Không chỉ đánh giá cao ý nghĩa, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, một số ý kiến tại Diễn đàn bày tỏ kỳ vọng về các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm phục hồi và phát triển đất nước bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Quang cảnh Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 (chiều 5/12). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Sự quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 thể hiện sự quyết tâm chính trị, đồng hành thống nhất giữa Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, chính quyền các địa phương trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn quan trọng của những năm tiếp theo, sau đại dịch COVID-19.
Từ Diễn đàn, có thể nhìn lại quá trình bị tác động, ảnh hưởng của các đoạn đứt gãy nền kinh tế do đại dịch COVID-19, chỉ ra những giải pháp quan trọng để phục hồi nền kinh tế, trong đó có đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân, quan trọng nhất, thiết kế hồi phục và phát triển thị trường lao động - một trong ba yếu tố quan trọng của nền kinh tế đất nước trong những năm tiếp theo.
Đây là diễn đàn để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
"Tất cả những bài phát biểu, ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 thể hiện sự quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước để phục hồi và phát triển lại nền kinh tế sau đại dịch COVID-19; đồng thời thể hiện sự quyết tâm chính trị về đoàn kết, thống nhất, cùng xây dựng thể chế, chính sách đi vào cuộc sống, giải tỏa được những vấn đề vướng mắc cuộc sống. Đây là một trong những diễn đàn vô cùng ý nghĩa, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng để chúng ta tiếp tục khôi phục và phát triển nền kinh tế của đất nước", ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Tăng cường các giải pháp để giữ vững ổn định vĩ mô
Đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam mong muốn sớm có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19. Diễn đàn không chỉ bàn về các giải pháp phục hồi trong bối cảnh khó khăn chưa từng thấy mà còn tiếp cận theo hướng phát triển bền vững. "Đây là tầm nhìn tương đối tốt, đồng nhịp với Chính phủ. Cách đặt vấn đề thể hiện sự tự tin rằng nền kinh tế của đất nước sẽ chớp được thời cơ và đứng dậy", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên nhận định.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng, cách tiếp cận phải rất mạnh, rất cơ bản bởi quá trình khủng hoảng cho thấy những yếu kém về cơ cấu nên cách tiếp cận phải mạnh để giải quyết cả những vấn đề cơ cấu mới đứng vững và phát triển bền vững. "Tại Diễn đàn, các nhà làm chính sách, các chuyên gia hàng đầu, các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần nói thẳng, nói thật, là cơ hội để chúng ta có được những ý kiến tốt Quốc hội đóng góp, chia sẻ với Quốc hội", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên nói.
Mong muốn trong thời gian tới sẽ có một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế tốt, tự tin và hiệu quả nhất, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng, hiện nay, chúng ta chưa làm rõ luận điểm ảnh hưởng đến lạm phát, tỷ giá như thế nào khi các doanh nghiệp được "bơm nguồn lực trực tiếp" trong điều kiện lạm phát CPI rất thấp, giá đầu vào tăng lên; chưa làm rõ được các gói nhu cầu cụ thể, y tế cần bao nhiêu trong khi dịch dã đang phức tạp; trong khi đó, nguồn lực này không chỉ tài trợ cho phục hồi mà còn phát triển bền vững.
Đặc biệt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên nhấn mạnh, việc xác định các gói thay đổi cấu trúc phát triển như đầu tư cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo... đã đủ mạnh hay chưa cũng chưa được làm rõ tại Diễn đàn. Trong khi đó, các chuyên gia tập trung đưa ra những cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng chưa thấy việc tạo nguồn lực cho các tập đoàn lớn phát triển - nơi được xem là làm cho nền kinh tế mạnh hơn.
"Tôi cho rằng, đây là lúc nên tập trung nhiều hơn cho các tập đoàn lớn để tạo ra thực lực mới, cấu trúc mới cho nền kinh tế đất nước. Hiện nay trong các gói đề xuất, phần dành cho "tọa độ lớn" chưa rõ. Điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh đang suy giảm kinh tế rất mạnh nhưng còn nhiều vướng mắc chưa trỗi dậy được”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên nói; đồng thời đề xuất nên bàn sâu hơn về vấn đề này, nếu chỉ bàn theo hướng "hà hơi, thổi ngạt", "tiếp sức cầm hơi" là chưa đủ.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần tăng cường các giải pháp để giữ vững ổn định vĩ mô hoặc vấn đề cơ cấu phải tính đến cấu trúc thể chế vực các doanh nghiệp Việt Nam dậy, vực khu vực nội địa dậy; thay đổi các tiếp cận công nghiệp...