Vào khoảng cuối năm 2009, trong một lần tình cờ lên Hà Nội, ông Trần Văn Đương (xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) được một người bạn giới thiệu về giống cá lạ: Cá chép giòn.
Từ những con “cá lạ”
Dù đã cố gắng tìm hiểu về ngọn nguồn gốc tích, ông cũng chỉ biết phong thanh rằng “kỹ nghệ” nuôi cá chép giòn có gốc gác từ Trung Quốc, sau đó được một số hộ dân sống ven sông Hồng (Hà Nội) áp dụng nhưng không mấy thành công vì không có kinh nghiệm.
Loài cá lạ này đã gợi ra trí tò mò và thôi thúc ông Đương quyết tìm bằng được bí quyết để mang về quê ông - nơi có con sông Kinh Thầy vốn đã đi vào thơ ca nhưng thực tế nhiều gia đình như ông vẫn nghèo đói khi không cậy nhờ gì được từ con sông quê hương này.
Qua tìm hiểu, ông biết được rằng những chú cá chép giòn kia không phải là một giống cá khác biệt với cá chép thông thường bán ở chợ hiện nay. Cái khác ở đây chính là cách nuôi, mà cụ thể là thức ăn đã biến nó từ một con cá chép thường thành “chép giòn”.
Theo đó, khi nuôi, người ta sẽ nhập về những chú cá chép thường có trọng lượng trên dưới 1kg, sau đó cho vào nuôi với thức ăn chính là đậu tằm được nhập từ Trung Quốc hoặc từ các nước có khí hậu lạnh.
Hạt đậu tằm sau khi được nhập về sẽ được ngâm nước muối nhạt cho mềm vỏ, sau đó mới mang cho cá ăn. Chỉ sau khoảng 4 - 6 tháng ăn đậu tằm, những chú cá chép thông thường sẽ bỗng trở nên săn chắc, thịt ăn rất giòn và thơm, ít mùi tanh của cá.
Ông Đương cho biết những ngày đầu mới làm quen với nghề này những khó khăn là không kể hết. Bởi với ông mọi thứ dường như vẫn quá xa lạ. Từ cách nuôi, cách chăm sóc cá cho đến tìm nguồn thức ăn, rồi đầu ra cho cá cũng khiến ông nhiều lúc muốn bỏ cuộc.
Song bằng chính sự đam mê với sông nước và quyết tâm thoát nghèo, ông Đương cùng với con trai là Trần Văn Vương đã tìm hiểu các tài liệu nói về cách nuôi cá chép giòn. Rồi theo thời gian, ông trời đã không phụ lòng bố con ông. Những lứa chép giòn đầu tiên cũng đã được xuất đi với giá từ 200-300 nghìn/kg.
Ông kể những năm đầu khi mới mang cá ra chợ bán hoặc vào các nhà hàng giới thiệu, hầu hết khách đều khẳng định cá ăn ngon, giòn, song họ cũng không khỏi nghi ngờ về chất lượng của cá. Một số người còn cho rằng, bố con ông đã cho cá ăn hóa chất hoặc bơm trộn chất gì đó vào thức ăn thì cá mới có thể giòn được như vậy.
Những đồn đoán cay nghiệt đó của dư luận, khách hàng lại một lần nữa làm bố con ông lao đao khi nhiều mẻ cá xuất ra không có người mua, buộc ông phải cầu cứu đến cơ quan chức năng. Sau đó, Sở Nông nghiệp rồi phòng và cả Trung tâm khuyến nông, thủy sản huyện Nam Sách đã xuống để kiểm tra, xác thực các tin đồn về chất lượng cá.
Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã về tận bè cá của ông để nghiên cứu đề tài về loại cá này. Kết quả phân tích cho thấy, hạt đậu tằm và thịt cá trắm giòn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo các cơ quan quản lý, đậu tằm chỉ trồng được ở miền núi nơi có khí hậu ôn đới mát mẻ. Tại Việt Nam, do khí hậu không phù hợp, loại đậu này cho năng suất không cao nên người nuôi cá phải nhập khẩu với số lượng lớn từ Trung Quốc. Đậu tằm có tác dụng chuyển đổi axit amin trong cơ thể khiến các cơ co lại và chuyển sang giòn.
Mọi khúc mắc, nghi ngờ cuối cùng cũng đã được tháo gỡ khi những thông tin chính thống về chất lượng cá chép giòn được đăng tải công khai trên báo chí. Thế nên, không lâu sau, đơn hàng cứ tới tấp đổ về buộc bố con ông phải mở rộng, đóng thêm nhiều bè, lồng. Ông được bà con trong làng đặt cho biệt danh “Đương cá” từ đó.
Đến những “tỷ phú lồng bè”
Nói về những thành công của nghề nuôi cá chép giòn, ông Đương chia sẻ: “Giai đoạn đỉnh điểm thành công của nghề nuôi cá chép giòn là khoảng 4 năm trước, khi đó mỗi bè cá tôi có thể lãi đến vài trăm triệu đồng. Mỗi năm xuất khoảng 15- 20 lồng thì cũng có trong tay ngót 5 tỷ đồng mỗi năm”, ông kể.
Sau hơn 7 năm lăn lộn với cá chép giòn, hiện ông Đương đã có trong tay một cơ ngơi nhiều người mơ ước. Căn biệt thự rộng gần 1.000m2 của ông cũng là ngôi nhà bề thế nhất ở Nam Tân và các xã lận cận. Ông còn sắm cả xe hơi tiền tỷ.
Có trong tay hàng chục tỷ đồng, hiện ông Đương đã bắt tay vào đầu tư một tổ hợp sinh thái, du lịch ẩm thực ngay khu đô thị mới ở thị trấn Quốc Tuấn, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay.
Việc ông Đương phất lên nhờ cá chép giòn cũng khiến không ít người dân sống ven sông Kinh Thầy tò mò, muốn đi theo để thoát nghèo. Thế nên dần dần một hộ, rồi hai, ba…cũng lần lượt ra sông lân la, tìm hiểu cách ông Đương nuôi cá giòn đã khiến một khúc sông Kinh Thầy đoạn qua xã Nam Tân kín lồng bè nuôi cá.
Một số người có vốn hay vị thế trong vùng cũng đứng ra lập bè nuôi cá. Trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Trung Tựu, nguyên chủ tịch xã Nam Tân. Dù là người đi sau nhưng hiện ông Tựu trở thành người sở hữu nhiều bè cá nhất trên dải sông Kinh Thầy với khoảng 20 bè, tương đương với hàng chục tấn cá các loại, bao gồm chép giòn, trắm giòn, cá lăng…
Cũng nhờ đó mà trong năm 2015 vừa qua, ông đã vinh dự trở thành một trong những nông dân tiêu biểu của Hải Dương được lên Hà Nội nhận danh hiệu “Công dân tiêu biểu” toàn quốc.
Thế nhưng, theo ông Tựu, để kiếm được đồng tiền từ con cá không hề dễ dàng. Trận lũ lịch sử năm 2015 cũng đã cướp đi của gia đình ông khoảng 15 tỷ đồng khi toàn bộ hàng chục bè cá trên sông đã bị lũ cuốn trôi khi đang chờ xuất bán.
Trên thực tế, một số hộ đi sau, mới bắt đầu tham gia nuôi cá giòn vài năm trở lại đây cũng không hẳn đã dễ dàng do giá cá sụt giảm mạnh. Hiện giá cá chỉ dao động 120 -150 nghìn/kg, thay vì hơn 200 nghìn/kg như mấy năm trước. Một số hộ đã trót vay hàng chục tỷ đồng từ ngân hàng nhưng đầu ra tiêu thụ cá gặp khó khiến cho lãi mẹ đẻ lãi con, dù là nhà cao cửa đẹp nhưng vẫn đang là con nợ ngân hàng.
Theo tìm hiểu của PV Infonet, lý do khiến cho thị trường vẫn chưa thực sự biết đến loại cá này nhiều là do khâu tiếp thị chưa đúng cách. Bản thân các chủ bè cá vẫn thiếu đi kiến thức lẫn kinh nghiệp bán hàng ra thị trường, chỉ trông chờ vào các mối tiêu thụ quen từ nhiều năm nay.
Đặc biệt, hầu hết lứa cá xuất ra hiện nay đều được vận chuyển vào thị trường miền Nam, trong khi thị trường lớn ngay gần Hải Dương là Hà Nội lại có mức tiêu thụ không đáng kể.