Theo một báo cáo mới được công bố, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc ước tính Triều Tiên sẽ thiếu hụt khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay, tương đương với lượng lương thực cần thiết trong khoảng 2 tháng so với nhu cầu thông thường.
Chính quyền Bình Nhưỡng nỗ lực thực hiện giải pháp kêu gọi người dân tăng gia sản xuất nông sản nhưng chiến lược này đã không thành công. Nhiều nguồn tin từ Triều Tiên ghi nhận số ca tử vong vì nạn đói cũng như số lượng trẻ em và người già phải đi ăn xin đang gia tăng không ngừng.
Hãng tin AsiaPress cho biết tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên đang nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất ở châu Á.
Hệ thống phân bổ lương thực của Triều Tiên gần như đã quá tải. Nhiều khu vực nhận được rất ít, thậm chí có những nơi đã không thể tiếp cận được nguồn cung cấp trong nhiều tháng liền.
Theo tờ Daily NK, chính quyền tỉnh Bắc Hamgyong mới đây đã công bố lượng lương thực được dự trữ sau khi chứng kiến giá gạo tăng mạnh, nhưng các nguồn tin trong nước cho biết hệ thống phân phối lương thực đã có một số thay đổi.
Nguồn tin trên cũng cho biết, các gia đình tại Triều Tiên hiện đang được phát "phiếu lương thực" từ các tổ chức cộng đồng địa phương, bao gồm "8 phần ngô và 2 phần gạo nếp", tùy thuộc vào số lượng các thành viên trong gia đình.
Nhà nghiên cứu Gianluca Spezza thuộc Viện Chính sách An ninh và Phát triển có trụ sở tại Stockholm nhấn mạnh tình trạng thiếu lương thực hiện nay ở Triều Tiên là "rất tồi tệ".
"Triều Tiên vốn đã rơi vào tình cảnh chỉ mành treo chuông kể từ trước khi đại dịch COVID–19 bùng phát, bởi nước này liên tiếp phải chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Và mọi chuyện ngày càng trở nên tệ hại hơn với quốc gia này khi đại dịch bùng phát và buộc chính quyền Bình Nhưỡng phải thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới với Trung Quốc trong một thời gian dài", ông Spezza nhận định.
Trong bối cảnh các tổ chức quốc tế không thể tiếp cận, hỗ trợ Triều Tiên, ông Spezza cho rằng "việc nước này có thể cải thiện tình tình trong sự cô lập chỉ có thể là một phép màu và điều đó hoàn toàn không thể thành hiện thực".
Mặc dù tình hình an ninh lương thực tại Triều Tiên đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhưng quốc gia này vẫn hạn chế công bố rất ít thông tin về tình hình dịch bệnh COVID – 19 trong nước ra bên ngoài. Đã một hơn một năm kể từ khi đại dịch lây lan, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố trong nước không xuất hiện bất kỳ ca bệnh nào.
Tuy nhiên, các nguồn tin chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên lại đăng tải những thông tin trái chiều. Nhật báo Daily NK tuần này đưa tin rằng Triều Tiên không chỉ xuất hiện những ca mắc COVID–19, mà còn có những trường hợp tử vong sau khi được đưa ra khỏi các cơ sở cách ly.
Theo một nguồn tin địa phương, khoảng 10% những người được rời khỏi các khu cách ly tập trung ở tỉnh Nam Pyongan khi hết các triệu chứng bệnh đã thiệt mạng sau đó.
"Căn nguyên của vấn đề không phải xuất phát từ đại dịch COVID–19. Vấn đề nằm ở chỗ nền kinh tế của Triều Tiên đã vô cùng kiệt quệ cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp. Những gì đang diễn ra như là một hệ quả của tình trạng bất ổn định kéo dài từ những năm 1980 tại quốc gia này", nhà nghiên cứu Spezza lập luận.
Cũng theo ông Spezza, cuộc khủng hoảng hiện tại ở Triều Tiên có thể sẽ "khiến toàn bộ dân số dễ bị nhiễm bệnh hơn, bên cạnh đó, việc mọi người phải vật lộn kiếm ăn do tình trạng khan hiếm lương thực, cũng sẽ ảnh hưởng đến những cải tiến trong giáo dục".
“Bất cứ thành quả nào mà Triều Tiên đã đạt được đều có thể sẽ tiêu tan nếu như tình trạng đóng cửa biên giới tiếp tục kéo dài”, ông Spezza nhấn mạnh.