Doanh thu cao chưa từng có
CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) đã có một kỳ hoạt động thành công chưa từng có (kể từ khi công bố công khai báo cáo tài chính). Trong quý 2/2021, HHV ghi nhận mức tăng cao kỷ lục về cả doanh thu. Trong khi đó, lợi nhuận suýt đạt “đỉnh”.
Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2021 của HHV lên tới 428 tỷ đồng, tăng 183 tỷ đồng, tương đương 74,7% so với quý 2/2020; luỹ kế 6 tháng đầu năm tăng 244 tỷ đồng, tương đương 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu bứt phá nhưng chi phí tài chính chỉ nhích nhẹ, từ 115 tỷ đồng lên 146 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm sâu từ 30,4 tỷ đồng xuống chỉ còn 26 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận HHV bứt phá mạnh.
Lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 của HHV đạt 78,5 tỷ đồng, tăng 31,7 tỷ đồng, tương đương 67,7% so với quý 2/2020; luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 138 tỷ đồng, tăng 117,7 tỷ đồng, tương đương 425% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, trong quý 2/2021, HHV đã đạt mức cao chưa từng có về doanh thu (kể từ khi HHV công bố công khai báo cáo tài chính của mình). Trước đó, trong quý 1/2021, quý 4/2020, quý 3/2020, quý 2/2020, quý 1/2020 và quý 4/2019 lần lượt đạt 365 tỷ đồng, 326 tỷ đồng, 296 tỷ đồng, 245 tỷ đồng, 305 tỷ đồng và 317 tỷ đồng.
Còn về lợi nhuận, nếu không tính quý 4/2020 (thời điểm báo cáo tài chính của HHV có điểm ‘lạ’” thì HHV đã đạt “đỉnh” lợi nhuận trong quý 2/2021 với 78,5 tỷ đồng. Trước đó, từ quý 1/2021 đến quý 2/2020, HHV lãi lần lượt 59,3 tỷ đồng, 117 tỷ đồng, 39,1 tỷ đồng, 46,7 tỷ đồng.
Quý 1/2020 và quý 4/2019, HHV thua lỗ 26,2 tỷ đồng và 84,8 tỷ đồng.
Nói báo cáo tài chính quý 4/2020 của HHV có điểm “lạ” là vì trong kỳ doanh thu tăng rất nhẹ, từ 317 tỷ đồng lên 326 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt tới 117 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước thua lỗ đậm. Nguyên nhân chính là chi phí lãi vay bất ngờ giảm sâu, gần 50%, từ 241 tỷ đồng xuống 123 tỷ đồng. Khó hiểu ở chỗ lãi vay giảm sâu dù nợ tăng nhẹ, tổng nợ vay tăng từ 20.304 tỷ đồng lên 21.085 tỷ đồng.
Tăng phí kịch khung với xe qua hầm Hải Vân
Quý 2/2021, HHV ghi mức cao chưa từng có về doanh thu và suýt lập kỷ lục về lợi nhuận trong bối cảnh Đèo Cả từng khiến dư luận xôn xao vì tăng phí kịch khung với xe qua hầm Hải Vân.
Cụ thể, từ cuối tháng 4, chủ đề “tăng phí kịch khung với xe qua hầm Hải Vân” được bàn tán xôn xao trên truyền thông và mạng xã hội. Đa số các ý kiến đưa ra đều phản đối, cho rằng quyết định này không phù hợp vì doanh nghiệp và người dân phải đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thế nhưng, bất chấp mọi phản đối, từ ngày 1/5/2021, Tập đoàn Đèo Cả bắt đầu tăng mức phí dịch vụ mới đối với các phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông qua hầm Hải Vân. Để tiết kiệm, nhiều chủ phương tiện đã chọn đi đường đèo thay vì đi hầm, dù xa và mất thời gian hơn.
Nhà đầu tư giải thích đang gặp khó khăn về tài chính do nhà nước chưa thanh toán đủ tiền theo ký kết. Tuy nhiên, quyết định này được đánh giá là đẩy gánh nặng sang người dân.
"Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đột ngột tăng phí qua hầm Hải Vân lễ 1/5 như 'cú đá bồi' khiến người dân, doanh nghiệp chưa kịp gượng dậy sau dịch Covid-19 phải đối mặt thêm khó khăn", ông Trần Văn An, giám đốc một công ty vận tải ở Đà Nẵng nói với Zing News.
Chia sẻ với Vietnamplus, ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng đề nghị: “Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để gánh nặng không đè lên vai các doanh nghiệp vận tải vì nếu doanh nghiệp chịu gánh nặng này buộc phải tăng giá vận tải, chi phí xã hội sẽ tăng lên”.
Tăng phí kịch khung Hầm Hải Vân, Tập đoàn Đèo Cả đạt lợi nhuận rất cao |
Bộ, ban ngành liên tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Trả lời báo chí, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết việc điều chỉnh này tuân thủ Hợp đồng dự án đã ký kết khi nhà đầu tư đã hoàn thành công trình hầm Hải Vân 2 và đơn nguyên tuyến đường dẫn, nguồn thu được sử dụng để quản lý, vận hành, bảo trì công trình và hoàn vốn do nhà đầu tư đã huy động để thực hiện dự án.
Trong khi đó, các Bộ, ban ngành khác liên tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.
Từ năm 2020, không lâu sau khi Covid-19 xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, để từ đó giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, ngành ngân hàng còn giãn nợ, chưa cơ cấu lại nợ.
Ngành thuế cũng thực hiện giãn thuế cho doanh nghiệp, người lao động. Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021. Cơ quan này đã có nhiều hành động thiết thực như đề nghị giảm phí lưu container, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu,… Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện hỗ trợ tiền điện,…
Từ ngày 12/8, xe tải các loại, xe container qua lại trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được giảm 30% mức phí trong một tháng.
Ngày 11/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thống nhất giảm 30% mức phí cho ôtô loại 2, 3, 4 và 5 (ôtô 12 chỗ trở lên hoặc xe tải từ 2 tấn trở lên) đi trên tuyến này, thời gian từ 12/8 đến 12/9.
Sau khi giảm, mức phí cao nhất đi cả chặng Hà Nội - Hải Phòng với xe container 40ft giảm từ 720.000 xuống còn 510.000 đồng/lượt.
Hết thời gian trên, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xem xét gia hạn giảm phí.