Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào sáng 3/5, bên cạnh kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần thấy được, phân tích những tồn tại, khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tốt hơn, chắc chắn hơn trong bối cảnh quốc tế nhiều phức tạp.
Thủ tướng cho rằng lĩnh vực văn hóa-xã hội còn một số mặt hạn chế, đặc biệt có nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, ứng xử bạo lực với thầy thuốc, nhà giáo, học sinh. Quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội thánh Đức Chúa trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết.
Thủ tướng cho rằng việc quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội Thánh Đức Chúa Trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết. |
Trước đó, trả lời VTC News, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong vấn đề hoạt động của tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời, cơ quan chức năng và các lực lượng chuyên trách phải có trách nhiệm vì đã không có biện pháp quản lý, can thiệp sớm khiến nó trở thành “đại dịch”.
“Vấn đề cần phải nói đến ở đây nữa đó chính là quản lý nhà nước. Phải thẳng thắn nói rằng, trong công tác an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội chúng ta đã quá sơ hở trong chuyện này.
Lẽ ra ngay từ lúc “Hội Thánh Đức Chúa Trời” này mới manh nha là phải có biện pháp can thiệp. Trước hết, phải tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân, tiếp đó phải có biện pháp để ngăn chặn.
Chúng ta đã không có biện pháp gì cho đến khi báo chí và dư luận lên án mạnh mẽ, các cơ quan chức năng mới từ từ lên tiếng.
Cần phải đánh giá lại trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, các lực lượng chuyên trách về vấn đề này" - ông Lưu Bình Nhưỡng tỏ ra gay gắt.
Vị uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ hoạt động của tổ chức này.
“Tôi khẳng định lại là tôi không cho đây là một tôn giáo. Nếu cho là tôn giáo thì phải đặt câu hỏi là tôn giáo này đã đăng ký và được cấp phép hoạt động chưa, có làm đúng theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo không...
Thậm chí nếu có cho đó là một tôn giáo thì cũng phải xét xem tôn giáo đó là như thế nào, tôn chỉ, mục đích hoạt động ra sao chứ không thể đi ngược lại với xu thế của thời đại, đi ngược lại đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”, ông Nhưỡng khẳng định.
Thời gian qua, Báo điện tử VTC News có loạt bài bóc trần bộ mặt nguy hiểm của "Hội Đức Thánh Chúa Trời" cũng như những bi kịch đau đớn của các gia đình có người thân tham gia tà đạo này.
Sau khi đăng tải, tòa soạn nhận được hàng ngàn email của độc giả khắp nơi trên cả nước gửi về. Đường dây nóng của tòa soạn luôn trong tình trạng “cháy máy” với những lời kêu cứu khẩn thiết, xót xa của người có thân nhân gia nhập tà đạo này.
Nhiều người mẹ từ nhiều tỉnh thành trong cả nước lặn lội tìm đến trụ sở của báo để cầu mong các cơ quan chức năng vào cuộc cứu lấy con họ, gia đình họ.
Tất cả họ đều chung một câu chuyện khi có người thân trót sa chân vào tà đạo, làm ly tán, tan nát gia đình.
Chỉ cần bước chân vào đây, người thân của họ đều thay đổi tính cách, trở thành những người thần kinh không còn bình thường, xa lánh gia đình, đề nghị hoặc trực tiếp đập bỏ nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà; mang tiền đi cho hội thánh; sinh viên thì bỏ học, người đi làm thì bê trễ công việc.
Một trong những điều rất nguy hiểm là tà đạo này tiêm nhiễm vào đầu nạn nhân ý thức không thiết đến cuộc sống hiện tại, chỉ mong chờ được về với Chúa.
Họ bị tẩy não rằng cuộc sống trần gian chính là ngục tù, hình hài do cha mẹ ban cho thật ra là lớp áo tù, nên nhất định phải sớm cởi bỏ được nó để về với Chúa để về một nơi có sự sống mãi mãi, vĩnh hằng do Chúa Trời tạo ra.
Theo VTC News