Nổi tiếng với khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù do nằm ở vùng núi đá bao phủ bốn bề, việc trồng trọt của đồng bào sinh sống trên cao nguyên đá Hà Giang càng trở nên vất vả, đòi hỏi sự thấu hiểu địa hình và thích ứng với thiên nhiên khắc nghiệt. Với kỹ thuật canh tác hốc đá, người dân đã sử dụng các nông cụ thích hợp với điều kiện canh tác, như cày, bừa, cuốc bướm.
Cày sử dụng trên nương đá là loại cày do người Mông chế tác, phù hợp với địa hình đất dốc, nhiều đá. Thân cày chắc khỏe, lưỡi cày có hình tam giác cân, nhỏ, dày, mũi hơi tù và nặng, chịu được lực khi va đập vào đá.
Bừa có hai loại: bừa tay và bừa chân. Bừa tay là loại bừa có tay ngang để người sử dụng cầm ấn xuống khi bừa. Bừa chân được dùng thông dụng hơn, thường có dạng hình chữ nhật, cấu tạo chắc chắn, với hai hàng răng, không có tay giữ, khi bừa, người điều khiển phải đứng lên bừa.
Với nơi đất khô cứng, người bừa phải xếp thêm đá lên thân bừa để tạo sức nặng, cho bừa sâu hơn, làm cho tơi đất. Cuốc bướm có lưỡi mỏng, to bản, hình tam giác, cong ở phần chuôi, nhọn hai đầu, nên thuận lợi cho việc cào, vơ cỏ, vun gốc trên nương đá.
Vào mùa xuân khi tiết trời ấm áp, bà con bắt đầu khai phá, rẫy cỏ, xếp đá làm hàng rào. Khai phá để làm nương là công việc tốn nhiều công sức và thời gian nhất đối với bà con vùng cao nguyên đá. Khi muốn tạo một mảnh nương mới, đồng bào thường chọn khu vực có nhiều ánh nắng, không quá dốc, tốt nhất là khu vực có nhiều cây mọc.
Sau đó, người dân phát cỏ và cây bụi theo nguyên tắc phát từ dưới lên. Công việc tiếp theo là nhặt đá xếp thành bờ ở sườn phía dưới của nương để giữ cho nương không bị sạt lở, xói mòn và rửa trôi màu. Nếu không đủ đá tại chỗ để xếp thành bờ, đồng bào thường tìm đá ở xung quanh xếp thêm lên.
Khí hậu và thổ nhưỡng khắc nghiệt của Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Quá trình khai thác nương, xếp đá chủ yếu được tiến hành bằng phương pháp thủ công. Những đoạn nương dài và nhiều đất thì bờ đá được kè cao, chạy dọc theo sườn thấp của nương, với diện tích rộng thì có thể làm thành nương bậc thang.
Thông thường, để tận dụng tối đa đất canh tác, đồng bào không chỉ xếp đá ở những nơi có diện tích rộng, tại những sườn phía trên cao của nương, những chỗ nhiều đá không thể san bằng được, đồng bào thường kè thành những hốc đá kín, sau đó gùi thêm đất đổ vào đó. Việc xếp đá tạo thành những bờ ngăn, thành những mảnh nương là công sức của nhiều thế hệ cộng đồng các dân tộc nơi đây, trải qua thời gian dài mới có được những mảnh nương xanh ngát như ngày nay.
Do việc canh tác thổ canh trên nương phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên nên thường chỉ trồng được một vụ ngô chính. Sau khi thu hoạch ngô xong, đồng bào tận dụng đất để trồng thêm một số loại cây lương thực, hoa màu khác. Ngoài ngô, sản phẩm từ nương thổ canh hốc đá còn có tam giác mạch và một số loại cây được trồng khá phổ biến trên nương thổ canh hốc đá, như đậu tương, đậu Hà Lan, đậu răng ngựa, dong riềng,… Riêng với người Mông, đồng bào còn trồng lanh để dệt vải may trang phục.
Đến nay, kỹ thuật canh tác hốc đá vẫn là phương thức chủ đạo trong hoạt động sản xuất của đồng bào vùng cao nguyên đá Hà Giang. Tri thức này thể hiện sức sống mạnh mẽ, tinh thần giữ đất, giữ làng, dù khó khăn đến đâu, các dân tộc vẫn tìm tòi sáng tạo, duy trì cuộc sống no đủ cho các thành viên. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác hốc đá còn tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc - văn hóa ứng xử với thiên nhiên và xây dựng môi trường sống.
Vì những giá trị đặc biệt nêu trên, “Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thuộc các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL vào ngày 25/8/2014.