_____________
1. Xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi nằm giáp ranh huyện Hóc Môn, gần đây vẫn nổi tiếng với vụ án một kẻ cầm súng bắn hàng loạt bạn cờ bạc, cái tên quê vì thế cũng trở nên ám ảnh.
Nhưng nếu một ngày chán phố, thèm hít một hơi trong lành căng đầy phổi, đừng đi đâu xa mà hãy ghé lại Tân Thạnh Đông. Bỏ qua mặt tiền với những căn nhà lầu chuẩn phố, rẽ bất kì con đường nhỏ nào, cho đến khi tắt hẳn tiếng xe cộ gầm gừ, gió bắt đầu thơm hương lúa, mảng xanh cứ thế hiện ra…
Nội ô có thể không đêm ngày, nhưng ở đây ngày và đêm của nếp sống con người phân biệt rất rõ. Làng quê say ngủ vào 8 giờ tối, chỉ còn tiếng chó sủa râm ran. Bên sông có giọng ca mùi vẳng lại, một em bé khóc, một bà mẹ ru hời, một chú dế đi hoang, tìm bạn tình thổn thức gáy suốt đêm, và đom đóm như những vì sao trồi lên từ lòng đất.
Đêm không rền rĩ như phố, đêm nơi này thầm thì kể chuyện.
Một hệ sinh thái đặc sắc làng quê Nam bộ còn hầu như đủ đầy tại nơi đây |
Sáng mùa mưa đẫm sương, sáng mùa nắng hiu hiu gió, chưa bao giờ có cái nóng nực nồng thiêu đốt, bởi làng có một nhánh sông nhỏ lặng lẽ chảy qua. Một dòng sông lẻ, nhỏ nhoi, nước chưa bao giờ chảy xiết, người xã này gọi là Rạch Cổ Cò.
Đoạn rộng nhất cũng chỉ tầm hơn hai chục sải tay, vẫn đủ đầy tôm cá, vẫn nước lớn nước ròng, bao dung cưu mang những mảnh đời, sống bám vào sông. Muôn đời sông quê là vậy, mỏi mòn bất tận, chỉ có trôi đi và cho đi.
2. Thành phố ăn mòn ký ức làng quê, có khi tưởng đô thị chẳng có gì ngoài xe cộ, ánh đèn. Nhưng vẫn còn một nơi như thế, những gì ngỡ đã mất, những gì tưởng như quên đều có thể về đây tìm lại…
Như khi cô bạn reo lên thích thú lúc thấy một vạt sen hồng vô chủ. Đám sen này mới chục ngày trước chẳng thấy đâu, nay đã nở hoa thơm ngát, hết mùa, hạt lặng lẽ vùi xuống đáy, âm ỉ nứt mầm chờ đợi mùa sau.
Như khi, bước chân ra chợ, những thứ rau quả hình dáng lạ kì, không gọi nổi tên cứ đỏ tươi, xanh mướt níu chân mình.
Nước lớn tràn bờ, người dân tranh thủ đi xúc cá rô con |
Nào là mớ rau chại non nhuốt trên tấm bao bố trải tạm, cụ bà móm mém biểu con ơi, lấy hết dùm bà về ăn với cháo; nải chuối cau, dăm ba trái bình bát, một thau rau móp muối chua thơm lừng; chiếc nón lá rách, cái thúng nan lủng, không làm tắt đi những nụ cười hồn hậu mời chào.
Như khi, mưa tháng sáu xiên xuống đồng hàng vạn sợi nghiêng nghiêng, có mấy chú cá rô lưu lạc đi bằng vây lạch chạch trước sân nhà.
Lúc lỉu về nhà mùa gặt |
Đất nhiệt thành cho người được hai vụ lúa, mùa gặt, máy gặt đập liên hợp pha đèn thu hoạch suốt đêm. Nông phu rủ nhau ra đồng uống rượu chờ đếm lúa, những đêm hiếm hoi quê không ngủ, vẫn tiếng ca mùi văng vẳng một khúc sông.
Làng quê mang đến cho người phố một thứ buồn thật xa lạ. Buồn thăm thẳm, đắm sâu, nhưng không phải buồn đến rợn ngợp, đến mức muốn lịm đi, mà là một nỗi buồn thật đẹp, miên man, phóng khoáng tặng cho người tất cả an bình.
3. Quê trong lòng phố, nên không có những cuộc đời bị bỡ ngỡ ném vào phố thị, chỉ có quê bỡ ngỡ nhận người phố dạt về. Một kẻ tù tội về đây thuê đất làm lúa giỏi nức tiếng. Một chàng sinh viên đẹp trai phải hơn tài tử, đi mùa hè xanh trên miền núi, gia đình kể ảnh bị “thư” đến quên mất mặt chữ, nhà gửi tạm nơi đây lấy vợ, đưa đò. Những người bệ vệ áo cổ cồn cũng về đây, kẻ dựng lô cốt nhốt yến, kẻ mua đất ruộng, phân lô, giả bộ trồng lên mấy cây dừa đợi chờ một cái tin quy hoạch.
Đô thị hóa đang liếm dần từng mảnh đất quê, người ta nói phải có lộ trình năm năm, mười năm để huyện đất thép thành đồng mau chóng lên quận. Giảm dần diện tích đất nông nghiệp, tăng cường công nghiệp, dịch vụ, giao thương. Dường như bài học đánh đổi tất cả để công nghiệp hóa vẫn chưa thành hình bài bản, hướng đi nông nghiệp bền vững chưa bao giờ là lựa chọn tối ưu.
Đô thị hóa chóng vánh khắc vào xã hội những vết thương, anh em chém nhau vì tấc đất, mảnh rào, tệ nạn phát sinh từ sự đổi thay chưa kịp thích ứng. Những đứt gãy văn hóa vốn dĩ rất âm thầm, mà ở mặt phát triển bề nổi, hơn thua nhau bằng tỉ lệ GDP, người ta không kịp hàn gắn những mắc xích, và rối ren chực chờ theo những công đất ruộng được đẩy giá cao mút chỉ.
Nên có thể một chút làng quê bên lề phố hôm nay cũng như khoảnh khắc của hoa quỳnh, không níu giữ được. Thôi thì, còn được bao nhiêu, bình tâm tận hưởng bấy nhiêu.
Bài: Ngọc Giàu
Ảnh: Phạm Văn Hương
Thiết kế: Mẫn San