Tại Malaysia, một số công ty giao hàng đã ghi nhận đơn hàng tăng hơn 30% kể từ khi lệnh kiểm soát đi lại (MCO) được ban hành vào ngày 18/3.
Dịch vụ giao đồ ăn không phải còn mới mẻ tại khu vực Đông Nam Á, nhưng các ứng dụng và điện thoại thông minh đang mở rộng phạm vi của dịch vụ này. Trên toàn cầu, thị trường giao hàng trực tuyến trị giá hơn 35 tỷ USD Mỹ hàng năm và được dự báo sẽ đạt mốc 365 tỷ USD Mỹ vào năm 2030.
Một trong những lợi ích của giao hàng trực tuyến là người tiêu dùng có thể tha hồ lựa chọn các món ăn vì họ có thể đặt hàng từ nhiều thực đơn thông qua một ứng dụng. Số lượng thực đơn phong phú cũng cho phép họ thử thức ăn mới mỗi ngày.
Hệ thống phân phối thậm chí còn điều chỉnh thực đơn cho khách hàng có ý thức giữ gìn sức khỏe và những người đang giảm cân với các lựa chọn lành mạnh và được chắt lọc kỹ càng trước khi nấu.
Một lợi ích lớn khác là sự tiện lợi cho những người không có thời gian mua sắm, chuẩn bị hoặc nấu thức ăn mỗi tuần. Khi người dân ở nhiều nước như Malaysia và Singapore bắt đầu làm việc tại nhà trong bối cảnh đại dịch COVID-19, những người lao động bận rộn có thể đặt thức ăn mà không cần rời khỏi bàn làm việc.
Bất lợi cho người tiêu dùng Đông Nam Á hiện nằm ở chi phí vận chuyển, vốn phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ. Cước giao đồ ăn trực tuyến tại Singapore có thể cao hơn 5 đến 10 lần so với các thị trường ở Indonesia và Việt Nam, nơi chi phí có thể chưa tới 2 USD. Đối với một số nước khác, thu nhập hạn chế của người lao động khiến việc lựa chọn mua đồ ăn qua mạng trở thành trở ngại.
Một số thương hiệu nổi bật
Thị trường giao thực phẩm tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng từ 2 tỷ USD năm 2018 lên gần 8 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo của cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore - Temasek.
Các ứng dụng vận chuyển như Go-Jek và Grab cũng đang trong cuộc đua và sử dụng lợi thế của thương hiệu nổi tiếng và cơ sở dữ liệu người dùng lớn để cạnh tranh với những ứng dụng giao thực phẩm thuần túy như Deliveryoo và FoodPanda.
Năm ngoái, GrabFood đã sáp nhận UberEATS như một phần của việc tiếp quản Grab tại Đông Nam Á.
Go-Jek đã chứng kiến các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến trở nên lớn hơn các dịch vụ xe ôm, đóng góp 2,5 tỷ đô la Mỹ trong các giao dịch hàng năm chỉ riêng ở Indonesia.
FoodPanda đã là một dịch vụ giao thức ăn phổ biến ở Malaysia, Philippines và Singapore. Nó cũng đã ra mắt phiên bản Streetpanda để cung cấp giao thức ăn đường phố.
Có các mô hình kinh doanh khác nhau cho từng dịch vụ giao thức ăn trực tuyến. Lớn nhất và phổ biến nhất đó là các nhà cung cấp dịch vụ thiết lập một trang web đặt hàng và ứng dụng di động thay mặt cho các nhà hàng, nơi người tiêu dùng đặt lệnh để nhận và giao hàng.
Ở đây, hoa hồng đến từ doanh thu của các nhà hàng mà không cần thêm bất kỳ chi phí nào cho khách hàng. FoodPanda, GrabFood và Go-Food nhận được hoa hồng từ 15 đến 30%.
Mô hình kinh doanh thứ hai tương tự như trên, ngoại trừ việc nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng và quản lý một nhóm lao động làm người chuyển phát, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền cước để nhận hàng.
Một mô hình khác đạt đó là bếp chỉ giao hàng, hay "nhà bếp đám mây", trực tiếp phục vụ đồ ăn từ bếp tới cửa nhà khách.
"Nhà bếp đám mây"
"Nhà bếp đám mây" là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các nhà hàng không bán lẻ; hướng đến việc chỉ cung cấp thực phẩm.
Việc loại bỏ chỗ ngồi của khách hàng, điều hòa không khí và đèn điện cắt giảm chi phí thuê mặt bằng và giảm nhu cầu thuê nhân viên phục vụ.
"Nhà bếp đám mây" đang nhanh chóng đạt được đà ở Đông Nam Á. Grain từ Singapore và Dahmakan, một công ty thực phẩm có trụ sở tại Malaysia, cả hai đều sử dụng mô hình kinh doanh này.
Grain, được thành lập vào năm 2014, là một start-up chuyên cung cấp thực phẩm chuyên về thực phẩm sạch và tin tưởng vào việc cải thiện cuộc sống thông qua những trải nghiệm thực phẩm có ý nghĩa. Được thành lập vào năm 2015, Dahmakan gần đây đã huy động thêm 5 triệu USD từ các nhà đầu tư mới. Cả hai start-up tập trung vào việc giao đồ ăn lành mạnh.