chính phủ, trong đó có UNESCO và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, trong nhiều thập kỷ đã liên tục xây dựng các chương trình hành động liên quan đến trẻ em gái dân tộc thiểu số. Báo chí cũng chưa bao giờ ngừng phản ánh và thúc đẩy sự thay đổi cho thực trạng này.

“Những câu chuyện mà chúng ta được nghe ngày hôm nay, từ các nhà báo, vẫn nhang nhác những gì chúng ta nghe từ 20 năm trước, hay thậm chí là vẫn giống thời Tô Hoài đi thực địa Tây Bắc năm 1952, tức là từ 70 năm trước. Vẫn có những vùng đất mà các thành quả phát triển của xã hội chưa chạm tới được cuộc sống của những con người, những đứa trẻ. Và những lời kêu gọi hành động nhiều hơn, quyết liệt hơn chưa bao giờ là thừa”, ông Trần Văn Mạnh khẳng định.

Tạp chí Ngày Nay thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam kể từ khi ra đời đã liên tục dành thời lượng để thúc đẩy quyền của đồng bào các vùng khó khăn nói chung, và trẻ em gái dân tộc thiểu số nói riêng. Nhưng chúng tôi chỉ là một tiếng nói nhỏ bé.

Cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số là một thách thức. Thông qua tọa đàm, nhà báo Trần Văn Mạnh bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều nhà báo cùng chung tay với sứ mệnh nâng cao nhận thức cho chủ đề này.

“Trong một kỷ nguyên của Internet và sự thừa mứa thông tin, làm sao gây được sự chú ý của cộng đồng cho những chủ đề quan trọng như thế này, lại là thách thức riêng của từng nhà báo. Nhưng tôi tin rằng chỉ cần có thực tâm, chúng ta sẽ tìm được những phương cách đủ sáng tạo, tinh tế, để kiến tạo một xã hội bình đẳng, và tạo ra một bức tranh tương lai giáo dục có trẻ em gái dân tộc thiểu số, như tên của tọa đàm”, ông Trần Văn Mạnh kết luận.

“Công bằng thông tin – Cân bằng tin tức – Bình đẳng tiếp cận – Làm đầy dữ kiện” là thông điệp chốt lại một cuộc tọa đàm đầy ắp những nội dung sâu sắc, tác động vào tâm trí mỗi nhà báo tham dự, giúp mọi người tìm cho mình cách thức phù hợp hơn để khi tiếp cận và đưa tin phù hợp và tận tâm về trẻ em gái ở những vùng khó khăn.

Sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra 'bức tranh’ xã hội tích cực có trẻ em gái dân tộc thiểu số ảnh 6

Trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã khiến các trường học phải đóng cửa trên diện rộng lớn nhất trong lịch sử. Chỉ riêng tại Việt Nam, đại dịch đã khiến khoảng 21 triệu trẻ em bị gián đoạn học tập. Trong đó, UNESCO nhấn mạnh rằng trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số, phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức khi việc học là chìa khóa mở cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn cho các em.

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.