Trước đó, BV tiếp một bệnh nhân nam 20 tuổi trong tình trạng bất động ở tư thế nằm sấp, ăn uống và vệ sinh tại chỗ kèm đau lưng, đau khớp háng hai bên.
Bệnh nhân cho biết rơi vào tình trạng đau lưng, đau lan xuống hai mông, đi lại hạn chế cách đây năm năm. Bệnh nhân đã điều trị tại một BV địa phương với chẩn đoán đau thần kinh tọa/thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Kết quả chụp X-quang cho thấy khung chậu bệnh nhân bị tổn thương khi nhập viện. Ảnh: BV CUNG CẤP |
Do điều trị không liên tục nên tình trạng bệnh không cải thiện. Sau đó, bệnh nhân chuyển sang điều trị bằng thuốc Nam nhưng cũng không khá hơn.
Hai năm sau, bệnh nhân khám tại một BV khác với chẩn đoán viêm cột sống dính khớp nhưng không cải thiện nhiều sau điều trị nên ngưng. Bệnh nhân tìm đến thầy lang địa phương và được điều trị bằng phương pháp kéo giãn tứ chi và nằm bất động suốt sáu tháng. Tuy nhiên, do tình hình không cải thiện, bệnh nhân tìm đến BV Nhân dân 115.
Chẩn đoán bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp, BS quyết định điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Sau sáu tuần điều trị, bệnh nhân có thể đi lại dễ dàng.
Theo BS Tố Khanh, viêm cột sống dính khớp có các biểu hiện đau lưng, mệt mỏi, đau các khớp ngoại biên, có thể kèm rối loạn tiêu hóa. Bệnh này thường nhầm lẫn với đau lưng do vận động nặng, do sai tư thế hay đau thần kinh tọa.
“Nếu không phát hiện và điều trị sớm, viêm cột sống dính khớp sẽ gây nhiều biến chứng nặng nề. Bệnh có thể gây tàn phế, mất khả năng lao động khi bệnh nhân đang ở độ tuổi trẻ, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội” - BS Tố Khanh lưu ý.
“Riêng trường hợp nói trên, nếu bệnh nhân tiếp tục điều trị bằng cách kéo dãn tứ chi theo phương pháp của thầy lang sẽ dẫn đến tình trạng cứng khớp tay chân, không thể đi lại” - BS Tố Khanh cho biết.