Hiệu trưởng Chính trị tỉnh Kon Tum Đặng Luận cho biết, thông qua hội thảo, các ý kiến, đóng góp và tham luận sẽ phân tích, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và đưa ra những đề xuất về định hướng, chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng ở cơ sở ở Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Từ đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị về vận động quần chúng.
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, công tác vận động đồng bào ở cơ sở ở vùng này là hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận và có 46 tham luận của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý được trình bày. Các ý kiến tập trung vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới; đổi mới công tác vận động quần chúng trong các cơ quan nhà nước và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo.
Cùng với đó là ý kiến về củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới vững mạnh; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo; phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tiến sỹ Mai Thị Hồng Liên (Học viện Chính trị khu vực III) đề xuất, để phát huy tốt công tác vận động người dân ở Tây Nguyên trong tình hình mới cần phải hoàn thiện và hiện thực hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác vận động nhân dân ở cơ sở, xem đây là công việc quan trọng, thường xuyên, liên tục.
Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum nêu quan điểm để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần xem xét, giải quyết kịp thời các nhu cầu, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hướng dẫn các tổ chức thực hiện hoạt động tôn giáo, lễ truyền thống, lễ trọng theo đúng quy định của pháp luật và Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội. Đồng thời củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đặc biệt ở những nơi trọng yếu, nơi có tình hình tín ngưỡng, tôn giáo phức tạp, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm địa bàn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, tín đồ.
Các ý kiến đóng góp đã nhìn nhận, đánh giá, luận giải khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác vận động quần chúng ở cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên; làm rõ và đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực, có tính thực tiễn cao. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức tổng hợp, chắt lọc để đề xuất, kiến nghị với cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng về những giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình mới./.