Mặt biến dạng sau đợt tiêm thuốc chữa đau lưng
Bệnh nhân Tr.H.Ng (Hà Nội) bị đau lưng do thoát vị đĩa đệm, cơn đau hành hạ nên chị tìm đến phương pháp tiêm thuốc giảm đau tại vùng cột sống thắt lưng. Sau đợt điều trị đó, thay vì khuôn mặt thanh tú với làn da trắng hồng mịn màng, mặt chị căng tròn, da mỏng, xuất hiện rất nhiều mụn trứng cá đỏ, có mủ...
Mặc dù có nghi ngại về vấn đề tác dụng phụ của thuốc, nhưng do sau mỗi lần tiêm, triệu chứng đau lưng giảm hẳn nên chị Ng. hy vọng sau khi điều trị khỏi đau lưng, ngừng thuốc thì mụn trứng cá sẽ hết, gương mặt và làn da lại trắng đẹp như xưa... Chỉ đến khi gặp bác sĩ chị mới tá hỏa biết mình đang sử dụng thuốc giảm đau chống viêm corticoid không hợp lý, dùng kéo dài liều cao và gặp tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc...
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - người trực tiếp khám ca bệnh này cho hay: Mặc dù bệnh nhân không nói cụ thể đã tiêm thuốc ở đâu, tên thuốc là gì, nhưng qua miêu tả cách tiêm trong 3 tuần liền, vừa tiêm vào cột sống và tiêm cạnh sống thắt lưng, cùng các thuốc uống, thì với kinh nghiệm lâm sàng với dấu hiệu kiểu hình của hội chứng Cushing, trứng cá, teo da... chúng tôi có thể chẩn đoán bệnh nhân đã được tiêm corticoid.
Tiêm corticoid vào khoang ngoài màng cứng kết hợp thủy châm sinh tố nhóm B cạnh sống thắt lưng là một trong những lựa chọn sau cùng trong phác đồ điều trị nội khoa cho những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có triệu chứng chèn ép rễ và những bệnh nhân mà các triệu chứng không cải thiện sau một vài tuần điều trị bằng các thuốc giảm đau không steroid phối hợp phương pháp vật lý trị liệu khác.
Mục đích chính của việc tiêm corticoid là chống viêm giảm đau chống dính vùng bao rễ thần kinh - nơi bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm; không phải điều trị dứt điểm bệnh. Tuy nhiên phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, phác đồ điều trị như liều thuốc cho mỗi lần tiêm; khoảng cách giữa các mũi tiêm và số lần được tiêm trong 1 đợt điều trị. Không được lạm dụng dùng liều cao kéo dài sẽ có hại cho bệnh nhân gây một số tác dụng phụ như loãng xương, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, hội chứng Cushing...
Phương pháp quan trọng để điều trị bệnh duy trì kết quả và hạn chế tái phát là kết hợp các chương trình tập luyện phục hồi chức năng và chế độ sinh hoạt lao động hợp lý.
Theo PGS.Ngọc, tác dụng phụ như trường hợp bệnh nhân Ng. gặp phải là một tác dụng phụ điển hình và thường gặp của việc lạm dụng corticoid. Để khắc phục hậu quả là một quá trình khá phức tạp.
Không bỏ được thuốc vì lệ thuộc
Khác với bệnh nhân Ng., bà H.T.Ch (76 tuổi, Hà Nội), có tiền sử bị viêm khớp dạng thấp từ hơn 30 năm trước. Bà đã điều trị nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc từ Tây y đến Đông y, nhưng kết quả là bệnh khớp dạng thấp ngày càng nặng. Cuối cùng, bà đã tìm được một loại thuốc giúp giảm sưng đau, nên bà luôn “trung thành” với nó, đó là corticoid.
Nhưng theo thời gian, bà phải dùng tăng liều corticoid thì mới hiệu quả. Mặc dù khi dùng thuốc suốt nhiều năm, bà Ng. luôn phải đối mặt với tác dụng không mong muốn: mệt mỏi, tăng đường huyết, viêm loét dạ dày, sạm da, teo cơ, tăng huyết áp... nhưng bà không bỏ được thuốc, vì “nếu không uống thuốc, tôi đau khớp không chịu được”. - bà Ng. chia sẻ.
Theo PGS.TS.Ngọc, một số loại thuốc corticoid thường được sử dụng trong viêm khớp dạng thấp là dexamethasone, methylprednisolone, prednisolone,... Những loại thuốc này có các dạng sử dụng như dạng uống, dạng tiêm, tùy vào từng trường hợp của bệnh nhân, mức độ bệnh và thời gian điều trị để bác sĩ kê thuốc, liều dùng và dạng thuốc phù hợp. Nhưng nguyên tắc điều trị là dùng liều tấn công, ngắn ngày, đến khi đạt hiệu quả, cần giảm liều dần, thay thế bằng thuốc chống viêm không steroid để tránh suy tuyến thượng thận cấp và phụ thuộc thuốc.
Nhưng, sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp chưa bao giờ là dễ dàng, do đó bệnh nhân thường có xu hướng lạm dụng thuốc và lệ thuộc thuốc. Khi lạm dụng, bệnh nhân hay gặp phải biến chứng nguy hiểm do quá liều corticoid như đã nêu trên.
Về vấn đề lệ thuộc corticoid, tùy vào thời gian sử dụng và tùy vào bệnh nhân. Có người bị lệ thuộc thuốc chỉ sau sử dụng 1-2 tuần (có thể do thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàm lượng corticoid rất cao nên người bệnh phụ thuộc vào thuốc sớm). Nhưng có người sau vài tháng đến nửa năm mới lệ thuộc thuốc.
Khi bị lệ thuộc thuốc, việc cai thuốc sẽ rất khó khăn. Nhất là bệnh nhân có bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Nếu ngưng thuốc sẽ làm bùng các cơn viêm khớp hoặc những triệu chứng phụ thuộc vào corticoid khiến bệnh nhân, mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ... PGS.Ngọc cảnh báo.
Vì vậy, bệnh nhân cần đi khám tại chuyên khoa nội tiết để làm các xét nghiệm, kiểm tra. Sau đó phải có lộ trình giảm dần liều corticoid như một cách tập cho tuyến thượng thận tự làm việc trở lại. Trong trường hợp không thể ngừng thuốc, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của bệnh nhân để hướng dẫn cách dùng thuốc với liều sinh lý suốt đời.