Khi hát karaoke hoặc nghe lại một bản thu âm, có bao giờ bạn thấy giọng hát của mình bị “dìm hàng” đi khá nhiều? Nó rất khác so với những âm thanh nghe được khi bạn hát một mình.
Tin tốt, bạn không hề gặp vấn đề gì với thính giác. “Đó là một hiện tượng khá phổ biến và xảy ra ở nhiều người”, Aaron Johnson, một phó giáo sư đến từ Đại học Illinois, Hoa Kỳ cho biết. Khoa học dĩ nhiên có câu trả lời cho hiện tượng này. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.
Rất nhiều người cảm thấy giọng mình bị "dìm hàng"
Giọng hát đến từ đâu?
Trước hết, bạn phải biết cách chúng ta tạo ra giọng hát của mình. Nó đến từ một bộ phận của đường hô hấp trên, gọi là thanh quản. Thanh quản sẽ có dây thanh, thực chất là những mô hình nếp gấp. Khi có một luồng không khí đi qua, dây thanh sẽ rung động.
Những rung động này tạo ra âm thanh ở ngay sau cổ họng bạn. Dây thanh đóng mở, biến đổi dày mỏng, căng chùng. Cùng với đó là cấu hình đường ra của âm thanh bao gồm vòm họng, nơi đặt lưỡi, cử động môi... sẽ tạo ra nhiều âm thanh khác nhau.
Vị trí của âm thanh được phát ra
Bạn tự nghe mình hát như thế nào?
Điểm mấu chốt nằm ở đây. Khi đã tạo ra được âm thanh, nó khởi điểm ở phía sau vòm họng và bạn nghe thấy nó như thế nào?
Bạn sẽ nghĩ âm thanh đi ra từ miệng và mũi. Sau đó nó đến tai của bạn. Không đơn thuần là vậy. Sóng âm còn được dẫn qua cả các mô và xương trong hộp sọ. Kết quả là bạn có thể nghe thấy một điều rất kỳ lạ ở đây: âm thanh có thể phát ra từ chính tai của bạn.
“Khi bạn kích hoạt dây thanh âm, nó cũng gây rung xương sọ và âm thanh đó, bạn có thể cảm nhận được”, Rachel Feltman, một tác giả khoa học giải thích trên tờ The Washington Post. “Những âm thanh truyền qua xương và mô bị giảm tần số. Về cơ bản, bạn như có thêm những âm trầm”. Kết quả là tiếng hát mà bạn tự nghe được trong đầu, nó có phần êm ái và dễ chịu hơn.
Thế còn âm thanh trên loa karaoke?
Micro không thể thu được âm thanh truyền qua xương và các mô trong sọ
Lẽ dĩ nhiên, một chiếc micro không thể thu được những rung động của xương sọ và các mô bên trong đầu. Nó chỉ chuyển được những âm thanh phát ra từ miệng bạn thành tín hiệu điện. Những tín hiệu này được tái tạo và khuyếch đại lại để phát ra loa karaoke. Kết quả là những âm trầm không xuất hiện, bạn sẽ nghe thấy giọng hát của mình đôi khi là thanh hơn và thậm chí như người ngoài hành tinh.
Rất may, đa số những thiết bị hát karaoke đều cho phép chúng ta can thiệp tự động vào giọng hát của mình. Bạn có thể thêm âm trầm vào giọng hát hay làm nó êm dịu hơn với nhiều hiệu ứng lặp và vang nhẹ.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn biết cách mà người khác thực sự nghe giọng hát của mình, hãy tới một phòng thu chuyên nghiệp. Nhiều người đã phải nhăn mặt khi nghe thấy giọng hát của mình. Đôi khi, họ cảm thấy ghét nó và không còn dám tự tin hát như trước nữa. Ngay cả những ca sĩ cũng đã từng trải qua cảm giác này.
Cách giải quyết
Nếu cảm thấy ghét giọng hát của mình theo cách này, bạn nên biết nó chỉ là một hiệu ứng tâm lý. Đa số chúng ta cảm thấy bối rối khi nhìn thấy những “phiên bản thực” của mình. Đó là bởi chúng ta đã quá quen với những “phản chiếu”.
Hàng ngày, bạn đều soi gương và quen với cơ thể của mình theo hình ảnh trong đó. Nhưng nếu đột nhiên xuất hiện trên một bức ảnh hay video, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh có vẻ hơi khác. Có thể bạn sẽ bối rối, có thể là một bức ảnh khiến bạn muốn xóa nó ngay lập tức. Đó là bởi hình ảnh phản chiếu trong gương và trên ảnh là khác nhau, không ai có một thân hình đối xứng hoàn toàn.
Điều tương tự xảy ra với cách chúng ta nghe giọng hát của chính mình. Mặc dù vậy, nó không gây khó chịu cho những người xung quanh, bởi họ cũng đã quen nghe giọng thực của bạn. Vấn đề là bạn phải học cách quen với giọng thực của chính mình.
Ngay cả các ca sĩ cũng phải thường xuyên nghe giọng hát thực của mình để cảm thấy bớt lạ lẫm và tự tin hơn.
“Nếu bạn lắng nghe thật nhiều giọng thực của mình, bạn có thể chấp nhận nó”, Johnson nói. Anh đề nghị một cách luyện tập đơn giản. Khi nói, hãy đặt hai tay của bạn phía trước tai. Nó sẽ tạo thành một bức tường chắn giữa tai và miệng. Bằng cách này, tuy không thể loại bỏ âm thanh truyền trong đầu bạn, nó sẽ giúp ghi đè những âm thanh phát ra từ miệng vang trong phòng. Bạn sẽ thấy giọng của mình thật hơn.
Về phía các ca sĩ, họ cũng phải thường xuyên nghe giọng hát thực của mình để cảm thấy bớt lạ lẫm và tự tin hơn. Vừa hát vừa nghe lại âm thanh qua tai nghe là cách họ sử dụng để ghi đè giọng hát thực lên trên “giọng phản chiếu” của mình. Bạn cũng có thể thực hành điều này nếu có một tai nghe kèm micro.
Kết luận
Nói tóm lại, cách mà bạn nghe chính mình hát với giọng hát thực của bạn là khác nhau. Điều này đến từ cơ chế truyền âm thanh. Bạn nghe thấy chính mình với cả âm trầm truyền qua xương và mô trong hộp sọ. Giọng hát thực của bạn chỉ gồm âm thanh truyền qua không khí, đi ra từ miệng và mũi.
Tuy nhiên, nếu cảm thấy ghét giọng của mình khi hát karaoke, thu âm hay trong video, đó chỉ là một hiệu ứng tâm lý. Bạn phải học cách quen dần với nó, tương tự như cách các ca sĩ phải làm để bớt lạ lẫm và tự tin hơn trên sân khấu.
Theo Trí thức trẻ