Mở đầu buổi làm việc, Đại sứ Anar Imanov đã trình bày về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Azerbaijan, vốn được Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cố Tổng thống Azerbaijan Heydar Aliev xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước.
Theo ông Imanov, Azerbaijan và Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1992. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước luôn được phát triển và vun đắp.
Đại sứ Azerbaijan Anar Imanov (giữa) phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngoài ra, Đại sứ Imanov đã cập nhật thông tin về cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh cũng như ghi nhận phía Tạp chí Ngày Nay đã đăng tải một số bài viết về cuộc xung đột, đồng thời kêu gọi Tạp chí tiếp tục đưa tin trung thực, khách quan.
Đại sứ Azerbaijan cũng muốn giới thiệu thêm về các thông tin liên quan tới những di sản văn hóa được UNESCO công nhận nhưng đã bị phá hủy bởi các cuộc giao tranh. Phía Đại sứ quán Azerbaijan cũng muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Tạp chí Ngày Nay.
Theo ông Imanov, Azerbaijan muốn phát triển văn hóa và giao lưu với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam cũng đã tổ chức vài chuyến đi cho các cơ quan báo chí Việt Nam tới Azerbaijan để tham quan cũng như nắm bắt tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của quốc gia này.
Ông Imanov hy vọng khi tình hình dịch bệnh COVID-19 qua đi, đại sứ quán Azerbaijan sẽ tổ chức các chương trình hợp tác với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Tạp chí Ngày Nay. |
“Hai quốc gia Việt Nam và Azerbaijan dù gặp cách trở về mặt địa lý, nhưng người dân Azerbaijan luôn có một sự tôn trọng và tình cảm quý mến với người dân Việt Nam trong công cuộc giành độc lập dân tộc. Tôi rất mong trong tương lai gần, hai bên có thể tiếp tục hợp tác để cung cấp thông tin về Azerbaijan cũng như các di sản văn hóa của chúng tôi đến với người dân Việt Nam”, ông Imanov khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Thắng (giữa) cùng một số lãnh đạo chủ chốt của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tại buổi làm việc. |
Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, cho biết rất lấy làm tiếc về tình hình chiến sự tại khu vực Nagorno-Karabakh và những mất mát to lớn của người dân, đặc biệt là với sự biến mất của các di sản văn hóa của Azerbaijan.
“Bên cạnh những mâu thuẫn về quyền lợi, kinh tế, chúng ta đang gặp mâu thuẫn về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và kể cả ý thức hệ. Nếu như trước đây thế giới bị chia cắt theo trục đông-tây thì hiện tại chúng ta không thể xác nhận nguồn gốc và cách giải quyết các mâu thuẫn.”
Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định các mâu thuẫn trên thế giới chỉ có thể giải quyết được bằng chủ nghĩa nhân đạo và các yếu tố văn hóa. |
“Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp, Tạp chí Ngày Nay luôn cố gắng giữ quan điểm phi chính trị liên quan tới các vấn đề quốc tế. Việc đăng tải các thông tin liên quan tới cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh cho thấy Tạp chí Ngày Nay không thể đứng ngoài cuộc, nhất là khi chứng kiến những mất mát của nhân dân hai nước, và sự tàn phá của các di sản”, theo ông Nguyễn Xuân Thắng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng ghi nhận lời mời của Đại sứ Imanov liên quan tới việc hợp tác giữa Đại sứ quán Azerbaijan và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, cũng như kỳ vọng trong tương lai, Tạp chí Ngày Nay sẽ được cung cấp thêm nhiều tài liệu của Azerbaijan để đưa tin bài với thái độ khách quan trong việc bảo tồn các di sản của nước này khỏi những cuộc xung đột.
Cũng tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Hùng Sơn – Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, khẳng định Tạp chí Ngày Nay luôn quan tâm tới các thông tin quốc tế và cập nhật những diễn biến chiến sự và ý kiến của quốc tế về cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia.
“Đứng trên quan điểm thông tin, chúng tôi luôn cố gắng đăng tải những bài viết khách quan nhất về tình hình hiện nay cũng như mong muốn được cung cấp thông tin cập nhật từ Đại sứ quán Azerbaijan”, ông Nguyễn Hùng Sơn khẳng định.
Giới thiệu với Đại sứ Imanov, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết kể từ khi được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 3/8/1993, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, hiện đã quy tụ được 125 đơn vị thành viên và tập hợp được hơn 12.950 hội viên chính thức, bao gồm đông đảo đội ngũ trí thức của Việt Nam.
Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là thành viên chính thức của mạng lưới UNESCO phi chính phủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Với uy tín và đóng góp của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho phong trào UNESCO phi chính phủ thế giới, trong nhiều năm qua Liên hiệp liên tục được bầu vào các chức vụ lãnh đạo cao của Liên hiệp UNESCO thế giới và khu vực.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Liên hiệp Nguyễn Xuân Thắng đã đánh giá cao những ý kiến khách quan, tích cực của Đại sứ Imanov và ghi nhận đề nghị hợp tác của Đại sứ quán Azerbaijan trong việc phát triển phong trào bảo tồn văn hóa, di sản giữa hai nước.