"Chúng tôi rất đau buồn khi phải thông báo tin tức bi thảm rằng Tam - chú tê giác Sumatran cuối cùng của Malaysia, đã qua đời do bị suy nội tạng", tổ chức Liên minh Tê giác Borneo (BORA) thông báo hôm thứ Hai.
Tê giác Sumatra là loài tê giác nhỏ nhất thế giới, có chiều dài khoảng 1.2m khi trưởng thành. Chúng là loài tê giác châu Á duy nhất có hai sừng, và được bao phủ bởi lông.
Những giờ phát cuối cùng của Tam. Ảnh: CNN |
Loài tê giác này thường được tìm thấy ở Indonesia, bang Sabah của Malaysia (một phần của đảo Borneo) và bán đảo Malaysia; một số cá thể cũng được cho là sống ở miền nam Thái Lan, theo Tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).
Hiện chưa rõ chính xác còn lại bao nhiêu con tê giác Sumatra sống ngoài tự nhiên, nhưng các chuyên gia tại Tổ chức Tê giác Quốc tế tin rằng còn chưa đến 80 con.
BORA mô tả tê giác là "tuyệt chủng về mặt chức năng", nghĩa là một số ít cá thể còn lại không đủ để giúp hồi phục số lượng cả loài.
Cái chết của Tam có nghĩa là chỉ còn một con tê giác Sumatra - con cái có tên gọi Iman, còn lại ở Malaysia.
Tổ chức WWF cho biết tê giác Sumatra đang bị đe dọa nghiêm trọng do hậu quả của nạn săn trộm và mất môi trường sống.
Chú tê giác Tam đã được bắt giữ và đưa đến sống trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Tabin của bang Sabah. Các nhà chức trách Malaysia hy vọng việc nuôi nhốt Tam sẽ giúp 2 cá thể tê giác cái khác mang thai, tuy nhiên sau đó người ta phát hiện những con cái đều vô sinh.
"Tôi nhớ rất rõ khi Tam bị bắt và mọi người hy vọng rằng nó có thể là thành viên sáng lập của một chương trình nhân giống nuôi nhốt ở Malaysia, Mỹ và Indonesia", bà Susie Ellis, giám đốc điều hành của Tổ chức Tê giác Quốc tế, cho biết trong một tuyên bố.
"Đáng buồn thay, những hy vọng đó đã liên tục bị phá vỡ trong một thập kỷ tới bởi một loạt các sự cố đáng tiếc", bà Ellis nói.
Những nỗ lực để cứu tê giác Sumatra ở Malaysia đã tập trung vào công nghệ sinh sản, bao gồm cả thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng cho đến nay đã không thành công.
Tê giác đang bị đe dọa trên toàn cầu, trong đó loài tê giác đen Tây Phi đã bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2013. Con đực cuối cùng của loài tê giác trắng Bắc Phi đã chết vào năm ngoái, đẩy loài này đến bờ vực tuyệt chủng.