Ngày 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tổ đại biểu số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ (TP Hà Nội). Cuộc tiếp xúc diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII kết thúc và trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc ngày 21/5), báo Pháp luật TP HCM đưa tin.
Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Viết Hoàn - cử tri quận Ba Đình, bày tỏ công cuộc chống tham nhũng với việc xử lý nhiều quan chức vơ vét, đục khoét ngân sách, làm giàu bất chính… đã làm nức lòng dân. Tuy nhiên, qua các vụ án lớn, các vụ xử lý kỷ luật cán bộ thời gian rồi, có thể thấy nhiều vụ phạm tội diễn ra từ rất nhiều năm trước nhưng chậm xử lý.
Từ đó, cử tri Hoàn đặt một loạt câu hỏi: "Phải chăng Đảng buông lỏng kiểm tra, thanh tra và liệu có người chống lưng? Phải chăng công tác quản lý cán bộ nói chung, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, trong đó có việc đưa cán bộ vào cấp chiến lược nói riêng, còn quá xem nhẹ?".
Ông Hoàn cũng nêu thực trạng những vụ án, vụ bị xử lý kỷ luật thời gian gần đây đều rơi vào cán bộ cấp cao ở trung ương, địa phương, bộ, ngành. Điều đó cho thấy tham nhũng đã "leo đến bậc thang cửa quyền".
Cử tri Đặng Đức Quy (quận Tây Hồ) thẳng thắn chỉ ra tình trạng một số tướng lĩnh của Bộ Công an bị khởi tố và bắt tạm giam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: Ngay cả ở những lĩnh vực cao nhất kiểm soát tội phạm của quốc gia, nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu thì cũng khó tránh khỏi sự tha hóa quyền lực. "Điều nguy hiểm là người đứng đầu cơ quan cảnh sát điều tra quốc gia lại là người bảo kê cho tội phạm, người đi thanh tra đại diện cho công lý lại bị cám dỗ bởi vật chất. Hỏi rằng có giữ được cán cân công lý hay không, nhân dân biết tin vào đâu?" - báo Người Lao Động trích lời ông Quy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với các cử tri. Ảnh: Người Lao Động |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau đó đã cảm ơn cử tri đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Tổng Bí thư cho hay lần tiếp xúc cử tri nào, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng rất được quan tâm, càng chứng tỏ vấn đề này hết sức quan trọng.
“Vừa qua chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Nếu không có sự ủng hộ của các cử tri, của toàn thể nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thành công được” - Tổng Bí thư nói.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta không chỉ “chống” mà cơ bản, lâu dài và cái chính là phải “xây” để ngăn ngừa, răn đe và nếu đừng xảy ra là tốt nhất.
“Chống là cấp bách và làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống. Nhưng xây để cho lâu dài. Như tôi đã từng cảnh báo, ai đã nhúng chàm thì tự gột rửa đi” - Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho rằng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không phải xử nặng đã là tốt mà quan trọng là người bị xử phải nhìn thấy sai lầm, khuyết điểm của mình, cũng như phải thu hồi được tài sản tham nhũng thì mới được lòng dân.
“Chống tham nhũng là phải vừa kiên quyết, quyết liệt nhưng phải rất nhân văn. Phải mở đường cho người ta tiến chứ không phải vùi dập người ta, đánh cho một đòn chết tươi. Lò nóng, thậm chí nóng rực lên rồi nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Phải kiên trì, quyết tâm chứ không bỏ dở giữa chừng, phải làm quyết liệt, đến cùng nhưng phải có cách làm” - Tổng Bí thư phân tích.
“Như lần trước tiếp xúc cử tri, các bác nói xử lý Đinh La Thăng cảnh cáo, cho thôi ủy viên Bộ Chính trị là nhẹ quá. Tôi nói là vẫn còn đang làm. Bây giờ xử 30 năm tù và khai trừ ra khỏi Đảng, như vậy đã được chưa? Trong lịch sử chưa bao giờ một ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý như vậy. Chúng ta cứ làm từng bước chắc chắn” - Tổng Bí thư khẳng định.
Tổng hợp