Mọi thứ sau đó đã không diễn ra theo những gì Djokovic tuyên bố, khi mới đây tay vợt số một thế giới tuyên bố rằng anh và vợ mình đều đã mắc COVID-19.
Djokovic hiện là tay vợt thứ tư tham gia giải đấu nhiễm bệnh sau khi tham dự giải đấu do chính mình tổ chức tại Crotia và Serbia.
"Tất cả mọi thứ chúng tôi đã làm trong tháng qua, chúng tôi đã làm với một trái tim thuần khiết và ý định chân thành", Djokovic nói trong một tuyên bố hôm thứ Ba. "Giải đấu của chúng tôi nhằm mục đích đoàn kết và chia sẻ thông điệp về tình đoàn kết và lòng trắc ẩn".
Grigor Dimitrov và Borna Coric trong trận mở màn chặng hai Adria Tour. Ảnh: AJ |
Nhưng sau cùng, Djokovic cay đắng nhận ra rằng dịch bệnh không từ bất cứ trái tim thuần khiết nào cả, và đây sẽ là bài học đắt giá cho các nhà tổ chức sự kiện và cả các chính phủ khi vội vã mở cửa trở lại khi dịch bệnh còn chưa được kiềm chế.
Bất chấp những lời chỉ trích từ các tay vợt hàng đầu khác, Djokovic đã nhấn mạnh đến uy tín của việc tổ chức giải đấu ngay cả khi "bóng ma" dịch bệnh vẫn còn ám ảnh cả châu Âu.
Anh cho rằng các điều kiện ở Serbia và Croatia, nơi các trận đấu được tổ chức, rất khác với những nơi khác trên thế giới và do đó "rất khó" để áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào giải đấu.
Dư luận đã có phần dễ dãi khi chấp nhận cho việc Djokovic tổ chức giải đấu, bởi mục đích từ thiện luôn làm chiều lòng tất cả, thế nhưng hành động này cũng tương tự việc kêu gọi mọi người tụ tập ngoài đường để hưởng ứng phong trào "Black Lives Matter".
Theo quan điểm của Djokovic, giải đấu đã không phá vỡ bất kỳ quy tắc nào. Các khán đài tại Trung tâm quần vợt Novak ở Belgrade đã được chọn tổ chức trận đấu mở màn vào đầu tháng này, chính phủ Serbia mới chỉ dỡ bỏ lệnh cấm đối với các cuộc tụ họp công cộng ngoài trời và chính phủ vẫn khuyến cáo người dân giữ khoảng cách 1 m khi ở ngoài trời.
Giải đấu Adria Tour của Novak Djokovic hứng chịu chỉ trích do không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong các hoạt động bên lề. Ảnh: AP |
Dựa trên điều này, nhiều fan hâm mộ Nole có thể cho rằng anh không làm gì sai. Tuy nhiên, việc Djokovic tuân theo "các quy tắc và biện pháp" tương đối thoải mái của chính phủ Serbia chỉ giúp tay vợt này dễ dàng giũ bỏ trách nhiệm cá nhân khi đưa ra quyết định về tính an toàn của giải đấu.
"Mọi người có thể chỉ trích chúng tôi và nói rằng điều này có thể nguy hiểm, nhưng tôi không phải người chịu trách nhiệm về vấn đề sức khỏe. Chúng tôi chỉ làm theo những gì chính phủ Serbia nói", Djokovic đáp trả chỉ trích về việc đám đông khán giả tới xem trận mở màn giải đấu.
Đây có lẽ là bài học cho không chỉ Djokovic mà còn cho cả thế giới nếu muốn giải quyết bài toán "sống chung với dịch bệnh", khi theo sau những lệnh dỡ bỏ cách ly xã hội là một đợt bùng phát mới.
Trung Quốc và Đức mới đây đã phải phong tỏa một phần các khu vực xuất hiện ổ dịch mới, trong khi nước Mỹ chứng kiến số ca mắc và tử vong gia tăng kỷ lục ngay sau khi một số bang dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội.
Sau thông tin hai tay vợt Grigor Dimitrov và Borna Coric mắc COVID-19 khi tham gia giải đấu Adria Tour, ngôi sao quần vợt người Anh Tom Evans cho rằng "việc tổ chức một giải đấu mở là một ví dụ cực kỳ tồi tệ" trong thời điểm này.
Djokovic đã nói rằng anh "vô cùng xin lỗi vì mọi trường hợp mắc bệnh", kể từ khi giải đấu Adria bị hủy bỏ. Nhưng thực tế đã chứng minh, một ý định tốt và hướng dẫn cụ thể của chính phủ không giúp khán giả và vận động viên miễn dịch với mầm bệnh.
Khi nhiều quốc gia tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế còn người dân hối hả quay trở lại với cuộc sống thường ngày, họ nên nhớ về sai lầm của Nole.