Thi vào lớp 10 THPT: Đối tượng nào nên được cộng điểm?

Khi bỏ cộng điểm 4 năm THCS vào lớp 10, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Giáo dục cần phải xem lại việc đối tượng nào được cộng điểm và bỏ điểm cộng thêm.

Từ năm 2019, phương án thi và xét tuyển vào lớp 10 của Hà Nội có sự điều chỉnh
Từ năm 2019, phương án thi và xét tuyển vào lớp 10 của Hà Nội có sự điều chỉnh

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa chốt phương án thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020. Theo đó, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn được công bố vào tháng 3/2019. Môn tự chọn sẽ là một trong các môn sau: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Ngoài ra, điểm xét tuyển được tính là (Điểm thi môn Toán + Điểm thi môn Ngữ văn) x 2 + (Điểm thi môn Ngoại ngữ + Điểm thi môn thứ tư ) + Điểm cộng thêm. Trong đó, bài thi của các môn tính theo thang điểm 10.

Những năm trước, điểm xét tuyển vào lớp 10 có cả việc cộng điểm cả quá trình 4 năm cấp THCS thì bắt đầu từ năm 2019, phương án thi, cách tính điểm xét tuyển như trên đã có sự thay đổi. Điều này đã khiến nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia giáo dục vui mừng vì có thể sẽ giảm được tiêu cực trong việc chấm điểm với mục đích làm đẹp học bạ nhằm cộng điểm cho học sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo đánh giá học sinh thực chất, cách xét tuyển này cần thêm những giải pháp đồng bộ. 

Học thêm-dạy thêm có giảm?

Chị Nguyễn Thu Trà, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội có con sẽ thi vào lớp 10 vào năm 2019 bày tỏ sự vui mừng khi Sở GD-ĐT Hà Nội chốt phương án thi không có bài thi tổ hợp mà chỉ còn 4 môn. Điều này cũng sẽ giúp giảm áp lực ôn luyện nhiều môn. Để kỳ thi đạt kết quả cao, Sở GD-ĐT Hà Nội cần sớm công bố đề thi minh họa và các trường học nên sớm tổ chức hiệu quả việc dạy học, ôn luyện để phụ huynh dễ dàng hỗ trợ, giám sát việc học tập của con em.

Về phía trường học, bà Lê Thị Mai Hương, Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm Hà Nội nêu quan điểm, việc đánh giá học sinh một cách toàn diện là phải bao gồm đánh giá quá trình học tập cả 4 năm học THCS kèm theo việc thi các môn vào lớp 10. 

Thực tế là việc cộng điểm cả quá trình học nếu có sự giám sát và thực hiện chặt chẽ, bài bản một cách thực chất thì có thể lấy thêm cho học sinh thi vào lớp 10. Tuy nhiên, thời gian qua, trong xã hội đã những ý kiến về việc quản lý, theo dõi việc đánh giá 4 năm học THCS của học sinh vẫn còn để xảy ra tiêu cực như phụ huynh “chạy” điểm, giáo viên vì thành tích của lớp, trường có thể thay đổi điểm số hay bằng nhiều cách cho học sinh gỡ điểm... Vì thế, Sở GD-ĐT Hà Nội mới chốt phương án và cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 theo cách thức mới.

Với phương án thi mới, học sinh đã biết 3 môn chắc chắn sẽ thi là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ nhưng cũng không thể khiến trường học lơ là việc dạy cũng như học sinh chỉ học tủ các môn đi thi vì vào tháng 3 hàng năm Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố môn thi tự chọn. Vì thế, học sinh vẫn phải học đều các môn để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. 

Điều cần quan tâm nhất hiện nay là việc tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh thi vào lớp 10 như thế nào để giảm tải sức ép học thêm-dạy thêm vì số lượng môn thi tăng lên. 

Theo bà Mai Hương, nhà trường phải có trách nhiệm cân đối thời gian dành cho các hoạt động trải nghiệm với việc ôn luyện cuốn chiếu các môn thi để đáp ứng cho kỳ thi.  

Đóng góp ý kiến vào việc giảm tải học thêm-dạy thêm, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, các trường phải có trách nhiệm yêu cầu giáo viên không ngừng thay đổi phương pháp dạy học để thu hút học sinh. Đây cũng là yếu tố quan trọng để học sinh không học tủ, học lệch, sẽ học đều các môn. Khi giáo viên giảng dạy hấp dẫn, hứng thú thì học sinh cũng chăm chỉ học đều các môn học và sẽ giảm tải việc dạy thêm-học thêm.

Nên quy định rõ trường hợp nào được điểm cộng thêm

Về điểm xét tuyển vào lớp 10, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm, ngoài lấy điểm 4 môn thi thì thí sinh còn được cộng điểm cộng thêm. Tuy nhiên, điểm cộng thêm chưa được quy định rõ vì không biết là năm sau, học sinh Hà Nội có còn được cộng điểm nghề vào lớp 10 nữa hay không. 

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, việc quy định rõ đối tượng nào được cộng điểm thi vào lớp 10 nhằm tránh trường hợp có thí sinh là người dân tộc ở một tỉnh nào đó nhưng đã ra Hà Nội sinh sống nhưng vẫn được cộng điểm. Ngoài ra, việc cộng điểm học nghề cũng cần được xem xét lại vì thực tế nhiều học sinh không chú trọng vào học, chỉ gần đến cuối kỳ thì chăm chỉ đi học để lấy điểm cộng thêm.

Về đối tượng được cộng điểm, bà Mai Hương nêu quan điểm, nên bỏ cộng điểm nghề vào lớp 10 vì thực chất học nghề ở cấp THCS hiện nay không đúng là học nghề, chưa hiệu quả. 

Bộ GD-ĐT chỉ nên cho những học sinh là con em gia đình chính sách, diện khó khăn được cộng điểm. Ngoài ra, nên giữ việc cộng điểm cho học sinh đoạt giải quốc gia vì như vậy mới tìm kiếm, phát hiện, khuyến khích các em tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi các môn.

Theo VOV
Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
(Ngày Nay) - Phở ra đời trong bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầu thế kỷ 20 và được coi là món ăn quốc dân của Việt Nam, vượt qua thời gian để trở thành biểu tượng ẩm thực độc đáo. Từ những gánh hàng rong đến những quán phở gia truyền và hàng loạt chuỗi nhà hàng cao cấp, phở đã trở thành câu chuyện văn hóa và kinh tế mang tính biểu tượng.