Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ GD&ĐT

(Ngày Nay) -Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cắt giảm các điều kiện kinh doanh mạnh mẽ hơn, thực chất hơn; khắc phục các tồn tại, tạo thay đổi thực chất; khi có vấn đề nhạy cảm, Bộ phải phát hiện sớm, phản ứng nhanh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 28/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiến độ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.

 Tại buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành giáo dục thời gian qua, nhất là của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, với những kết quả trên nhiều lĩnh vực.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về một số vấn đề đang được dư luận rất quan tâm để Bộ trưởng giải trình, báo cáo thêm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đó là vấn đề biên chế giáo viên; vấn đề liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo và các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo gần đây; việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư; tình hình thực hiện các kết luận của Thủ tướng sau các cuộc làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng; công tác cải cách hành chính của Bộ…

Có thể lên tới 1.000 điều kiện kinh doanh?

Tham gia đoàn công tác, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đều đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, có những thay đổi căn bản, thực chất trong việc cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

TS Nguyễn Đình Cung nhắc tới ví dụ được nêu tại một hội nghị hồi năm ngoái, đó là một doanh nghiệp phải dùng xe taxi để chở hồ sơ xin thành lập trường. “Bộ báo cáo hiện còn 212 điều kiện kinh doanh, nhưng tôi nghĩ tính ra phải lên tới gần 1.000 điều kiện, vì mỗi gạch đầu dòng lại bao gồm 3, 4, thậm chí 5 điều kiện con”, ông Cung nhận xét.

Ví dụ, một điều kiện thành lập trường mẫu giáo là phải có đề án thành lập phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế  xã hội, phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ông Cung cho rằng điều kiện này gồm ít nhất 2 điều kiện con, chưa kể các loại quy hoạch còn do nhiều cấp thực hiện như Trung ương, tỉnh, huyện. 

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung tiếp tục đưa ra những ví dụ như quy định phòng học phải thoáng mát, thậm chí tường bao bên ngoài phải được làm bằng chất liệu gì, nền nhà phải láng xi măng hoặc lát gạch sáng màu… “Vậy lát nền bằng thứ khác không được à? Những quy định như thế rất nhiều, theo một tư duy hành chính, hoàn toàn tiền kiểm”, ông Cung nhận xét.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết các khâu trong quá trình thành lập một cơ sở giáo dục bị trùng lặp, nhiều quy định chung chung, không rõ ràng, cơ quan cấp phép có toàn quyền cấp phép hoặc không, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

“Ví dụ yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thì thực hiện thế nào? Rồi yêu cầu đội ngũ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý… thì thực hiện thế nào? Rồi có đủ nguồn lực tài chính để duy trì và phát triển, đó là nhu cầu tự thân của nhà đầu tư”, ông Phòng nêu ví dụ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các Thứ trưởng, lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ đã báo cáo làm rõ về các nội dung trên.

Những cam kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, tuyệt đại đa số giáo viên có phẩm chất, đạo đức tốt, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, nhưng một số ít vẫn có tình trạng tiêu cực như đánh trẻ, ép học sinh học thêm… 

“Có 4 nguyên nhân chính: Một số giáo viên không chịu tu dưỡng; cường độ làm việc quá tải; chính sách còn chưa thực sự tạo điều kiện cho giáo viên phấn đấu; việc kiểm tra, xử lý có lúc chưa nghiêm”, Thứ trưởng phân tích.

Bộ luôn quan tâm vấn đề này và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như quy định về chuẩn giáo viên, triển khai Nghị định Chính phủ về xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, xây dựng đề án văn hóa trường học với bộ khung quy tắc ứng xử, tăng cường phối hợp với các địa phương xử lý các vụ việc xảy ra…

Làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là một trong những nội dung nóng mà Bộ đang tập trung chỉ đạo. “Đã có những quy định nhưng khâu yếu là việc tổ chức thực hiện, chúng tôi đã thấy rõ và đã đưa vào chương trình hành động, nhưng thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần thời gian. Chất lượng dạy chữ, dạy văn hóa thì khá yên tâm, nhưng cần tăng cường dạy lễ, dạy người. Chúng tôi sẽ làm mạnh hơn để tạo chuyển biến rõ nét”, Bộ trưởng phát biểu.

Về việc công nhận giáo sư, phó giáo sư, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết qua rà soát thì cơ bản các ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn. Về 94 ứng viên có phản ánh về hồ sơ, Bộ đã lập đoàn kiểm tra, làm việc rất kỹ và tới 31/3 này sẽ kết thúc, tinh thần là hết sức nghiêm túc.

Cùng với đó, Bộ đang tích cực chuẩn bị trình các tiêu chuẩn mới cho giáo sư, phó giáo sư, tuy nhiên việc này cần làm rất kỹ và mất nhiều thời gian do liên quan tới nhiều nhóm ứng viên trong các lĩnh vực rất khác nhau, đồng thời phải vừa phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, vừa theo tiêu chuẩn quốc tế. Bộ tiêu chuẩn mới này sẽ sớm được trình cấp có thẩm quyền để xử lý các vấn đề bức xúc theo tiêu chuẩn cũ.

Bộ trưởng cũng cho biết đã có các buổi làm việc rất cụ thể với các đại học quốc gia, đại học vùng để triển khai kết luận của Thủ tướng, hiện đang đôn đốc các trường này.

Trân trọng cám ơn và tiếp thu các ý kiến góp ý đã nêu “những việc chưa làm được và cả những vấn đề mà Bộ chưa nhận ra”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp tục rà soát lại các quy định, thủ tục, nhất là các điều kiện kinh doanh.

Đồng ý với ý kiến là phải thay đổi cách tiếp cận một cách mạnh mẽ, tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng giáo dục và đào tạo là ngành rất đặc thù. “Chúng tôi sẽ quyết liệt cải cách để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng phải bảo đảm chất lượng, không buông lỏng chất lượng. Tôi tin các nghị định mới về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ tạo bước chuyển rất lớn, thông thoáng cho nhà đầu tư”, Bộ trưởng cam kết.

Tạo chuyển biến, đổi mới thực chất

Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao các nội dung giải trình của Bộ về các vấn đề được nêu. Tinh thần làm việc của Tổ công tác là kiểm tra nhằm tạo chuyển biến, đổi mới thực chất trong hoạt động của các bộ, cơ quan, địa phương.

Nhắc lại quan điểm của Đảng và Nhà nước, “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng đây là lĩnh vực liên quan đến mọi người, mọi gia đình.

Tổ công tác ghi nhận những nỗ lực rất lớn của Bộ và cá nhân Bộ trưởng đã rất quyết liệt trong việc cải cách bộ máy như thu gọn đầu mối, không còn cấp phòng trong vụ, sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học…

Với các gợi ý của Thủ tướng – đều là những vấn đề rất lớn, mang tính toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch triển khai, khắc phục các tồn tại, tạo thay đổi thực chất.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý phải nhìn nhận rất khách quan đâu là trách nhiệm của Bộ, đâu là trách nhiệm của địa phương, nêu hướng xử lý với các giải pháp tích cực.

“Có những vấn đề như tuyển dụng giáo viên là thẩm quyền của địa phương, nhưng với vai trò quản lý nhà nước, Bộ phải nắm bắt vấn đề, báo cáo Thủ tướng. Khi có vấn đề nhạy cảm xã hội nêu ra thì Bộ phải phát hiện sớm, phản ứng nhanh, lên tiếng dứt điểm bằng các văn bản chỉ đạo, công khai trên báo chí, minh bạch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Về việc rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết liệt triển khai, có báo cáo cụ thể, chi tiết, nhưng cần tiến hành thực chất hơn.

“Muốn xã hội hóa mạnh hơn, thu hút đầu tư mạnh hơn thì thủ tục phải gọn ghẽ hơn, chứ hiện nay thành lập ngay cả một trường mầm non cũng không đơn giản. Ở địa phương, tôi từng đi kiểm tra một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, dụng cụ học tập thì đầy đủ nhưng vẫn còn nguyên như mới, nghĩa là không sử dụng. Cần xử lý từ những vấn đề rất nhỏ như vậy”, Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý và đề nghị Bộ cố gắng rà soát, cắt giảm nhiều hơn nữa các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Theo Chính phủ
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.