Những tình tiết bất ngờ
Liên quan đến vụ 9.000 lít chất lỏng nghi là xăng máy bay bị bắt ở Hưng Yên, theo thông tin từ Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, sau khi phát hiện sự việc, xét thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã không đồng ý với cách giải quyết ban đầu, là chỉ xử phạt hành chính đối với hành vi buôn lậu hàng không rõ nguồn gốc của các lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên. Theo đó, đã yêu cầu 389 Hưng Yên phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Theo nguồn tin của PV, đến chiều ngày 6/4, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Hưng Yên đã có báo cáo gửi Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về kết quả điều tra mới nhất. Theo đó, chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên và phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh Hưng Yên) đã làm việc với ông Trần Mạnh Tiến và ông Đặng Minh Tâm (ban đầu khai nhận là chủ hàng).
Kết quả đấu tranh buộc ông Tiến và ông Tâm khai nhận, không phải là chủ hàng cùng mua 8.815 lít chất lỏng nghi là xăng máy bay chứa trên ô tô xitec BKS 29C- 39161 mà đội Quản lý thị trường số 9, chi cục QLTT Hưng Yên đang tạm giữ.
Chiếc xe bồn chứa gần 9.000 lít chất lòng nghi là xăng máy bay đang bị tạm giữ
Ông Đặng Minh Tâm khai nhận, có mối quan hệ đồng hương với ông Nguyễn Văn Thành – cán bộ của công ty TNHH MTV 165 (thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên). Ông Thành đã nhờ ông Tâm đứng ra nhận mua xăng hộ với ông Tiến lái xe xi téc BKS 29C-39161.
Về phần mình, ông Tiến khai nhận chỉ là lái xe thuê và làm theo chỉ đạo của ông Trần Việt Quang – Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị xăng dầu Đức Minh (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Như vậy, người bán số hàng trên là ông Nguyễn Văn Thành (Chương Mỹ, Hà Nội) là Phó trưởng phòng Kế hoạch vật tư của công ty TNHH MTV 165. Người mua hàng là ông Trần Việt Quang.
Số hàng kể trên được giao dịch với trị giá 80 triệu đồng và chưa được thanh toán. Việc thỏa thuận, mua bán gần 9.000 lít xăng dầu này được thực hiện qua điện thoại giữa ông Thành, ông Quang. Quá trình bốc xếp, kiểm đếm số lượng, ông Quang giao cho lái xe Trần Mạnh Tiến thực hiện thay mình.
Ngay tại công ty TNHH MTV 165, ông Thành, ông Tiến và 5 công nhân đã bơm hút xăng từ các thùng phuy vào bồn chứa xe ô tô. Trong quá trình vận chuyển, giao hàng về kho của công ty Đức Minh thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Cũng theo Ban chỉ đạo 389 Hưng Yên, gần 9.000 lít chất lỏng đang bị tạm giữ theo lời khai của các cá nhân liên quan là xăng máy bay của cục Xăng dầu Quân đội nhập khẩu từ nước ngoài về giao cho công ty TNHH MTV 165 thuộc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (bộ Quốc phòng) quản lý để cấp phát cho các đơn vị phòng không, không quân.
Số lượng xăng này là lượng xăng dư thừa, dồn lại trong quá trình sang chiết từ tank nhập khẩu sang các thùng phuy 200 lít để cấp phát.
“Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên nhận thấy việc điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn Thành và các đối tượng có liên quan thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT thuộc bộ Quốc phòng.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia bàn giao hồ sơ vụ việc và tang vật về cục Điều tra Hình sự, các tổ chức sự nghiệp thuộc bộ Quốc phòng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên nêu rõ.
Tuy nhiên, sáng 7/4, trao đổi với PV, ông Trương Văn Ba – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn chưa nhận được báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Hưng Yên. Ban chỉ đạo 389 Quốc gia vẫn đang tiếp tục theo dõi những diễn biến tiếp theo của sự việc.
Mổ xẻ trách nhiệm các bên liên quan
Theo tìm hiểu của PV, công ty cổ phần thiết bị Xăng dầu Đức Minh đóng tại số 7, tổ 11 đường Hồ Tùng Mậu (phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được thành lập từ cuối năm 2009. Mặt hàng đăng ký kinh doanh chủ yếu là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Việc mua bán, kinh doanh nhiên liệu bay không nằm trong hạng mục các mặt hàng đăng ký kinh doanh của công ty này.
Trụ sở công ty TNHH MTV 165 tại thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên. (ảnh VNN)
Trao đổi thêm với PV, Đại tá, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), nếu số nhiên liệu dành cho máy bay kể trên được tuồn ra ngoài, sử dụng không đúng mục đích, hậu quả sẽ rất khó lường.
Vì nhiên liệu máy bay không sử dụng được cho các động cơ xăng có chì hiện nay sẽ phải pha chế thêm với các chất phụ gia khác mà chúng ta chưa xác định được là những chất gì. Việc chết máy, hỏng máy không nguy hiểm bằng khả năng dẫn đến cháy nổ phương tiện, nguy hại đến sự an toàn của người điều khiển và những người xung quanh.
Theo PGS. Hùng, qua vụ việc kể trên, cần thiết phải làm rõ đến cùng trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan để không tiếp tục xảy ra những vụ việc tương tự. Ông nhấn mạnh, việc bảo vệ người tiêu dùng trước hiểm họa là trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan.
Cũng liên quan đến hành vi trên, trao đổi với PV, luật sư Trần Quốc Hùng (đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh, đây là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan tới nhiều đơn vị nên cần phải được điều tra rõ ràng.
Phân tích thêm về hành vi rút ruột, tuồn bán xăng dầu ra ngoài của ông Nguyễn Văn Thành (Chương Mỹ, Hà Nội) – Phó trưởng phòng Kế hoạch vật tư của công ty TNHH MTV 165 và mua tài sản này của ông Trần Việt Quang – Giám đốc công ty cổ phần thiết bị xăng dầu Đức Minh, luật sư Hùng chỉ rõ:
“Xét theo tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2009, tùy theo mức độ vi phạm mà mức xử phạt. Có thể từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí tới mức từ 12 năm đến hai 20 năm hoặc tù chung thân.
Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc trên, chúng ta cần phải chờ cơ quan chức năng mới có thể biết được toàn bộ tính chất, hành vi vụ việc chứ không thể kết luận vội vàng được”.
Đỗ Huệ