Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (địa phương duy nhất của TP HCM giáp biển) - cho biết, các phương án ứng phó với mọi tình huống, giảm tối đa thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 12, đều đã sẵn sàng.
"Các xã được lệnh trực 24/24, chỉ cần có lệnh của thành phố sẽ triển khai ngay. Hiện có 1.400 cán bộ, chiến sĩ túc trực", ông Dũng nói và cho biết tại đảo Thạnh An, nếu mức độ nhẹ cho sơ tán dân tại chỗ. Trường hợp bão có nguy cơ đổ bộ vào sẽ sơ tán dân vào đất liền để đảm bảo an toàn.
Mọi kế hoạch của Cần Giờ đều đã được chuẩn bị kỹ, do hồi tuần trước Trung ương và TP HCM phối hợp tổ chức buổi diễn tập phòng chống cứu nạn cứu hộ khi xảy ra thiên tai tại đây, có rất nhiều lực lượng tham gia.
Ngoài ra, huyện đã chuẩn bị các công trình, trường học, trụ sở UBND kiên cố để có phương án di dời dân đến tránh bão. Nhu yếu phẩm cần thiết cũng được chuẩn bị, tàu thuyền đang hoạt động trên biển đã được thông báo vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Trung tâm chống ngập TP HCM cũng triển khai cho đơn vị thuê bao là Công ty thoát nước đô thị thành phố kiểm tra, rà soát tất cả các điểm có nguy cơ ngập, túc trực ở hơn 40 trạm bơm để xứ lý.
Hơn 500 người của đơn vị thoát nước cũng rải đều các quận huyện, túc trực 24/24. Hàng chục phương tiện máy móc thiết bị (xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm) được huy động thường xuyên tham gia chống ngập.
Trước đó, trong công văn khẩn gửi các đơn vị, UBND TP HCM đề nghị chủ động công tác ứng phó với mọi tình huống; giảm tối đa thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 12.
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu người đứng đầu các sở ngành, lãnh đạo các địa phương tập trung triển khai phòng chống theo phương án ứng phó khi bão mạnh hoặc rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố.
Phương án chi tiết cần đưa ra để huy động vật tư, phương tiện, các lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa trước áp thấp nhiệt đới; đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cùng với UBND huyện Cần Giờ, Sở NN&PTNT thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản; duy trì thông tin, liên lạc các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ cho đến khi tàu vào bờ neo đậu an toàn.
Tùy theo diễn biến của cơn bão, UBND giao Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến ra khơi... hoạt động.
Huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố ngay khi có lệnh của UBND thành phố. Đặc biệt, việc di tản người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật... phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.
UBND TP giao Sở GTVT dự phòng huy động phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy để đáp ứng yêu cầu di chuyển dân cư, lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ, ngập lụt.
Theo dự báo, hoàn lưu áp thấp và bão có thể gây mưa lớn ở khu vực Nam Bộ. Đồng thời, mực nước triều trên sông Sài Gòn - Đồng Nai đang lên cao có khả năng vượt mức báo động cấp 3 (hơn 1,5 m). Do vậy, UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương chủ động phòng tránh tổ hợp bất lợi (bão gây mưa lớn và triều cường) nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng 2/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão thứ 12 trong năm và có tên quốc tế là Damrey.
7h, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 380 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh 75 km/h (cấp 8), giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm.
Sáng 3/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận khoảng 420 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 14.