Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với nỗi đau buồn và niềm tiếc thương vô hạn, chúng ta vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, tài năng, nhà văn hóa lớn, tấm gương đạo đức sáng ngời, một nhân cách mẫu mực, người cộng sản kiên trung, trọn đời vì nước, vì dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đồng chí còn là người kế tục và thực hành xuất sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhà lý luận uyên bác, tài ba của Đảng, người tiên phong trong việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nâng tầm nền lý luận chính trị Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Bầu nhiệt huyết đam mê khoa học lý luận chính trị không ngừng chảy

Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) là nơi khởi nguồn cảm hứng sâu đậm, lúc nào cũng tràn căng sức sống cho một cuộc đời học tập và nghiên cứu không ngừng nghỉ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, trải qua nhiều công việc khác nhau, từ một cán bộ Phòng tư liệu tạp chí lúc tuổi còn thanh niên cho đến khi trở thành Tổng Biên tập, đồng chí đã viết, biên tập hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu lý luận chính trị, không chỉ bằng sự trải nghiệm, tri thức được tích lũy, mà còn hơn thế, đó là với niềm đam mê, ý thức trách nhiệm của một nhà khoa học, nhà báo tài năng.

Hơn 8 năm là Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng và sau này trên cương vị Tổng Bí thư, người đứng đầu Đảng ta, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng vẫn dành nhiều tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng.

Bởi vậy, những tác phẩm, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn ở tầm cao lý luận chính trị và tư duy chiến lược, uyên thâm, sâu sắc, đúng như: “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Hình ảnh giản dị, phong cách khiêm nhường, kiến thức sâu rộng và trí tuệ mẫn tiệp của đồng chí là tiêu biểu phẩm chất, trí tuệ một bậc trí thức lớn, luôn dành trọn niềm tin yêu, mến mộ của giới khoa học trong nước và quốc tế. Đồng chí đã đi xa nhưng những tác phẩm, công trình, bài viết, bài phát biểu mà đồng chí để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho cộng đồng khoa học Việt Nam và kho tàng tri thức của nhân loại sẽ mãi là tài sản vô giá, đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước và trường tồn cùng dân tộc.

Lý luận phải có tầm nhìn vượt trước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu đổi mới, sáng tạo trong công tác lý luận; phải gắn kết nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách, để lý luận thật sự mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống, soi đường, dẫn dắt thực tiễn và là cơ sở vững chắc cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Đồng chí phê phán: “Căn nguyên của bệnh chủ quan là do kém lý luận, coi thường lý luận và lý luận suông; nguyên nhân của bệnh giáo điều là do xa rời thực tiễn, không sâu sát thực tiễn”. Đồng chí căn dặn Hội đồng Lý luận Trung ương: “Không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn”.

Để kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, đồng chí đề ra hai nguyên tắc biện chứng quan trọng, đó là: Kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển. Phải luôn kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là điều hết sức quan trọng, là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Đồng thời, phải biết kế thừa những thành quả phát triển hợp lý của thực tiễn; những tư tưởng, quan điểm, đường lối đã được triển khai trong thực tiễn và được thực tiễn chứng minh là đúng.

Tất nhiên, chúng ta không kiên định, kế thừa một cách máy móc, tùy tiện mà kiên định luôn đi đôi với đổi mới; và đổi mới phải có nguyên tắc, đổi mới để phát triển chứ không phải đổi mới một cách nóng vội, cực đoan. Theo đó, đồng chí yêu cầu: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

Tiên phong bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới

Gắn bó với sự nghiệp xây dựng nền lý luận chính trị Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong lần cuối cùng làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương, người đứng đầu Đảng ta vẫn luôn đau đáu một điều: “… Đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một số bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng; và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam”.

Mấy năm nay, dù sức khỏe không còn được như trước, nhưng đồng chí Tổng Bí thư vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết và trí lực cho công tác lý luận của Đảng. Chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đồng chí lưu ý rằng: Nhiệm kỳ tới này có vấn đề gì mới? Phải chăng chúng ta cần tổng kết 40 năm đổi mới để luận giải sâu sắc về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước? Đây phải chăng là nền tảng, động lực để truyền cảm hứng, đem lại niềm phấn khởi và tự hào cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, để nhân dân ta vững tin vào quan điểm, đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại?

Đúc kết, khái quát một cách khoa học, khách quan, toàn diện về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta, đồng chí chỉ rõ: Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, nhưng đó cũng là con đường vinh quang mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn. Bởi lẽ, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm có một xã hội mà trong đó “sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người… sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội… một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm… sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường... một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Đây cũng là nguyện ước của Bác Hồ kính yêu và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Từ thực tiễn của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí đã hết sức quan tâm và chỉ đạo trực tiếp việc bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới Việt Nam, như một điểm mới nổi bật trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đồng chí gợi mở, đó phải là hệ thống lý luận sâu sắc, toàn diện về những vấn đề có tính quy luật của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên cơ sở kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa tư tưởng của nhân loại.

Lý luận về đường lối đổi mới phải thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học, cách mạng, đổi mới của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về hoàn thiện mô hình phát triển Việt Nam mang đặc trưng nổi bật là ổn định đi liền với đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, lấy con người làm trung tâm, dựa trên ba trụ cột: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; về đổi mới đồng bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…; về tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn, mang tính biện chứng; và về nhân tố “ý Đảng, lòng Dân” có ý nghĩa quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Những tư tưởng chỉ đạo ở tầm cao lý luận

Cả cuộc đời không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, trăn trở với những vấn đề lý luận và thực tiễn, ở đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội tụ những phẩm chất, tài năng của một nhà chính trị đặc biệt xuất sắc, một nhà văn hóa lớn và nhà khoa học uyên bác. 35 cuốn sách tập hợp các bài viết, bài phát biểu, các công trình nghiên cứu của đồng chí đã kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, thể hiện tầm cao lý luận, tư duy chiến lược, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta trên những vấn đề cốt lõi, hệ trọng nhất của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới.

Bàn về những vấn đề lý luận rộng, khó, phức tạp nhưng với cách trình bày đơn giản, diễn đạt dung dị, chắt lọc từ đời sống thực tiễn, với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là tư tưởng “dân là gốc”, nhân dân là chủ thể và là trung tâm của công cuộc đổi mới, mỗi tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư đều có sức thuyết phục, cảm hóa đặc biệt, lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, được đông đảo bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và đánh giá cao. Đồng chí thật sự là nhà lý luận vì nhân dân và sống trong lòng dân.

Từ thực tiễn sinh động, đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc khái quát, bổ sung và luận giải sâu sắc 10 mối quan hệ lớn phản ánh những vấn đề mang tính quy luật biện chứng của quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước cần được xử lý thật tốt. Đó là các mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Về kinh tế, đồng chí khẳng định, việc đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta. Đó là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” và về xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng chí đã cùng với Đảng ta đề ra những quyết sách sáng suốt về chấn hưng nền văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, để văn hóa, con người thật sự trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng chí đã cùng với Đảng ta đúc kết, nâng tầm tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; phát huy vai trò tiên phong của nền ngoại giao toàn diện; hết sức chú trọng xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc; quân đội, công an là hai cánh của một con chim, phải là thanh bảo kiếm và tấm khiên chắn vững chắc của chế độ. Từ khai mở và định hướng rất quan trọng của Tổng Bí thư, Đảng ta đã không ngừng hoàn thiện và phát huy trường phái đối ngoại và ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường; đạt được những thành tựu to lớn, những bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực đối ngoại của đất nước thời gian qua.

Gần 3 nhiệm kỳ qua, đồng chí Tổng Bí thư đã để lại dấu ấn hết sức nổi bật trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quyết liệt đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Những lời căn dặn rất sâu sắc, thấm thía của đồng chí về: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”; dựa vào dân để xây dựng Đảng, không kiểm tra, không lãnh đạo, đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, chống tham nhũng ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm; không liêm, không sạch thì không nói được ai, “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”… đã chạm đến trái tim, khắc sâu trong tâm khảm và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Người kế tục xuất sắc sự nghiệp “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động nhắc lại lời huấn thị thiêng liêng của Bác Hồ: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Lời dặn dò tâm huyết của đồng chí: Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững; cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và rèn luyện tác phong chuẩn mực cho đội ngũ học viên; và phải kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị hoặc học đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội, đã trở thành kim chỉ nam cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng ta trong tình hình mới.

Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta luôn trăn trở, làm sao để xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đặc biệt, làm sao để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm chung để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, mang lại đột phá mới trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước. Đồng chí cũng căn dặn: Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu thì càng xuất hiện nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn phức tạp; do vậy, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ lý luận chính trị đủ năng lực để giải đáp được những vấn đề này trong giai đoạn mới.

Bằng cuộc đời thanh cao và giản dị, trong sáng và đẹp đẽ, bằng đạo đức cách mạng mẫu mực, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, bằng sự quan tâm sâu sắc dành cho đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế, ở đồng chí Tổng Bí thư đã hội tụ và kết tinh những giá trị đẹp đẽ và cao quý nhất của văn hóa chính trị Việt Nam; đồng chí là một nhân cách lớn, sự hòa quyện giữa nhà lãnh đạo, nhà lý luận và nhà văn hóa; là hình ảnh người thầy mẫu mực, tấm gương ngời sáng để cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn nữa, nhưng những di sản mà đồng chí để lại, tâm nguyện cao đẹp, tư tưởng nhân văn và đạo đức trong sáng của đồng chí vẫn mãi còn với chúng ta; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để chúng ta quyết tâm tiến bước trên con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại và vinh quang mà Đảng ta, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vì một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN XUÂN THẮNG

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo Báo Nhân Dân
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản Mỹ Sơn
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản Mỹ Sơn
(Ngày Nay) - Ngày 3/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng Đoàn công tác đã đến thăm và chúc mừng Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhân kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2024).
Phở Việt Nam vươn tầm ẩm thực quốc tế
Phở Việt Nam vươn tầm ẩm thực quốc tế
(Ngày Nay) - Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phở không những là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng mà giờ đây đã trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực phong phú của người Việt Nam nói chung và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, vươn tầm ẩm thực thế giới.
Trung Quốc có sách lược thương mại mới để ứng phó với chính quyền Trump 2.0
Trung Quốc có sách lược thương mại mới để ứng phó với chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) - Trước nguy cơ căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, Bắc Kinh đã phát triển một chiến lược toàn diện và quyết liệt để ứng phó với các chính sách cứng rắn của chính quyền Trump 2.0. Với các công cụ pháp lý như "danh sách thực thể không đáng tin cậy" và khả năng kiểm soát nguồn cung đất hiếm, Trung Quốc đang phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự sẵn sàng đối đầu.
Truyền cảm hứng cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và tinh thần lãnh đạo
Truyền cảm hứng cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và tinh thần lãnh đạo
(Ngày Nay) - Sáng 3/12, hơn 150 thanh niên, học sinh đã cùng lắng nghe và thảo luận những câu chuyện thành công, chia sẻ các sáng kiến trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và vai trò lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề
Tăng gắn kết với doanh nghiệp, nâng hiệu quả đào tạo nghề
(Ngày Nay) -  Đích đến của giáo dục nghề nghiệp là cung ứng lực lượng lao động trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn kết với đơn vị sử dụng lao động là giải pháp quan trọng, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề.
OECD cảnh báo nguy cơ AI tạo sinh làm gia tăng bất bình đẳng
OECD cảnh báo nguy cơ AI tạo sinh làm gia tăng bất bình đẳng
(Ngày Nay) -  Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh sẽ tác động khác nhau đến thị trường việc làm địa phương ở các nước thành viên, làm trầm trọng thêm khoảng cách thu nhập và năng suất giữa thành thị và nông thôn hiện nay, cũng như khoảng cách số giữa các khu vực.
Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp quá tải số lượng vệ tinh và rác vũ trụ
Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp quá tải số lượng vệ tinh và rác vũ trụ
(Ngày Nay) -  Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp đang trở nên quá tải và tiềm ẩn nguy cơ va chạm cao với sự gia tăng nhanh chóng của vệ tinh và rác vũ trụ. Chính vì vậy, các chuyên gia trong ngành kêu gọi các quốc gia và các tập đoàn vũ trụ hợp tác và chia sẻ dữ liệu cần thiết để quản lý khu vực không gian dễ tiếp cận nhất này.