Hơn 300 đại biểu đại diện cho các tỉnh thành, các nhà khoa học trong cả nước đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến cho chiến lược sở hữu trí tuệ; những giải pháp trong quản lý và phát triển thương hiệu cộng đồng ở Việt Nam.
Hội nghị lần này còn quan tâm tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc về hoạt động sở hữu trí tuệ của cả nước nói chung trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện nay nhu cầu được phổ biến các kiến thức, pháp luật về sở hữu công nghiệp trong công chúng nói chung, đặc biệt là trong một số nhóm đối tượng đặc thù, như các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề,... nói riêng tại các địa phương, vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Vấn đề tồn tại hiện nay là đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tập huấn, tuyên truyền, đào tạo kiến thức, pháp luật về sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ và đặc biệt là tại các địa phương còn hạn chế về số lượng.
Điều này cho thấy một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được Cục Sở hữu trí tuệ quan tâm trong thời gian tới là cần đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu công nghiệp nhằm từng bước đáp ứng được nhu cầu của các địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên một số tồn tại, khó khăn: thiếu nhân lực và nguồn lực ở một số đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao; Tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vẫn còn nhiều, thậm chí có xu hướng gia tăng khi số lượng đơn được xử lý hàng năm thấp hơn số lượng đơn nhận được. Đến hết năm 2020, cả nước có 217 tổ chức và 367 cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam (tăng 14 tổ chức và 36 cá nhân so với năm 2019).
Về tình hình thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 Quyết định số 1068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau hơn một năm ban hành, mới chỉ có 12/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược.
Nhiều địa phương còn vướng mắc trong triển khai do chưa xác định rõ cách thức triển khai, đặc biệt là vấn đề lồng ghép với các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Một số địa phương còn băn khoăn về việc tính toán các chỉ tiêu liên quan đến Sở hữu trí tuệ do các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa được xác định cho giai đoạn 2021-2030.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, các cơ quan có thẩm quyền đã có sự phối hợp trong thực hiện chức năng nhiệm vụ nhưng chưa chặt chẽ và đồng bộ; tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn phổ biến, nhất là tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả mạo sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
Hội nghị cũng đề ra chiến lược trong các năm tiếp theo ở địa phương và Cục Sở hữu trí tuệ như: Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược ở phạm vi địa phương, trong đó có thể lồng ghép kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 hoặc ban hành các kế hoạch, chương trình độc lập và cụ thể.
Tuy nhiên cần lưu ý sự thống nhất và hợp lý giữa các kế hoạch vì phát triển tài sản trí tuệ là một nội dung của Chiến lược sở hữu trí tuệ. Đối với các địa phương triển khai theo cách thức lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương