Ngày nay, hầu hết những con tê giác trắng trên thế giới đều có nguồn gốc từ Công viên Hluhluwe Imfolozi ở KwaZulu-Nata, Nam Phi.
Vào cuối thế kỷ 19, tê giác trắng phía nam đứng trước bờ vực tuyệt chủng do nạn săn bắn bừa bãi. Tuy nhiên đến năm 2011, số lượng của loài từ chưa tới 50 cá thể lên hơn 17.000, nhờ công tác bảo tồn của Công viên Hluhluwe Imfolozi.
"Nguồn gen của tất cả tê giác trắng phía nam trên toàn thế giới đều đến từ công viên này", ông Richard Penn Sawers - quản lý Công viên, cho biết. "Đây là một loài có tầm quan trọng rất lớn trong hoạt động bảo tồn động vật hoang dã".
Tuy nhiên, nạn săn trộm để lấy sừng mới chỉ nổi lên trong một thập kỷ qua đang đe dọa nỗ lực của các nhà bảo tồn.
Được làm hoàn toàn bằng keratin, một loại protein có trong tóc, móng tay và móng guốc động vật, sừng tê giác từ lâu đã được coi như một dược liệu quý hiếm của thuốc gia truyền phương Đông
"Đáng giá như vàng"
"Sừng tê giác có giá trị lớn, thậm chí nó đắt ngang ngửa vàng", ông Sawers nói. "Nhu cầu thu mua bộ phận này là rất lớn và hiện tại chính điều này đang đe dọa tới dân số loài tê giác trắng".
Công viên Hluhluwe Imfolozi, vốn rộng 96.000 ha và là khu bảo tồn động vật hoang dã lâu đời nhất ở châu Phi, đã phải chiến đấu để bảo vệ loài tê giác trắng thêm một lần nữa.
Các kiểm lâm viên tại đây đang phải đối phó với làn sóng thợ săn được trang bị súng hiện đại, so với giáo mác như trước đây.
"Các tập đoàn quốc tế bước vào khiến cuộc chơi hoàn toàn thay đổi. Nạn săn trộm đã lây lan xuống phía nam sau khi tê giác phía bắc hoàn toàn bị xóa sổ", ông Sawers nói.
Hoạt động mua bán, trao đổi sừng tê giác từ lâu đã bị cấm, nhưng những kẻ săn trộm có thể kiếm được một số tiền rất lớn từ việc bán nó trên thị trường chợ đen.
Để đối phó với các băng đảng tội phạm có tổ chức, Công viên Hluhluwe Imfolozi đã áp dụng các công nghệ hiện đại để trở thành "công viên thông minh" đầu tiên của châu Phi.
Công nghệ giám sát tích hợp, bao gồm hàng rào thông minh, đã được cài đặt trong khuôn viên của khu bảo tồn, cùng với bẫy camera để cảnh báo những kẻ lạ xâm nhập.
Phản ứng nhanh
"Chúng tôi coi đây là một cuộc chiến", ông Sawers giải thích. "Vì vậy, trong bất kỳ tình huống nào, phản ứng và phát hiện nhanh là vấn đề tối quan trọng".
Công viên tại Nam Phi thậm chí còn có một cơ sở thu thập thông tin tình báo, chuyên giám sát các hình ảnh thu được từ camera.
"Các bẫy camera đều được kết nối internet và chúng gửi ảnh trực tiếp về trung tâm chỉ huy", ông Sawers giải thích. "Vì vậy, chúng tôi biết chính xác máy ảnh ở đâu để đưa ra phản ứng kịp thời".
Nhằm tiếp cận nhanh hiện trường, các kiểm lâm viên có thể điều động trực thăng bay chỉ trong vòng 8 phút.
"Nếu không có công nghệ, hoạt động tìm kiếm có thể kéo dài tới 2 giờ, đến lúc đó thì đã quá muộn", ông Sawers nói.
"Việc bảo tồn tê giác trắng phía nam là rất quan trọng", ông nói thêm. "Chúng tôi không thể cho phép chúng biến mất. Thật quá khủng khiếp khi chứng kiến viễn cảnh đó".