Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (2020-2025) của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã kết thúc thành công tốt đẹp, nhưng phía trước còn rất nhiều cơ hội và thách thức đối với lớp kế cận khi nhiệm kỳ V (2015-2020) đã đánh dấu những bước phát triển quan trọng của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trong quá trình đưa các hoạt động UNESCO phi chính phủ trở nên chuyên sâu hơn, gắn với đời sống xã hội hơn, đáp ứng tình hình phát triển của phong trào trong nước và phù hợp với bối cảnh quốc tế.
_____________
Nhìn lại 5 năm đã qua, hướng tới nhiệm kỳ mới, khách mời cũng như nhiều hội viên của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã có những ý kiến, đóng góp thiết thực cho giai đoạn Mới.
Ông Lê Hoài Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam:
Thành công của Liên hiệp góp phần đưa ý tưởng, mục tiêu và hình ảnh của UNESCO lan tỏa cộng đồng
Chúng tôi vui mừng chứng kiến những thành tựu nổi bật mà Liên hiệp đã đạt được, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao dân trí, tăng cường tình hữu nghĩ giữa nhân dân các nước cũng như vào công tác Ngoại giao văn hóa của Đảng và Nhà nước.
Kể từ khi thành lập vào năm 1993 với 150 thành viên sáng lập, hiện nay Liên hiệp đã xây dựng được mạng lưới 115 đơn vị thành viên rộng lớn khắp cả nước, với hơn 12.000 hội viên chính thức. Mạng lưới này đã giúp Liên hiệp phát huy được tiềm năng sáng tạo của tất cả các hội viên trong việc triển khai các hoạt động có ý nghĩa thiết thực cho xã hội trên cơ sở những ý tưởng của UNESCO, thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng của cộng đồng và người dân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục và thông tin truyền thông của đất nước.
Bên cạnh đó, Liên hiệp ngày càng nâng cao sự hiện diện và uy tín trong khu vực và trên thế giới thông qua việc đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và đảm nhiệm thành công một số vị trí quốc tế quan trọng như Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO châu Á-Thái Bình Dương (nhiệm kỳ 1999-2004); Phó Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Thế giới (nhiệm kỳ 2003-2007); Tổng Thư ký Liên hiệp UNESCO Thế giới (nhiệm kỳ 2010-2015) và Ủy viên mặc nhiên của BCH Liên hiệp UNESCO Thế giới (từ 2015-nay).
Thành công của Liên hiệp đã góp phần đưa ý tưởng, mục tiêu và hình ảnh của UNESCO lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về những vấn đề thách thức toàn cầu hiện nay và vai trò của tổ chức đa phương, trong đó có UNESCO, trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và UBQG UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam nhằm thúc đẩy các hoạt động liên quan đến UNESCO tại Việt Nam, phát huy vai trò “cánh tay nối dài trong công tác liên quan đến UNESCO” của Liên hiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam và trên thế giới, góp phần thực hiện các mục tiêu chung của UNESCO cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Phan Huy Phú, Phó Chủ tịch khóa V Liên hiệp các Hội UNESCO:
5 năm tới, công tác bồi dưỡng nhân sự trẻ của Liên hiệp cần được chú trọng
Tôi rất vui mừng khi đại hội diễn ra suôn sẻ, đạt được sự đồng thuận cao trong đoàn đại biểu, cũng như tổng kết được những thành công trong suốt nhiệm kỳ V vừa qua. Trong 5 năm qua, Liên hiệp đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Đáng trân trọng hơn, tại Đại hội lần này Liên hiệp một lần nữa, tức là lần thứ tư, vinh dự đón nhận Huân chương Lao động và là Huân chương Lao động hạng Nhất do Đảng và Nhà nước trao tặng cho thành tích và công lao của toàn thể hội viên Liên hiệp đã đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Những thành tích nổi bật mà Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam gặt hái được trong nhiệm kỳ V vừa là niềm tự hào, vừa là thách thức cần phải được vượt qua trong nhiệm kỳ tới, đặc biệt là thế hệ kế cận của những người làm công tác UNESCO. Hiện nay, vẫn còn nhiều người trẻ chưa quan tâm, chưa có cơ hội được tiếp xúc với các công việc liên quan tới hoạt động và phong trào của UNESCO tại Việt Nam. Phần lớn những người làm công tác UNESCO hiện tại đều là những người lớn tuổi, dù đều là lớp người có kinh nghiệm, nhưng lại bị hạn chế về sức khỏe. Do đó công tác bồi dưỡng nhân sự trẻ của Liên hiệp cần phải được chú trọng trong nhiệm kỳ tới.
Tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ VI của Đại hội, Ban Chấp hành Đại hội sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những thành tích nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua và tiếp tục gắn bó với công tác đối ngoại nhân dân và ngoại giao văn hóa của Đảng và Nhà nước.
Ông Phạm Hoàng Thịnh, Ủy viên BCH Liên hiệp nhiệm kỳ V, Trưởng Văn phòng đại diện Liên hiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh:
Các đơn vị trực thuộc phải nỗ lực mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới
Hoạt động của VPĐD Liên hiệp tại TP.HCM trong nhiệm kỳ 2015-2020 nằm trong bối cảnh hoạt động chung của Liên hiệp cũng như tình hình chung của đất nước và chịu tác động bởi tình hình kinh tấ xã hội chung của thế giới.
Được sự chỉ đạo và hướng dẫn sát sao của Liên hiệp, trong nhiệm kỳ qua VPĐD tại TP HCM đã nỗ lực thực hiện được nhiều công tác. VPĐD luôn tập trung phấn đấu thực hiện nhiệm vụ là cánh tay nối dài cho Liên hiệp, giúp Liên hiệp trong việc quản lý hoạt động và triển khai các dự án liên quan đối với các đơn vị tại TP HCM. Bên cạnh đó, VPĐD đóng vai trò là cầu nối, là trung tâm gắn kết các đơn vị tại TP HCM và các tỉnh phía nam, nhằm khích lệ các đơn vị, các cá nhân nâng cao khả năng lao động, sáng tạo, đóng góp cụ thể vào hoạt động chung của Liên hiệp, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước.
Trong nhiệm kỳ tới, VPĐD đã đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể, VPĐD sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ được Liên hiệp giao cho. VPĐD cũng sẽ tiếp tục củng cố/ nâng cao chất lượng của tổ chức đơn vị, tăng cường việc nâng cao số lượng và chất lượng hội viên. VPĐD xác định phải nỗ lực mọi mặt để không chỉ thực hiện tốt những chỉ đạo và hướng dẫn của BCH Liên hiệp mà con phải tự nâng cao khả năng tổ chức, khả năng tập hợp và chia sẻ… để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn mới. Đây cũng là điều mà tất cả các tổ chức, đơn vị trực thuộc Liên hiệp đều phải nỗ lực, cố gắng thực hiện, góp phần vào thành tựu chung của Liên hiệp.
Bên cạnh đó, VPĐD cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, ban/ngành hữu quan để có được một nơi làm việc ổn định cho cơ quan đại diện Liên hiệp tại TP HCM. Điều đó sẽ tạo điều kiện tốt cho hoạt động của mạng lưới các đơn vị tại phía nam được phát triển thuận lợi và bền vững.
Bà Đỗ Thị Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm UNESCO Bồi dưỡng Kỹ năng sống và Ứng dụng Thiền Vipassana (UCENLEST), Giám đốc Trung tâm UNESCO Giáo dục và toàn diện vì sự phát triển bền vững:
Sự quan tâm của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là một thuận lợi lớn giúp các đơn vị thành viên phát triển
Trong 5 năm qua, từ nhận thức và trải nghiệm hiệu quả với phương pháp Vipassana, các thành viên Ban Giám đốc UCENLEST cùng hội viên, cộng tác viên, tình nguyện viên của trung tâm đã nỗ lực góp sức người, sức của để xây dựng 2 cơ sở vật chất tại Sóc Sơn, Hà Nội và Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, để tổ chức các khóa giảng dạy và thực hành Vipassana.
Trung tâm đã tổ chức được hơn 150 khóa học nội trú 10 ngày với sự tham gia của hàng chục ngàn lượt công dân Việt Nam và bạn bè quốc tế công tác và học tập tại Việt Nam. Đối tượng tham dự khóa học đa dạng và phong phú về độ tuổi, thành phần nghề nghiệp như những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên…. Và đặc biệt các học viên đến từ nhiều tôn giáo khác nhau cũng như không theo tôn giáo. Những năm qua, các khóa học Vipassana tại các cơ sở của UCENLIST đã trở thành điểm hẹn học tập, tu dưỡng cho nhiều người là đồng nghiệp, bạn hữu và cho nhiều gia đình với sự quan tâm của nhiều thế hệ khi họ chân thành mong muốn cùng nhau vượt qua mặt trái của đời sống hiện tại.
Sở dĩ Trung tâm có được các hoạt động thành công trong thời gian qua, là do sự hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả về pháp lý của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, sự tận tụy vô vị lợi của nhiều vị thiền sư đến từ các nước trên thế giới, sự cống hiến hết mình của đông đảo các anh chị em học viên trong cả nước cũng như đội ngũ BGĐ trung tâm. Đặc biệt, sự quan tâm của ban lãnh đạo Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là một thuận lợi lớn để chúng tôi cũng như các đơn vị thành viên phát triển.
Trong thời gian tới, trung tâm UCENLIST hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng như các đơn vị bạn và hội viên cả nước để duy trì bền vững và ngày càng phát triển trong các hoạt động vì cộng đồng, đóng góp cụ thể cho phong trào UNESCO Việt Nam và quốc tế.
Bài: Huy Vũ, Phương Ly, Thúy Hà
Thiết kế: Thảo Nguyên