Tiếp tục 'ngược dòng' chống Covid-19: Sai lầm hay nước cờ hay của Thụy Điển?

Bất chấp những cái nhìn hoài nghi, Thụy Điển kiên định với chiến lược chống Covid-19 hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện của người dân.
Cuộc sống ở Thụy Điển không có nhiều xáo trộn trong dịch Covid-19. Ảnh: CNN
Cuộc sống ở Thụy Điển không có nhiều xáo trộn trong dịch Covid-19. Ảnh: CNN

Kiên định với chiến lược “ngược dòng”

Mặc dù dịch Covid-19 đã có dấu hiệu hạ nhiệt ở châu Âu nhưng nhiều quốc gia tại đây vẫn tiếp tục thực hiện lệnh phong toả với những biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế đi lại, cũng như phạt nghiêm với những người cố tình vi phạm.

Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của Thụy Điển. Các nhà hàng và quán bar vẫn hoạt động, các khu vui chơi và trường học tiếp tục mở cửa. Bất chấp những cái nhìn hoài nghi, Thụy Điển kiên định với chiến lược chống Covid-19 hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện của người dân.

Dù vậy, đây vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Chiến lược “ngược dòng” của Thụy Điển thậm chí đã khiến Tổng thống Donald Trump phải chú ý khi nhà lãnh đạo Mỹ nhận định rằng: "Thụy Điển đã làm điều đó, họ gọi nó là miễn dịch cộng đồng. Những gì Thụy Điển phải trải qua sẽ rất, rất tồi tệ".

Tuy nhiên, chính phủ Thụy Điển vẫn tự tin rằng chính sách của họ hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nhận định trên một kênh truyền hình của nước này rằng Tổng thống Trump đã "thực sự sai lầm" khi cho rằng Thụy Điển đang thực hiện thuyết "miễn dịch cộng đồng".

Bà cho biết chiến lược của Thụy Điển là "không phong tỏa và chúng tôi tin tưởng rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của người dân".

Nhà dịch tễ học Thụy Điển Anders Tegnell cũng phản bác những chỉ trích của Tổng thống Trump cho rằng, chiến lược trên đang khiến tình hình dịch bệnh nước này tồi tệ hơn.

"Tôi nghĩ Thụy Điển đang làm tốt. Điều này sẽ tạo nên những kết quả khả quan. Cho tới nay, hệ thống chăm sóc sức khỏe Thụy Điển đang đối phó với dịch bệnh theo cách rất ấn tượng", chuyên gia này cho biết.

Các hành động của Thụy Điển mang tính khuyến khích chứ không bắt buộc. Nhìn chung, cách đối phó với dịch Covid-19 của nước này có thể tóm gọn trong một số điểm sau: các nhà hàng, quán bar và trung tâm thương mại tiếp tục hoạt động, các trường học vẫn mở cửa; phụ huynh được yêu cầu tiếp tục để con em đến trường; chính phủ khuyến cáo không nên ra ngoài nếu không cần thiết và khuyến khích mọi người làm việc ở nhà nếu có thể, hoặc khi cảm thấy không khỏe, giữ khoảng cách với người khác ở nơi công cộng; thường xuyên rửa tay; những người trên 70 tuổi hoặc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn được yêu cầu ở nhà; cấm tụ tập hơn 50 người và mọi người không được ghé thăm những nơi như viện dưỡng lão.

Elisabeth Liden - một nhà báo tại Stockholm nhận định với CNN rằng thành phố hiện giờ đã bớt đông đúc hơn.

"Tàu điện ngầm hiện giờ chỉ có vài hành khách mỗi khoang. Tôi có thể cảm nhận rằng phần lớn người dân đang thực hiện các khuyến cáo về giãn cách xã hội vô cùng nghiêm túc".

Liden cũng cho biết thêm rằng: "Một số người Thụy Điển thậm chí không cả hôn chồng/vợ của họ, trong khi những người khác đều từ chối những bữa tiệc trong Lễ Phục sinh".

Quốc hội Thụy Điển tạo điều kiện để chính phủ có nhiều quyền lực hơn nhằm nhanh chóng ban hành những quy định mới, chẳng hạn như đóng cửa nhà hàng hoặc trường học nhưng Bộ trưởng Y tế nước này - Lena Hallengren cho biết, chính phủ không có kế hoạch sẽ sử dụng đến những quy định này.

Tranh cãi xung quanh cuộc chiến chống Covid-19 của Thụy Điển

Trong chiến lược chống Covid-19 "ngược dòng" với châu Âu và phần lớn thế giới, Thụy Điển tập trung nhiều vào việc bảo vệ những người cao tuổi. Bất kỳ ai từ 70 tuổi trở lên đều được yêu cầu ở nhà và hạn chế tiếp xúc xã hội nhiều nhất có thể. Một quan chức trong chính phủ Thụy Điển khẳng định toàn bộ người dân đều ủng hộ cách đối phó của chính phủ nhưng nhiều người "đang lo ngại về một thực tế rằng lệnh cấm việc ghé thăm những người cao tuổi đến tận ngày 1/4 mới được ban hành và hiện virus đang lan rộng khắp đất nước khiến số người tử vong tăng lên".

Chính Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng hoài nghi về giải pháp của Thụy Điển. Ngày 8/4, WHO nhận định với CNN rằng một điều "cấp bách" hiện nay là Thụy Điển cần "tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2, chuẩn bị và nâng cao khả năng của hệ thống y tế nhằm đối phó với dịch bệnh, đảm bảo việc giữ khoảng cách vật lý, đồng thời trao đổi với người dân về việc tại sao tất cả các biện pháp trên được thực hiện, cũng như chúng sẽ được thực hiện như thế nào”.

"Đường cong" trong biểu đồ dịch Covid-19 của Thụy Điển, cả về số ca mắc bệnh và số ca tử vong đều cao hơn nhiều nước châu Âu khác, những nước thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt hơn. Một nghiên cứu do Cao đẳng Hoàng gia London thực hiện đã tính toán được rằng 3,1% dân số Thụy Điển mắc Covid-19 (tính đến ngày 28/3), so với con số 0,41% ở Na Uy và 2,5% ở Anh.

Về số người tử vong, ngày 8/4, cứ 1 triệu công dân Thụy Điển thì có 67 người tử vong vì Covid-19, Bộ Y tế Thụy Điển cho biết. Tỷ lệ này ở Na Uy là 18 ca tử vong/1 triệu người và ở Phần Lan là 7 ca tử vong/1 triệu người.

Một số nhà nghiên cứu Thụy Điển đang yêu cầu chính phủ phải cứng rắn hơn trong các biện pháp chống Covid-19. Một số bác sĩ chẩn đoán lâm sàng ở Thụy Điển đã viết thư ngỏ, chỉ trích một số lượng lớn những người vẫn đến quán bar, nhà hàng, trung tâm thương mại và thậm chí khu trượt tuyết.

"Thật không may khi điều này đang khiến tổng số ca tử vong tiếp tục tăng ở Thụy Điển", bức thư này khẳng định.

Cecilia Söderberg-Nauclér - một nhà nghiên cứu về miễn dịch tại Viện Karolinska của Thụy Điển, đồng thời là 1 trong 2.000 chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu ký đơn yêu cầu các biện pháp cứng rắn hơn từ chính phủ, nhận định: "Chúng tôi đang không thắng trong cuộc chiến này. Thật kinh khủng".

"Nơi tôi sống mọi người đang làm việc ở nhà nhưng họ vẫn đi tới các nhà hàng, quán cà phê địa phương và vẫn đi cùng những người cao tuổi, trong khi các thanh thiếu niên thì vẫn đến trường. Đó không phải là giãn cách xã hội".

Tom Britton, giáo sư về thống kê tại Đại học Stockholm đã lập một mô hình tính toán liệu dịch Covid-19 sẽ lây nhiễm trong dân số Thụy Điển như thế nào. Chuyên gia này cho rằng khoảng 40% dân số thủ đô của Thụy Điển sẽ mắc bệnh vào cuối tháng 4. Mặc dù thừa nhận về sự khó khăn trong việc tính toán tỷ lệ lây nhiễm, song ông nhận định với CNN rằng: "Dự đoán sít sao nhất của tôi là sẽ có khoảng 10% hoặc hơn" những người Thụy Điển mắc bệnh trên toàn quốc.

Một số người phản đối chính sách của chính phủ lo ngại rằng việc phụ thuộc vào hành động tự nguyện của người dân sẽ gây ra số ca mắc bệnh tăng lên nhanh chóng và có nguy cơ khiến hệ thống y tế quá tải. Thụy Điển hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ giường chăm sóc tích cực trên đầu người thấp nhất châu Âu.

Bản thân Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven ngày 11/4 đã cho biết số ca tử vong ở nước này có thể lên đến "hàng nghìn người". Ông Stefan Löfven khẳng định mặc dù dịch Covid-19 ở Thụy Điển lan rộng chậm hơn nhiều quốc gia khác nhưng điều đó không có nghĩa là Thụy Điển có thể tránh được những tác động tồi tệ nhất.

Lợi thế “độc quyền” của Thụy Điển

Dù vậy, trên một vài khía cạnh, Thụy Điển rõ ràng được chuẩn bị tốt hơn so với nhiều quốc gia khác để đối phó với "cơn bão" Covid-19. Khoảng 40% lực lượng lao động của quốc gia này làm việc ở nhà thường xuyên, thậm chí trước cả khi có dịch Covid-19. Ngoài ra, Thụy Điển cũng có tỷ lệ lớn người dân sống trong nhà riêng của họ, thay vì sống trong những gia đình đa thế hệ như ở miền nam châu Âu.

Jeff Mold - một người Mỹ sinh sống và làm việc tại Stockholm chia sẻ với Forbes rằng anh cảm thấy hài lòng với chiến lược của Thụy Điển. "Miễn là những người có nguy cơ mắc bệnh được bảo vệ phù hợp và được chăm sóc thì việc cho phép mọi người thực hiện các hoạt động bình thường khi họ nhận thức được những chỉ dẫn cơ bản, là một giải pháp khôn ngoan. Tôi cho rằng với bản thân tôi và bạn bè của mình, chúng tôi đều cẩn trọng nhằm tránh những tình huống có thể đặt bản thân vào rủi ro".

Hơn nữa, về cơ bản, sở dĩ Thụy Điển có thể thực hiện các biện pháp đối phó với dịch Covid-19 như hiện nay là bởi người dân nước này có sự tín nhiệm cao với chính phủ.

"Không phải tất cả mọi người nhưng phần lớn là vậy", Gabriel Mellqvist - một nhà báo tại Thụy Điển cho biết.

Ngày 11/4, Thụy Điển chỉ ghi nhận 17 ca tử vong, trong khi số ca mắc Covid-19 mới trong ngày là 466, giảm đáng kể so với 2 ngày đạt đỉnh trước đó với hơn 700 ca/ngày.

Theo các chuyên gia, tháng tới sẽ là thời điểm quyết định liệu Thụy Điển đã có một chiến lược "ngược dòng" đúng đắn hay đã đi một nước cờ sai lầm đầy mạo hiểm trong cuộc chiến chống Covid-19 cam go với nhiều bước ngoặt bất ngờ./.

Theo VOV
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.