Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều khẩu trang dùng một lần và thiết bị bảo hộ cá nhân (PEE) khác thải ra môi trường với số lượng lớn. Khối lượng PPE khổng lồ này gây nguy hiểm môi trường sống của động vật hoang dã trong tương lai gần và ô nhiễm nhựa, gây hại cho nguồn cung thực phẩm.
Trong các chiến dịch làm sạch bãi biển, người ta đã tìm thấy khẩu trang, găng tay cao su, chai nước khử trùng trải dài nhiều nơi trên bờ biển Pháp, Mỹ, Hong Kong. Số lượng PPE thu được vẫn chưa đến mức báo động, nhưng theo những bằng chứng chưa chính thức, đây vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Khối lượng PPE khổng lồ này gây nguy hiểm môi trường sống của động vật hoang dã trong tương lai gần và ô nhiễm nhựa, gây hại cho nguồn cung thực phẩm. - Ảnh: Fastcompany. |
Khủng hoảng trong khủng hoảng
Tình nguyện viên ở khắp nơi tại Mỹ của Surfrider - tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường biển - đã ghi lại các vật họ thường tìm thấy trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của Surfrider. Theo đó, trong danh mục “các vật phẩm liên quan đến Covid-19”, tình nguyện viên nhặt được 23 khăn khử trùng, 23 găng tay và 12 khẩu trang.
Tại Pháp, các thành viên của Opération Mer Propre (Chiến dịch biển sạch) thường xuyên lặn xuống ngoài khơi Địa trung hải nhặt rác, sau đó đăng tải hình ảnh những vật họ tìm thấy lên Facebook, trong đó có nhiều găng tay cao su và khẩu trang vẫn còn nguyên vẹn.
"Các vật phẩm PPE chỉ chiếm 5% tổng lượng chất thải được thu gom trong những lần lặn gần đây, nhưng con số có thể trở thành 80% nếu chúng ta không làm gì", Julie Hellec, phát ngôn viên chiến dịch cho hay.
Đây nhiều khả năng là vấn đề toàn cầu trong tương lai. Theo báo cáo tháng 6 của FEMA (Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ), tổ chức này đã gửi đi khắp nước Mỹ 149,2 triệu khẩu trang y tế, 14,3 triệu kính bảo hộ y tế và hơn 1 tỷ găng tay. Tháng 4 vừa rồi, Pháp cũng đã đặt mua từ Trung Quốc 2 tỷ khẩu trang.
Mức độ rác y tế trong các đại dương cảnh báo một cuộc khủng hoảng mới trong tương lai. - Ảnh: Operation Mer Propre. |
Cũng theo lời bà Julie Hellec, những mặt hàng đó có khả năng trở thành “thảm họa đối với sự đa dạng sinh học”. Sinh vật biển các loại có thể bị vướng vào khẩu trang. Đối với rùa biển, găng tay cao su chứa đầy nước nhìn giống như sứa, một trong những thức ăn của rùa biển. Khi rùa biển ăn phải găng tay, chúng có thể chết do ngạt thở, hoặc chết đói vì dạ dày chúng bị lấp đầy bởi găng tay.
OceansAsia, một nhóm vận động điều tra các tội ác về động vật hoang dã tìm thấy lượng lớn mặt nạ trên quần đảo Soko, Hong Kong vào tháng 2, trong khi virus còn đang lan rộng ở châu Á. Cá heo và cá heo chuột sống ở đây có nguy cơ nuốt phải các mặt nạ này.
Ocean Conservancy, một nhóm vận động môi trường phi lợi nhuận thực hiện cuộc dọn dẹp bờ biển quốc tế mỗi năm một lần vào tháng 9, có đến một triệu tình nguyện viên trên toàn thế giới tham gia. Năm nay, các tình nguyện viên có thể sẽ phải cập nhật thêm các loại vật phẩm mới liên quan tới Covid-19 vào cơ sở dữ liệu trực tuyến Clean Swell của nhóm.
Con người cũng chịu ảnh hưởng
Nick Mallos, Giám đốc cấp cao của Trash Free Seas Program cũng lo ngại sự tích tụ chất thải nhựa trong đợt dịch này có thể dẫn đến tăng lượng nước đọng và tạo ra các bệnh hoàn toàn mới.
Rachael Coccia, quản lý vấn đề ô nhiễm nhựa của Surfrider cho biết hầu hết mặt nạ sử dụng một lần có chứa nhựa nhiệt dẻo polypropylene. Thậm chí, các vật phẩm PPE bằng cotton cũng có chứa sợi nhựa tổng hợp polyester.
Hầu hết găng tay được cấu tạo từ nitrile chứ nhựa. Những chất này tồn tại trong các đại dương nhiều năm rồi phân hủy thành vi hạt. Cá và sinh vật phù du ăn phải chúng và cuối cùng trở thành thức ăn của con người.
Có nhiều cách để sử dụng những chiếc khẩu trang y tế này bền vững hơn, thay vì vứt xuống biển. - Ảnh: Naomi Brannan. |
Có nhiều cách để sử dụng những vật phẩm này bền vững hơn. Theo bà Coccia, người dân nên sử dụng mặt nạ có thể tái sử dụng được. Chính phủ chịu trách nhiệm đưa ra thông điệp tốt hơn để mọi người biết cách khử trùng mặt nạ tái sử dụng đúng cách và sử dụng loại chúng thường xuyên.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cần thiết lập quy định khuyến khích sử dụng vật dụng tái sử dụng, cũng như không nên dùng khẩu trang, găng tay một lần.
"Cuộc khủng hoảng mà Covid-19 gây ra đã phơi bày cuộc khủng hoảng khác: Sự yếu kém trong quản lý chất thải toàn cầu. Ngay cả khi các vật phẩm được xử lý đúng, chúng vẫn có thể trở về đại dương do sự sai sót trong quản lý", ông Mallos cho biết.