"Thời của ông rồi sẽ đến"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Câu nói của Gregor Mendel với người cháu từng là câu chuyện khiến tôi ghi nhớ một cách đậm nét từ những năm cấp II cho đến tận bây giờ. Nó như một lời khẳng định: sự dám thách thức thực tại, những ý tưởng lớn, dù bị vùi dập, rồi cũng sẽ nảy mầm.
"Thời của ông rồi sẽ đến" ảnh 1

Nhà báo Nguyệt Linh

Hãy trở về thế kỷ 19, nơi Mendel lặng lẽ làm việc trong khu vườn tu viện Brno. Không thiết bị hiện đại, không đồng nghiệp, ông cần mẫn lai tạo hàng ngàn cây đậu Hà Lan, ghi chép tỉ mỉ, đặt nền móng cho di truyền học. Năm 1865, ông công bố nghiên cứu. Giới khoa học thờ ơ. Một số người cười nhạo, gọi ông là “tu sĩ làm toán”. Mendel không nao núng. Ông tin vào sự thật rồi ra đi trong thầm lặng. Gần bốn thập kỷ sau, công trình ấy được tái khám phá. Những quy luật di truyền giờ định hình nông nghiệp, y học, công nghệ gen. Từ giống cây năng suất đến liệu pháp chữa bệnh, nghiên cứu của Mendel đang âm thầm bảo vệ cuộc sống của con người. Nhưng cái giá ông phải trả là sự cô đơn, chế giễu và sự lãng quên trong suốt đời.

Ngày 12 tháng 5 năm 2025, PGS.TS Bùi Hiền, nhà ngôn ngữ học Việt Nam, qua đời ở tuổi 90. Ông đã dành hơn 40 năm nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ, với khát vọng đơn giản hóa chính tả, giúp tiếng Việt dễ học hơn. Công trình năm 2017, với “giáo dục” thành “záo zụk”, “tiếng Việt” thành “tiếq Việt”, gây tranh cãi dữ dội. Dù không được áp dụng, nỗ lực ấy cho thấy một tinh thần học thuật độc lập. Ông tự chi trả cho nghiên cứu của mình, rồi thực hiện trong lặng lẽ. Khi ra mắt công trình, thay vì phản biện khoa học, PGS.TS Bùi Hiền lại hứng chịu làn sóng chế giễu mạnh mẽ.

Năm 2017, ông trở thành trò cười từ mạng xã hội cho đến chương trình hài kịch cuối năm. Có lúc ông tức giận. Nhưng có lúc ông bình thản nói: “Họ đã học rất nhanh và dùng chữ của tôi để chửi tôi, chứng tỏ nó nhạy". Tôi chưa từng nghĩ câu nói của ông là một sự ăn thua hay cay cú với cộng đồng. Nó cho thấy tầm thước của một nhà khoa học đang đo đếm khả năng hoạt động của giả thuyết. Nhưng vừa qua, khi ông mất đi, sự chế giễu ấy vẫn chưa chấm dứt. Thậm chí, một số đầu báo lớn giật tít về ông như: “PGS.TS Bùi Hiền, người cải tiếng ‘Tiếq Việt’, qua đời”. Họ đã chọn nhấn vào tranh cãi thay vì tưởng niệm một con người xứng đáng với điều ấy. Và đơn giản, những dòng tít ấy câu được lượt xem, mặc cho nó đã khơi lên sự vô cảm và có chút nông cạn của đám đông.

Ông Hiền, như Mendel, đơn độc vì dám chạm vào điều xã hội xem là bất khả xâm phạm, dám đi qua những chiều kích mà xã hội bị giới hạn. Bởi tiếng Việt không chỉ là công cụ giao tiếp, truyền thông mà còn là biểu tượng văn hóa. Giống như người xưa thờ chữ Nho như một văn tự thiêng. Nhiều người xem chữ quốc ngữ là biểu tượng đại diện cho dân tộc, là điều không thể thay đổi. Bởi vậy, khi PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải tiến, ông bị coi là xúc phạm điều thiêng liêng ấy, xúc phạm vào vẻ đẹp của tiếng Việt. Có lẽ công trình của ông chưa được thảo luận đúng mức trên bình diện khoa học, thay vào đó, thường vấp phải sự phán xét bằng cảm tính và hạn chế của thực tại. Chính sự thiêng hóa ấy dựng lên một bức tường – nơi ý tưởng mới bị bóp nghẹt, và nhà khoa học trở thành kẻ đơn độc.

Mendel bị lãng quên vì tư tưởng đi trước thời đại. Bùi Hiền bị chỉ trích vì chạm vào ký ức tập thể. Dù công trình khó áp dụng, nhưng công lao của PGS.TS Bùi Hiền đã đặt ra những câu hỏi xác đáng về khoảng trống trong chính tả, về khả năng đổi mới ngôn ngữ. Ai dám chắc, hàng thế kỷ sau, những hạt giống ấy không nảy mầm, như Mendel đã từng?

Mendel tin: “Thời của tôi rồi sẽ đến”. Và ông đúng. Còn tôi, tôi không đủ chuyên môn để đánh giá "thời của PGS.TS Bùi Hiền" bao giờ đến? Nó có đến không và sẽ đến theo cách nào? Nhưng tôi tin rằng PGS.TS Bùi Hiền cũng mang trong mình niềm tin của Mendel cho đến những phút cuối cùng. Cuộc đời cống hiến của ông, sự ra đi của ông, đáng được trân trọng và không nên trở thành chủ đề để chế nhạo.

Thiết nghĩ, một xã hội trưởng thành cần học được giá trị về sự tôn trọng giả thuyết khoa học, tôn trọng các thảo luận bằng lý trí và biết nâng niu những “người bay” chưa tìm được chân trời của họ. Nếu cứ khép kín, chúng ta không chỉ cô lập nhà khoa học, mà còn tự khóa chặt tương lai của chính mình.

Câu chuyện của Mendel càng soi sáng thêm niềm tin rằng ý tưởng bị vùi dập hôm nay có thể cứu sống ngày mai. Những câu hỏi của PGS.TS Bùi Hiền, dù bị chê cười, là lời mời gọi nghiêm túc để nhìn lại cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ. Trách nhiệm của xã hội là xây dựng một môi trường cởi mở, nơi người làm khoa học không phải đơn độc, nơi ý tưởng được đánh giá bằng công bằng và trí tuệ. Chỉ khi đó, thời của Mendel, của Tesla, rồi Bùi Hiền, và tất cả những ai dám thách thức thực tại, mới thực sự đến.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Ukraine
(Ngày Nay) - Trong cuộc điện đàm kéo dài 50 phút với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva sẵn sàng quay lại đàm phán với Ukraine sau ngày 22/6.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
Việt Nam trở thành nước đối tác của nhóm BRICS
(Ngày Nay) - Việt Nam trở thành nước Đối tác Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ảnh minh hoạ.
"Kiềng ba chân" trong phát triển nhân lực chất lượng cao
(Ngày Nay) - "Giáo dục-khoa học công nghệ-đổi mới sáng tạo là ba trụ cột cần đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai các đề án lớn trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày 14/6 tại Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phe bảo thủ đòi ông Trump "bỏ mặc" Israel
(Ngày Nay) - Những nhân vật cánh hữu chủ chốt, bao gồm một số đồng minh của Tổng thống Trump, đặt câu hỏi về các cuộc không kích của Israel và cảnh báo về một cuộc chiến tranh của Mỹ với Iran.
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
(Ngày Nay) - Căng thẳng leo thang tại Trung Đông đe dọa cắt đứt nguồn cung dầu và khí đốt, đẩy giá vận chuyển, hàng hóa, năng lượng lên cao, khiến thế giới đối mặt rủi ro suy thoái diện rộng.