Dẫn một nguồn tin thân cận trong chính phủ, hãng tin AP cho biết Tổng thống Biden và ông McCarthy về cơ bản đã nhất trí trong các vấn đề liên quan tới hạn chế chi tiêu liên bang và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang rình rập trước thời hạn ngày 5/6. Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận này vẫn chưa được công bố.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Biden cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội để thảo luận về những diễn biến của các cuộc đàm phán. Hạ nghị sĩ Patrick McHenry, một trong những nhà đàm phán hàng đầu khẳng định: "Những vấn đề lớn, gai góc nhất vẫn chưa được giải quyết và đây sẽ là những vấn đề mà Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện phải trực tiếp thảo luận".
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cũng đã có cuộc họp với các nhà đàm phán Cộng hòa tại Đồi Capitol sáng 27/5 để thống nhấp lập trường trong việc thúc đẩy một thỏa thuận tăng giới hạn vay của quốc gia và tránh để xảy ra một vụ vỡ nợ liên bang, cũng như yêu cầu việc cắt giảm chi tiêu. Ngay sau đó, ông McCarthy thông báo rằng các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa đã "tiến gần hơn đến một thỏa thuận".
Cuộc điện đàm kéo dài hơn 1 tiếng giữa Tổng thống Biden và ông McCarthy diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố trước Quốc hội rằng nước Mỹ có thể vỡ nợ trước ngày 5/6 - muộn hơn bốn ngày so với dự báo trước đó - nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời để nâng trần nợ liên bang. Việc “ngày X” được nới ra giúp hai bên có thêm một chút thời gian để hướng tới một thỏa thuận chung.
Tổng thống Biden và ông McCarthy dường như đang thu hẹp được khác biệt trong thỏa thuận cắt giảm ngân sách hai năm, qua đó sẽ kéo dài giới hạn nợ đến năm 2025 sau cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Trên cơ sở đó, hai bên có thể sẽ hướng tới những nội dung cụ thể trong thỏa thuận cắt giảm chi tiêu cho năm 2024 và áp đặt giới hạn 1% đối với tăng trưởng chi tiêu cho năm 2025.
Thỏa thuận giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy sẽ là bước đệm quan trọng để ngăn chặn một vụ vỡ nợ có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ. Giới quan sát cho rằng kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc khi kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo.
Dự kiến, sau khi hai bên đạt được đồng thuận, các thành viên Hạ viện sẽ có 72 giờ để rà soát lại các đề xuất trước khi bỏ phiếu. Tiếp đến, đề xuất sẽ cần phải thông qua ý kiến Thượng viện. Khi cả hai viện thống nhất thông qua, dự luật sẽ được chuyển cho ông Biden ký ban hành luật chính thức.