Triển lãm có sự tham dự của các đoàn văn hóa nghệ thuật kéo dài từ Bắc đến Nam như: Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang,… Đây là dịp để đồng bào các dân tộc anh em từ các miền của Tổ quốc giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình đến với du khách.
Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”, giới thiệu cho du khách tham quan trong và ngoài nước những nét phong phú, đặc sắc và độc đáo về nghệ thuật đặc sắc của nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Dưới sự thể hiện của các nghệ sỹ, nghệ nhân hàng đầu đến từ các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh tham dự.
Thông qua lễ hội này, khán giả sẽ có một hành trình về với văn hóa âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam, không chỉ qua tiếng đàn, tiếng hát mà còn được tìm hiểu sâu hơn về những nhạc cụ cổ truyền Việt Nam qua triển lãm trưng bày các nhạc cụ cơ bản của nhiều loại hình âm nhạc truyền thống từ Bắc chí Nam.
Triển lãm sẽ trưng bày các loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca Trù, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hát Xoan, Dân ca Bài Chòi... và các nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam theo vùng, miền trong cả nước thông qua hình ảnh, tư liệu, nhạc cụ, màn hình trình chiếu, các chương trình biểu diễn nhạc cụ của các nghệ sĩ, nghệ nhân. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 2/12//2018.
Thông qua “Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018” là các hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo tồn các giá trị của nhạc cụ truyền thống, phát huy bản sắt văn nghệ thuật dân gian, nhạc cụ truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên cả nước.
Bên cạnh việc trưng bày và giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống đến công chúng, trong các ngày diễn ra hoạt động Festival, các đơn vị nghệ thuật sẽ có chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống, vừa giới thiệu những nhạc cụ dân tộc cổ truyền, vừa trình diễn những loại hình âm nhạc truyền thống phục vụ công chúng.
Cũng trong khuôn khổ “Festival Cồng chiêng Tây Nguyên” ngày 29/11, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai đã tổ chức Triển lãm “Họa sĩ Xu Man-những gì còn lại…”.
Được biết, họa sĩ Xu Man tên thật là Siu Yơng (SN 1925, trong một gia đình nghèo tại làng Plei Bông, xã AYun, huyện Mang Yang, Gia lai) từ nhỏ ông đã tham gia cách mạng đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc trong diện biên chế Trung đoàn 120 Tây Nguyên và học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Họa sĩ Xu Man không chỉ là họa sĩ đầu tiên thành danh của Gia Lai mà còn được ví là “cánh chim đầu đàn” của Mỹ thuật Tây Nguyên.
Bởi vậy, tham gia triển lãm về tranh ảnh của họa sỹ có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người thân của họa sĩ Xu Man, các họa sĩ trên địa bàn tỉnh và đông đảo du khách yêu quý con người, tài năng của họa sĩ Xu Man.
Triển lãm trưng bày 150 tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Xu Man (1925-2007). Trong đó có 50 bức tranh của họa sĩ Xu Man và 14 bức tranh do chị Daih (SN 1994) cháu nội của họa sĩ Xu Man vẽ.
Đặc biệt, trong tranh của họa sỹ, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, thân thương giữa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên được chuyển tải trong hàng trăm tác phẩm.
Năm 2012, họa sĩ Xu Man được truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm: Bác hồ với tình yêu Tây Nguyên, Bác Hồ với Tây Nguyên (tranh sơn dầu); Ngày hội trên Tây Nguyên; Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên (tranh sơn mài).Vinh dự hơn, ông đã có 15 bức tranh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Thông qua triển lãm lần này là dịp để người dân và du khách được tìm hiểu và thêm yêu quý họa sĩ Xu Man, một họa sĩ có rất nhiều đóng góp cho mỹ thuật Tây Nguyên. Triển lãm diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 2/12/2018.