Olympic hoãn, thể thao Việt “đỡ” bị ảnh hưởng nhất
Những hậu quả của dịch COVID 19, nhất là việc Olympic bị hoãn, đã khiến mọi kế hoạch trong năm 2019 của thể thao Việt Nam bị đảo lộn hoàn toàn. Không còn đích nhắm chính là Olympic, ngành thể thao giờ chỉ xác định mục tiêu đảm bảo các tuyển thủ cố gắng tập luyện thật tốt trong điều kiện đặc thù, rồi tranh tài tại các giải quốc nội. Họ sẽ chờ qua dịch để dự tranh các giải quốc tế theo môn, và đoạt thêm suất tới Tokyo vào sang năm.
HLV Park Hang-seo dự khán V.League. |
Xét bối cảnh khó khăn chung, thể thao Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn, phần nào đó còn có lợi. Đơn cử khi mà các giải đấu loại, tích lũy điểm của các môn có thể trở lại, cơ hội tranh suất đã rộng mở hơn hẳn, cho vật nữ, đấu kiếm, điền kinh, bơi, cầu lông, judo, bắn súng. Trước đó, nhiều Liên đoàn thể thao quốc tế đã đưa ra phương án xét chọn trên cơ sở thứ hạng, thành tích sẵn có, rất bất lợi cho các VĐV Việt Nam. Chưa kể, một số gương mặt xuất sắc, rõ nhất ở cử tạ, môn được kỳ vọng tranh huy chương Olympic cũng có thêm quỹ thời gian, điều kiện để chuẩn bị.
Tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh. |
Trong các ngôi sao, chắc chắn Tiến Minh là người chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Anh đã cầm chắc một suất tới Tokyo, và cũng dự định có thể ngưng chơi chuyên nghiệp sau Olympic. Thế nhưng, với tình thế mới này, cựu binh 37 tuổi sẽ phải tiếp tục gồng mình gắng sức thêm một năm nữa chờ đến Olympic.
Quan trọng hơn, thời gian càng kéo dài, năng lực đua tranh của anh càng bị sụt giảm, khi thể lực và phong độ ngày càng đi xuống theo tuổi tác. Như chính minh thừa nhận, so với thời đỉnh cao, mình chỉ còn 60-70% sức mạnh. Tất nhiên, kinh nghiệm dày dặn và chiến thuật khôn ngoan có thể giúp tay vợt từng lọt vào Top 5 thế giới bù lại phần nào. Điểm mấu chốt là sau đây một năm, lại phải đối đầu với toàn các đối thủ đều đang ở đỉnh cao về mọi mặt, Tiến Minh sẽ cực khó để mơ tiến xa. Ngoài quyết tâm và nỗ lực chuẩn bị cao độ của bản thân, có lẽ mục tiêu thiết thực mà tuyển thủ Việt Nam duy nhất 4 lần dự tranh Olympic đặt ra là chờ lá thăm thuận lợi và phấn đấu hết mình từng trận một.
Một năm 2021 siêu “dị”
Kỳ Thế vận hội trên đất Nhật bị hoãn cũng đưa thể thao Việt Nam nói riêng và ĐNÁ nói chung, vào một năm 2021 siêu khi lần đầu phải chuẩn bị, dự tranh hai sự kiện quốc tế lớn là Olympic và SEA Games. Trong đó, Việt Nam còn chính là chủ nhà của SEA Games. Khối lượng công việc của ngành thể thao vì thế tăng lên đáng kể, và nhiều ngôi sao sẽ phải gánh vác cả hai nhiệm vụ lớn.
Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào thảm đấu. |
SEA Games 2021 do Việt Nam đăng cai tại Hà Nội dự kiến sẽ diễn ra từ 21/11- 2/12, còn Olympic Tolyo vẫn sẽ tranh tài vào mùa hè. Ngành thể thao đã có thể thở phào vì không phải thay đổi thời điểm tổ chức SEA Games, cho dù phải điều chỉnh về nhiều mặt cho phù hợp, ví như phân bổ nguồn lực. Với khoảng cách 4-5 tháng, các VĐV phải gánh vác cả hai nhiệm vụ sẽ không gặp khó trong quá trình chuẩn bị, tính toán điểm rơi phong độ. Trên thực tế hiện tại ngành thể thao vẫn đang duy trì tập huấn các tuyển thủ trọng điểm ở những môn thế mạnh theo hướng liên thông cho cả Olympic 2020 và SEA Games 2021.
Vấn đề đặt ra ở đây là thể thao Việt Nam chưa từng có tiền lệ chuẩn bị, dự tranh cả hai sự kiện quốc tế lớn như thế trong cùng một năm. Và với tư duy và cách làm lâu nay của ngành thể thao, liệu “đấu trường đỉnh cao số 1” Olympic có bị lép vế so với “sân chơi khu vực” SEA Games, nhất là khi SEA Games trên sân nhà? Khả năng về một kỳ SEA Games đại thắng của thể thao Việt Nam, với ngôi nhất toàn đoàn vượt trội đã có thể nhìn thấy trước. Ngược lại, để có huy chương Olympic, dù chỉ một tấm, lại là cả một thách thức cực lớn. Đến thời điểm này, chưa có tuyển thủ Việt Nam nào đạt tới đẳng cấp có thể tranh chấp sòng phẳng huy chương Olympic. Điều này cũng quá khó để khác trong một năm tới.