Gắn với không gian di tích nổi tiếng chùa Thầy, sân khấu thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" sẽ là một trải nghiệm, giúp du khách tiếp cận với những tinh hoa trong di sản văn hóa và nghệ thuật của cộng đồng cư dân đồng bằng Bắc Bộ, mà trung tâm là chốn "kinh sư muôn đời" Thăng Long-Hà Nội.
Trong 45 phút, “Tinh hoa Bắc Bộ” đã tái hiện cảnh dân chài nhộn nhịp trên sông nước, cảnh đồng áng của dân quê, cảnh đô hội chốn thị thành, cảnh trường thi của sĩ tử, cảnh rước kiệu trong hội làng xen lẫn với sinh hoạt tín ngưỡng thờ mẫu của các giá hầu đồng, các trò chơi dân gian của trẻ thơ hay tích truyện người đẹp trong tranh Đông Hồ. Những làn điệu thấm đẫm tâm hồn Việt của chèo, dân ca quan họ, ca trù và đặc biệt là nghệ thuật múa rối nước đã được sử dụng nhuần nhuyễn trong khung cảnh làng quê Bắc Bộ.
Chương trình được trình diễn giữa không gian ngoài trời gắn với mặt nước rộng tới 4.300 m2, có nền là ngọn núi Sài Sơn hùng vĩ.
Điều đặc biệt, có đến gần 200 diễn viên tham gia vào "Tinh Hoa Bắc Bộ", chủ yếu là nông dân đang sinh sống tại chính mảnh đất Sài Sơn, Quốc Oai.
“Không ai diễn tả chân thực và sinh động nhất đời sống, văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của một vùng Bắc Bộ bằng chính những người con nơi đó. Diễn viên – bà con nông dân nơi đây chính là nguồn cảm hứng và động lực để cá nhân tôi và toàn bộ 300 anh em trong ê-kip, vượt qua mọi khó khăn và áp lực để vở diễn nghệ thuật đậm chất văn hóa này ra đời”- Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ. Ngoài ra, chương trình còn có một số lượng không lớn diễn viên là học sinh trường múa.
Nhà đầu tư của vở diễn này là Tập đoàn Tuần Châu. Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu - ông Đào Hồng Tuyển chia sẻ, ông muốn tôn vinh những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam không chỉ với người dân Việt mà còn cả với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, khi du khách nước ngoài đến Việt Nam, do thời gian lưu trú ngắn ngủi nên không thể khám phá hết được những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam. Thông qua vở thực cảnh này, du khách nước ngoài có thể hiểu được phần nào văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng muốn, các trường học cho các cháu nhỏ đến xem vở thực cảnh này để vun đắp lòng tự hào dân tộc.
“Văn hóa của dân tộc mình phồn hậu, sâu sắc và văn minh gắn với hàng nghìn năm lịch sử. Con người Việt Nam hiền lành nhưng rất anh dũng, giàu lòng vị tha, giàu lòng nhân ái… Một dân tộc như thế luôn muốn làm bạn với cả thế giới. Chúng ta phải cho du khách nước ngoài hiểu về văn hóa của chúng ta. Văn hóa là quan trọng nhất chứ không phải tiền bạc hay quyền lực. Văn hóa là nền tảng của mọi sự phát triển, dân tộc nào cũng thế.
Tại sao đất nước chúng ta có một bề dày văn hóa và chiều dài lịch sử như thế mà không dựng lên được?" - ông Đào Hồng Tuyển nói.
Vở diễn sẽ được trình diễn mỗi tối từ 19h30 (trừ thứ 3 hàng tuần) trong khán đài có sức chứa lên tới 2.500 khách.