Theo Tổng cục Thuế, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành rà soát các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế trong nhiệm vụ cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Do đó, cơ quan thuế đã triển khai thực hiện đề án “Đánh giá thực trạng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Qua đó, đánh giá đầy đủ những hạn chế của pháp luật, về số thuế “hao hụt” do các chính sách ưu đãi thuế so với chuẩn quốc tế hoặc do lợi ích nhóm...
Ngành thuế sẽ tập trung xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi của từng doanh nghiệ, sau đó sẽ đề xuất các giải pháp về chính sách thuế, quản lý thuế.
Dự kiến tới quý 4/2018, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các kết quả nghiên cứu của dự án và triển khai các công việc từ kết quả nghiên cứu trên.
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp để các nước cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, biện pháp ưu đãi thuế này ít được các nước phát triển áp dụng vì thường gây méo mó nền kinh tế, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các chính sách ưu đãi này để giảm nghĩa vụ thuế.
Ngược lại, các nước đang phát triển, gồm hầu hết các nước châu Á và ASEAN sử dụng biện pháp ưu đãi thuế để thu hút đầu tư.
Tại Việt Nam, chính sách ưu đãi thuế đã góp phần tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng ghi nhận, các chính sách ưu đãi thuế còn bộc lộ các mặt hạn chế, như nhà đầu tư nước ngoài thường chuyển máy móc, thiết bị đã lạc hậu, lỗi thời, biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghiệp. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư tập trung vào các ngành khai thác tài nguyên, khoáng sản do đó không gây hiệu ứng lan tỏa vốn, phát triển không bền vững.
Thậm chí, một số dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp gây tàn phá, ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả nặng nề và chi phí khắc phục vô cùng lớn phía Việt Nam phải gánh chịu.
Theo tính toán của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), thất thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp bằng khoảng 4 - 10% sổ thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu. Tương đương từ 100 tỷ USD đến 240 tỷ USD mỗi năm.
Theo Tiền Phong